Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Quê hương của nghệ sĩ điện ảnh là trong lòng khán giả

Thứ Tư 27/12/2017 | 09:42 GMT+7

VH-  Trở về trong một LHP rất khác với những chuyến công tác hoặc du lịch hưởng thụ. 29 năm, chúng tôi trở lại với một cảm xúc thuần khiết, một niềm yêu mến chân tình và trọn vẹn của công chúng.

Và… dù thảm đỏ đã được trải dài, trên cao; dù niềm phấn khích của công chúng, trong đó có những cổ động viên được huy động để vỗ tay theo hiệu lệnh như nhiều LHP trước đó… nhưng thật may mắn, cảm xúc của 29 năm trước đã không bị xô lệch, bị hao hụt…

 Ngày 25.11.2017, khai mạc Liên hoan phim Việt nam lần thứ 20. Ngày 28.11, LHP bế mạc. Phim Em chưa 18 đoạt giải Bông Sen Vàng…

Những thông tin có vẻ khô khan này không đủ nói lên một chuỗi những cảm xúc đặc biệt của nhiều nghệ sĩ điện ảnh, cũng như của công chúng yêu điện ảnh ở ngay tại Đà Nẵng, nơi mà sau 29 năm, một sự kiện điện ảnh tầm cỡ quốc gia mới trở lại với thành phố xinh đẹp này.

 LHP là cuộc gặp gỡ của các nghệ sĩ điện ảnh, là sự trở về ngôi nhà chung của các nghệ sĩ gạo cội

29 năm, dường như là quá dài với một đời người, nhưng cũng như mới chỉ một chớp mắt. Những nghệ sĩ từng đoạt giải ở Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 của 29 năm trước, nay trở lại Đà Nẵng, người còn người mất. Ê kíp làm phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (Bông Sen Vàng cho phim, cho đạo diễn, biên kịch và quay phim) có đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn và tôi, biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Thiếu người làm nên những hình ảnh đẹp nao lòng của Hà nội một thời: Nhà quay phim Trương Minh, người đã đoạt giải Bông Sen Vàng cho Quay phim xuất sắc nhất năm ấy. Nữ diễn viên chính Trần Lê Vy đang định cư tại Pháp. Khi đóng phim này, cô ấy mới chưa tròn 19 tuổi. Chúng tôi nhắc đến họ trong nỗi rưng rưng về một mùa LHP rực rỡ nhất, thành công nhất trong lịch sử liên hoan phim quốc gia. Nó rực rỡ bởi dù lúc đó Đà nẵng còn rất nghèo, nhưng tấm lòng của công chúng yêu điện ảnh Đà Nẵng thì thật nồng nhiệt, sôi nổi và văn minh. Vẫn là nhà hát Trưng Vương – một trung tâm văn hóa lớn nhất thành phố với quy mô xây dựng và trang thiết bị khiêm tốn hơn bây giờ rất nhiều, nhưng sáng rực bởi những đèn hoa, và những gương mặt háo hức, ngưỡng mộ tụ họp lại quanh nhà hát, trên con đường vốn không mấy rộng rãi dẫn vào trung tâm sự kiện. Không có thảm đỏ trên cao để các nghệ sĩ sải bước kiêu hãnh trong những cái ngước nhìn ngưỡng mộ của công chúng. Chúng tôi đi giữa họ, giữa một rừng những cánh tay giơ cao vỗ không ngớt. Còn nhớ mãi, khi những Trà Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng, Trịnh Thịnh… xuất hiện, trong rừng người chen chúc bên lối đi ấy, nhiều đôi mắt đã long lanh ngấn lệ vì niềm phấn khích tột độ. Nhưng tuyệt nhiên không xô đẩy, dù lực lượng giữ trật tự rất mỏng. Cũng không có tiếng la hét gọi tên nghệ sĩ, càng không có các “MC thảm đỏ” xướng tên các nghệ sĩ vừa xuất hiện. Bởi công chúng yêu điện ảnh biết họ, đã thuộc tên họ từ lâu, và coi họ là thần tượng của mình rồi.

Có người sẽ nói, LHP quốc gia lần thứ 20 rất chuyên nghiệp. Nhìn lại những hình ảnh của 29 năm trước, chắc chắn sẽ có một sự so sánh hơi buồn cười. Vì… đó, như ký ức vừa được nhắc lại, LHP lần thứ 8 (1988) không có thảm đỏ, không có sân khấu hoành tráng, càng không có những cổ động viên được huy động để vỗ tay theo hiệu lệnh. 29 năm trước, chỉ có tấm lòng người Đà Nẵng đón nghệ sĩ đến với họ, như đón người thân trở về nhà. Ấn tượng thân thương này sâu đậm đến nỗi sau ngần ấy thời gian, khi biết LHP một lần nữa được trở lại với mảnh đất ấm áp này, nhiều nghệ sĩ đã bắt đầu bồn chồn, náo nức, và mong mỏi… niềm mong mỏi của một chuyến trở về, dù có lẽ không ít người đã nhiều lần từng qua lại thành phố này trong ngần ấy năm. Nhưng trở về trong một LHP rất khác với những chuyến công tác hoặc du lịch hưởng thụ. 29 năm, chúng tôi trở lại với một cảm xúc thuần khiết, một niềm yêu mến chân tình và trọn vẹn của công chúng. Và… dù thảm đỏ đã được trải dài, trên cao; dù niềm phấn khích của công chúng, trong đó có những cổ động viên được huy động để vỗ tay theo hiệu lệnh như nhiều LHP trước đó… nhưng thật may mắn, cảm xúc của 29 năm trước đã không bị xô lệch, bị hao hụt… Bởi những cuộc tiếp xúc giữa nghệ sĩ với khán giả trong các buổi chiếu phim, hoặc giao lưu trong các trường học, đơn vị quân đội… đã diễn ra đúng như những gì các nghệ sĩ mong đợi. Ở một cự ly gần hơn rất nhiều trong sự kiện Thảm đỏ, chúng tôi lại cảm nhận những đôi mắt sáng rực niềm ngưỡng mộ, và những cái nhìn ấm áp như đón người thân trở về. Dù khán giả hôm nay đã là một thế hệ khác, thành phố đã phát triển rộng lớn hơn rất nhiều, nhưng tình người, cùng với niềm yêu mến điện ảnh Việt thì vẫn nguyên vẹn thuần khiết như 29 năm trước.

Trở về với tấm lòng của công chúng yêu điện ảnh Việt. Có lẽ không ở đâu ngoài Đà Nẵng cho các nghệ sĩ cảm xúc đặc biệt này. Nó khiến chúng tôi chợt ngộ ra: Quê hương của nghệ sĩ điện ảnh chính là trong trái tim của Khán giả. Và từ đó, có lẽ nhiều nghệ sĩ sẽ phải tự nhủ lòng: Hãy làm sao để những trái tim rộng mở, độ lượng ấy luôn là nơi chốn để ta soi mình, để cống hiến và thụ hưởng.

Trịnh Thanh Nhã

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top