Trang phục truyền thống trong cách nhìn của giới trẻ

VH- Dệt nên triều đại (Weaving a realm) là dự án của Vietnam Centre - do ba bạn trẻ Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ và Lê Ngọc Linh đang sinh sống và làm việc tại Australia thực hiện nhằm tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình thế kỷ XV vừa ra mắt tại Hà Nội.

Nhận thấy Việt Nam sở hữu một nền văn hóa giàu bản sắc và có bề dày lịch sử cũng như những tiềm năng phát triển không thua kém các cường quốc văn hóa, nhưng chưa được khai thác tương xứng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giáo dục và tăng cường hình ảnh quốc tế, các bạn trẻ Việt Nam ở xa quê hương có một khao khát mạnh mẽ là mở ra cánh cửa để bạn bè thế giới cũng như đồng bào trong và ngoài nước có thể tiếp cận với kho tàng văn hóa Việt Nam theo những cách thức hấp dẫn.

Trang phục truyền thống trong cách nhìn của giới trẻ - Anh 1

 Phục dựng và trình diễn trang phục truyền thống thời Lê Sơ, thế kỷ XV

Bạn trẻ Lê Ngọc Linh cho biết: “Chúng tôi muốn góp phần cải thiện hình ảnh về Việt Nam, để người nước ngoài và kiều bào biết đến Việt Nam như là một mảnh đất tràn đầy văn hóa và cởi mở ở châu Á, không chỉ là một đất nước từng trải qua chiến tranh”. Vì vậy, nhiệm vụ của họ là kết hợp nguồn lực của các nhà nghiên cứu, các tác giả, nghệ sĩ trong nước với các đầu mối ở nước ngoài để quảng bá muôn mặt văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Trong dự án đầu tiên, Vietnam Centre chọn tái hiện trang phục cung đình thời Lê Sơ thế kỷ XV, bởi “không chỉ đơn thuần là quần áo khoác trên người, trang phục chính là lịch sử, là văn hóa. Việc phục dựng và trình diễn các trang phục, tái hiện nghi lễ sẽ hấp dẫn, thôi thúc mọi người tò mò, tự đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời với mong muốn gây dựng niềm đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống.

Trang phục truyền thống trong cách nhìn của giới trẻ - Anh 2

Tái hiện nghi lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu thời Lê Sơ

Để có buổi ra mắt thu hút đông đảo công chúng, anh Nguyễn Ngọc Phương Đông - người nghiên cứu thực hiện dự án cho biết: Việc phỏng dựng các trang phục này dựa vào các cuốn sách nghiên cứu ghi chép từ xưa đến nay; các hiện vật như áo giao lĩnh của Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên, tranh, tượng tại các di tích đình chùa và các bảo tàng; đối chiếu với các nước cùng văn hóa cùng thời kỳ. Nhóm cũng khảo sát các làng nghề dệt để tìm vải may cho phù hợp. Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về Lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Dự án cũng nhận được sự góp ý của nhiều nhà nghiên cứu để hoàn thiện về trang phục, nghi lễ, đạo cụ.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả của cuốn sách Ngàn năm áo mũ, công trình khảo cứu về trang phục của người Việt trong gần 1.000 năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009 - 1945), cho rằng: “Ấn tượng của người Việt với văn hóa cung đình, gần nhất là văn hóa cung đình thời Nguyễn, cũng đã phôi phai đi rất nhiều. Qua thời gian dài, văn hóa dân gian trỗi dậy nhiều hơn. Dệt nên triều đại tái hiện một nét văn hóa thời Lê Sơ, cách đây 5 thế kỷ, nếu nói không có chứng cớ gì thì cũng không phải, văn hóa cung đình cũng như nghi lễ này được ghi chép trong những cuốn sách lớn như Lịch triều hiến chương loại chí, nhưng ghi chép ấy không thể như thước phim để truyền tải 100% và người hiện đại chỉ dựa vào ghi chép ấy thì chỉ có thể tái hiện một phần nào, nghi lễ ngày xưa nhiêu khê và phức tạp hơn nhiều. Tuy vậy, tinh thần và hành động của các bạn trẻ rất đáng hoan nghênh”.

Trang phục truyền thống trong cách nhìn của giới trẻ - Anh 3

Trang phục cung đình thời Lê Sơ được trình diễn trước công chúng

Sau buổi diễn ở Hà Nội, Vietnam Centre sẽ tổ chức buổi diễn tương tự vào tháng 2.2018 tại Sydney, Australia và tương lai là trình diễn tại nhiều thành phố khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Vietnam Centre dự kiến duy trì các sự kiện, triển lãm, trình diễn, tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa, tương tác thường xuyên với đại chúng qua mạng xã hội cùng những nội dung thu hút.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU): “Đây là điều rất đáng trân trọng, vì hiếm khi có các bạn trẻ chủ động muốn kết nối gốc rễ của lịch sử, truyền thống với cuộc sống hiện đại và hiện tại của tuổi trẻ. Cầu nối đó là cần thiết, bởi nếu thế hệ đi trước làm thì có thể ngôn ngữ không phù hợp, nhưng nó do chính người trẻ nghĩ ra, thực hiện một cách rất năng động, đầy sáng kiến. Tuổi trẻ Việt Nam đưa ra tín hiệu mình rất vui tươi, năng động nhưng biết suy nghĩ để trả lời câu hỏi gốc rễ của dân tộc Việt là gì, chúng ta tiếp quản, tiếp nhận gì từ quá khứ để xây dựng dân tộc Việt ngày nay và ngày mai”. 

Hiểu Minh

 

Ý kiến bạn đọc