Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

Làm thế nào để có vở cải lương hay, thu hút được công chúng?

Thứ Sáu 05/06/2020 | 11:17 GMT+7

VHO- Đó là câu hỏi cũng là nỗi niềm của nhiều đại biểu tại Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn - Phát triển nghệ thuật Cải lương Nam Bộ” do Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tổ chức hôm qua 4.6. Hội thảo quy tụ sự tham gia của đông đảo những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật, đào tạo, văn nghệ sĩ, các đơn vị quản lý nghệ thuật và sinh viên, học viên chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật các cơ sở đào tạo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu vào bàn luận giải pháp để vực dậy cải lương, công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo diễn viên cải lương và đạo diễn sân khấu phù hợp theo nhu cầu phát triển của xã hội... Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những cái yếu nhất trong lĩnh vực đào tạo diễn viên cải lương là còn bất cập từ khâu tuyển chọn đến ra nghề. Hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu. Và việc thiếu người học có chất giọng là mối nguy lớn của ngành đào tạo diễn viên cải lương.

Nhiều ý kiến bàn giải pháp để vực dậy cải lương

Không thể ngồi đợi

Là người luôn đau đáu với cải lương, NGND Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM mở đầu hội thảo bằng chia sẻ, để vực dậy nghệ thuật Cải lương, điều cơ bản là phải tìm hiểu cái hay, đặc thù tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này, từ đó có giải pháp bảo tồn, phát triển. “Tôi cho rằng để đào tạo bậc ĐH cho ngành diễn viên cải lương thì Nhà trường cần chú trọng đầu vào, nghĩa là phải đi tìm đội ngũ diễn viên tài năng, chứ không chỉ ngồi một chỗ đợi. Trong quá trình đào tạo cần gắn với biểu diễn, trau dồi nghề cho các em”, NGND Ca Lê Hồng tâm tư và cho rằng không chỉ chú trọng đào tạo diễn viên, Nhà trường cần quan tâm đến việc tìm kiếm và đào tạo đội ngũ sáng tác, lực lượng nhạc công, người dàn dựng,... cho sân khấu cải lương.

Đạo diễn Thanh Hiệp đồng tình với quan điểm này và cho rằng, để có nguồn tuyển sinh, Nhà trường phải chịu khó “lùng sục” trong vùng sâu vùng xa để tìm ra hạt giống tốt. “Để hóa giải việc khan hiếm nguồn tuyển, theo tôi rất cần sự liên kết với các đơn vị. TP.HCM có hai giải thưởng lớn về việc tuyển chọn những giọng ca cải lương hằng năm, là giải Bông lúa vàng và giải Chuông vàng vọng cổ. Vậy Khoa Kịch hát dân tộc của Trường có thể chủ động liên kết, tạo cơ hội cho các thí sinh vào vòng bán kết có thể theo học các khóa bồi dưỡng về giọng ca, hình thể, diễn xuất cơ bản, làm quen với các môn học chính quy của việc đào tạo bài bản một diễn viên chuyên nghiệp. Từ đó, sẽ khơi gợi trong lòng các bạn trẻ niềm yêu thích các môn học, bởi đó chính là nền tảng vững chắc để các em có tố chất diễn viên hướng tới nghề một cách chuyên nghiệp”, đạo diễn Thanh Hiệp hiến kế.

TS Phạm Trí Thành, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần có những chương trình đào tạo đạo diễn, tác giả, nghiên cứu lý luận riêng cho chuyên ngành Cải lương, đặc biệt là đào tạo giáo viên giảng dạy bộ môn đào tạo diễn viên cải lương. Đối với đội ngũ giảng viên và sinh viên trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật sân khấu Cải lương cần được trang bị tri thức cao, sâu, cập nhật, tinh hoa nghề nghiệp của các thế hệ đi trước cũng như của các nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện về thời gian, vật chất, trang thiết bị dạy và học theo yêu cầu của chuyên ngành để họ được hoạt động chuyên sâu, độc lập, và có một môi trường nghề nghiệp thật sự phù hợp để hoạt động đào tạo có hiệu quả thật tốt. Bởi vì chỉ có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, độc lập thì mới có được một nghệ thuật sân khấu Cải lương có định hướng tốt được.

Không thể giữ cách làm cũ

Theo NGND Hà Quang Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chúng ta đang đứng trong sự cạnh tranh dữ dội cả về kinh tế, xã hội và văn hóa nghệ thuật. Sự cạnh tranh trong văn hóa nghệ thuật không phải chỉ cải lương mà ca nhạc, điện ảnh và nhiều môn nghệ thuật giải trí khác. Không phải chỉ cải lương mà bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, muốn được công chúng, xã hội đón nhận đều phải đổi mới, làm cho hay công chúng mới đón nhận, mới bỏ tiền mua vé vô coi. “Ca nhạc, điện ảnh, kịch nói, nếu không hay thì cũng vắng khách, cải lương cũng nằm trong quy luật đó. Cho nên vấn đề ở đây chúng ta cùng bàn là làm thế nào để có một vở cải lương hay thu hút được không phải chỉ công chúng lớn tuổi, mà phải là cả công chúng trẻ. Để làm được, đương nhiên phải biết đổi mới, đổi mới trong từng vở diễn, trong tư duy thường xuyên của mỗi đạo diễn, mỗi nghệ sĩ”, NGND Hà Quang Văn chia sẻ.

Theo các đại biểu, công chúng của cải lương vẫn còn rất nhiều, bằng chứng là vẫn đông thí sinh trẻ đến với các cuộc thi vọng cổ, bởi ở các cuộc thi, game show về vọng cổ có yếu tố mới, khiến người xem luôn tò mò, thích thú, do vậy vấn đề là phải có những chương trình cải lương hay, vở diễn hay được đầu tư, sáng tạo thì người xem mới chịu bỏ tiền mua vé. NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc tâm tư: “Chúng ta làm cải lương trong điều kiện xã hội đã thay đổi nên không thể làm theo kiểu cũ, có lẽ phải có sự rung cảm trong trong từng vở diễn thì mới làm cho người xem lay động… Do vậy mà trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi từ khâu sáng tác đến biểu diễn mới có thể phản ánh đời sống đương đại, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả”.

NSƯT.ThS Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục, từ năm 2020 này, trường chính thức không còn tuyển sinh trình độ cao đẳng, hiện Trường đang gấp rút hoàn chỉnh các thủ tục để tuyển sinh trình độ ĐH ngành Diễn viên sân khấu kịch hát, dự kiến sẽ tuyển sinh vào năm học này. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top