Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

NSƯT Đức Long và biệt danh “Chùa Thầy”

Thứ Sáu 16/11/2018 | 14:23 GMT+7

VHO- Nhiều người sẽ rất thắc mắc với biệt danh “Chùa Thầy” được đặt cho NSƯT Đức Long, song với những người làm nghệ thuật và cả những bạn bè thân thiết thì điều đó thật dễ hiểu.

Biệt danh “Chùa Thầy” và những cô, cậu học trò bướng bỉnh, cá tính nhưng khó bỏ

Nếu hiểu nôm na thì biệt danh "Chùa Thầy" cho thấy nghệ sĩ ưu tú Đức Long là một người có tấm lòng độ lượng, bao dung, như ông bụt, ông tiên đối với những học trò của mình. 

Theo anh Nguyễn Công Thái, người luôn bên cạnh nghệ sĩ ưu tú Đức Long thì: "Tên Chùa Thầy đã gắn bó với nghệ sĩ ưu tú Đức Long từ hàng chục năm qua và thường các bạn nghệ sĩ thân thiết chỉ gọi là "Chùa" và dường như tất cả học sinh cũ, mới đều chào "Chùa" khi gặp mặt. Có lẽ cũng bởi tuy đông học trò, nhưng nhiều học trò nghệ sĩ Đức Long dạy không lấy tiền và cũng nhiều học trò nhờ nghệ sĩ Đức Long mà vượt khó, trưởng thành trong nghề nghiệp và cũng chưa bao giờ Đức Long cần những học trò của mình phải báo đáp".

NSƯT Đức Long

Đi tìm biệt danh "Chùa Thầy", ca sĩ Minh Thu cho biết: "Là học trò của Thầy, Minh Thu cũng như nhiều thế hệ học trò rất kính trọng, yêu quý thầy. Cái tên “Chùa Thầy” Thu gọi thầy cũng cách đây cả chục năm rồi, đó là lần lưu diễn cùng thầy ở Châu Âu. Chuyến lưu diễn ấy, Minh Thu bị ốm, sốt rất cao do trái múi giờ, lại gặp thời tiết lạnh, cảm giác của Thu lúc ấy thật tệ, không đủ sức để có thể bước ra sân khấu. Thu nhớ show diễn hôm đó Thu hát 'Không thể và có thể' của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Thế rồi, thầy vừa nhẹ nhàng động viên, nhưng vừa chốt chặt rằng em phải hát.

Những câu thủ thỉ nhẹ nhàng nhưng đầy kiên quyết của thầy, rồi cả những lời dăn dạy về bản lĩnh của người nghệ sĩ khi đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam khiến Thu đã vượt qua được chính mình.  Và cả chuyến đi châu Âu với 17 show diễn, Minh Thu đón nhận vô vàn lời khen ngợi từ phía khán giả và cũng nhờ bài hát đó mà mọi người nhớ đến Minh Thu với rất nhiều những lời khen tặng như nghe em hát “sởn da gà”. Cũng từ đó Thu gọi thầy là “Chùa Thầy”.

Với nghệ sĩ ưu tú Đức Long thì cô học trò Minh Thu trong anh có quá nhiều kỷ niệm. Chuyện xảy ra cách đây cũng đã 10 năm, khi Minh Thu gặp sự cố về dây thanh đới. Giằng xé lựa chọn con đường mình đi thật không dễ. Trong lúc hoang mang ấy, Minh Thu đã đến gặp nghệ sĩ ưu tú Đức Long - đó là một quyết định khó khăn đôi khi đánh đổi bằng máu và nước mắt nhưng Minh Thu đã làm được.

Nghệ sĩ ưu tú Đức Long nhớ lại: “Tôi với Minh Thu, hai thầy trò có rất nhiều kỷ niệm, nhưng đáng nhớ nhất chính là vào một ngày rất đẹp trời cách đây 10 năm, Minh Thu có đến tôi và nói 'Thầy ơi! chắc em phải bỏ nghề vì dây thanh đới của em có vấn đề'. Tôi rất tiếc giọng hát của Thu nếu như em thực sự phải rời xa ánh đèn sân khấu. Lúc ấy, tôi cũng chỉ biết động viên và nói với Thu rằng thầy rất yêu quý em, nên hãy đến nhà để thầy luyện và sửa lại kỹ thuật, cũng như xử lý thanh đới, thầy hy vọng mọi chuyện sẽ ổn... Những buổi đầu tiên luyện thanh rất khó khăn, Minh Thu vừa tập vừa rơi nước mắt vì đau, nhưng chỉ sau vài tháng thì kết quả mà Minh Thu tặng tôi chính là CD nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Đó là kỷ niệm mà thầy trò không thể quên được”.

Là học trò cưng của “Chùa Thầy”, ca sĩ Nguyễn Bách tâm sự: Cũng giống như Minh Thu, tôi cũng đã từng chán nản với nghề, cho đến khi gặp lại “Chùa Thầy”. Minh Thu thì chăm học tới mức khiến thầy lắm lúc phát cáu! Thầy nói vui: “Nó là cơn ác mộng của đời tôi”! Thầy hay đi lưu diễn nước ngoài dài ngày, về tới Việt Nam chưa kịp nghỉ ngơi thì cô ý (Minh Thu) là người đầu tiên lao đến học, lắm lúc diễn về khuya, sáng bảnh mắt ngủ chưa no giấc đã thấy cô ấy réo dưới cửa! Cũng bởi vậy mà Minh Thu là người học trò mà thầy cưng nhất!

Riêng tôi, thầy Đức Long tuyển 3 lần vào Nhạc Viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cứ học một thời gian thì lại nghỉ vì một số “lý do đặc biệt”! Thầy thi thoảng vẫn nói: “Tôi khá tiếc cho anh”. Thầy là người luôn theo dõi, quan tâm học sinh từ cách hát cho đến các hoạt động nghệ thuật. Bởi vậy, khi tôi trở lại ới nghề thì thầy cũng nắm được hết sở trường, sở đoản và khiến tôi học hành nghiêm túc. Cũng nhờ vậy mà liveshow cá nhân “Tình khúc vàng” mới đây của tôi đã rất thành công, nhờ vào sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là sự chỉ bảo của thầy.

  Liveshow " Khi gió mùa về" là sự hữu duyên của những người say nghệ thuật, yêu người, yêu đời với mong muốn tận hiến. Chương trình có NSƯT Đức Long, ca sĩ Minh Thu, Lê Ánh Tuyết (thành viên nhóm Con gái) và Bách Nguyễn sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm - Hà Nội) vào 20h ngày 24.11.

Tổng đạo diễn chương trình là NSƯT Phạm Lê Nam, với phần biên tập, hòa âm, phối khí và chỉ đạo âm nhạc của nhạc sĩ Huyền Trung. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng là người dẫn chuyện "Khi gió mùa về".

“Khi gió mùa về” - sự “Hữu duyên” của tình thầy trò, đồng nghiệp

Nghệ sĩ Đức Long không chỉ dạy học trò là những học sinh, sinh viên thanh nhạc chuyên nghiệp mà anh còn đi khắp Châu Âu, dạy hát cho cộng đồng người Việt, những ai muốn học hát. Anh quan niệm, học hát không phải để trở thành ca sĩ, mà thông qua việc học hát sẽ giúp cho tình cảm cộng đồng gắn kết với nhau nhiều hơn, họ cộng cảm và chia sẻ cảm xúc tốt hơn. Học hát giúp họ giảm bớt áp lực bởi cơm áo, gạo, tiền, xoay vần theo năm.

Cứ mỗi đợt truyền dạy như thế, anh lại tổ chức một Gala, quy tụ những giọng ca xuất sắc của từng vùng và chọn địa điểm tổ chức cho phù hợp để học viên ở các tỉnh, thành phố lân cận có thể tham dự được. Chưa hết, cứ mỗi khi học trò của anh ở khắp các vùng miền trong nước và nước ngoài trở về thì căn nhà nhỏ xíu trong con hẻm sâu ở đường Lê Duẩn ngập tràn tiếng hát, tiếng cười ấm áp tình thầy trò.

Nghệ sĩ Đức Long, Minh Thu, Bách Nguyễn, Lê Ánh Tuyết

Là thế hệ ca sĩ đàn em, Lê Ánh Tuyết trân trọng những lao động nghệ thuật của nghệ sĩ ưu tú Đức Long. Với vai trò là Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ, Lê Ánh Tuyết đã nảy ra ý tưởng xây dựng chuỗi chương trình có chất lượng nghệ thuật, nhưng giá vé chỉ thấp như khán giả đi nghe nhạc ở phòng trà, ngay lập tức gặp được sự đồng cảm từ Đức Long và những học trò của anh, nhưng cũng đồng thời là những người bạn thân thiết của Ánh Tuyết.

Ca sĩ Nguyễn Bách cho biết: “Lẽ ra chúng tôi dự định tổ chức liveshow vào dịp 20.11, nhưng vì thời điểm đó đúng trong “tâm bão liveshow” nên chúng tôi quyết định dời ngày. Với chúng tôi, việc hát thật hay chính là cách tri ân “người đưa đò” và công chúng đã dành tình cảm yêu mến giọng hát của chúng tôi một cách tốt nhất. Người nghệ sĩ sẽ không thể thăng hoa trên sân khấu và thành công trong nghệ thuật nếu không có sự tương tác. Khán giả là một phần quan trọng làm nên tên tuổi nghệ sĩ. Chúng tôi tin khán giả sẽ đón nhận, cổ vũ và đồng điệu cùng chúng tôi trong “Khi gió mùa về”.

Để làm câu chuyện âm nhạc về mùa thu với 4 nghệ sĩ là những con người đầy cá tính trong nghệ thuật, vai trò Tổng đạo diễn của đạo diễn Phạm Lê Nam rất quan trọng. Nói về hình tượng âm nhạc trong chương trình, Đạo diễn Phạm Lê Nam chia sẻ: “Gió mùa về cũng là khi những chiếc lá vàng chao nghiêng. Chiếc lá vốn dĩ đang ở trên thân cây chắc chắn, nhưng khi gặp cơn gió đầu mùa bỗng hào hứng rời khỏi cành cây như cuốn bay lượn theo cơn gió. Hà Nội mùa thu thật đẹp và lãng mạn. Cảm xúc giao mùa càng trở nên thi vị trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Qua những cung bậc âm thanh, các nghệ sĩ sẽ đưa khán giả đến với những xúc cảm diệu kỳ về mùa – đó có thể là những cơn gió mạnh thổi ào mạnh mẽ, nhưng có lúc lại nhẹ nhàng nghỉ ngơi lơ đễnh trên một bờ tường rêu phong. Lúc lại thâm trầm và có khi hạ mình xuống đường phố cuốn theo gót chân của những cô gái Hà Nội. Thậm chí có những lúc rơi xuống vỉa hè chờ đón những cơn mưa trái mùa...

Sự phiêu lưu của những chiếc lá và mùa thu luôn mang đầy sắc thái, sự tinh tế, lịch lãm, thậm chí cả sốc nổi và lãng đãng như những giọng ca của chương trình... Và cuối cùng sau cuộc phiêu lưu của mình, chiếc lá lại trở về rơi xuống hiên nhà để một cô gái Hà Nội sáng sớm thức dậy lại nhặt lên ép vào trang vở như một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời”.

Theo Dân Việt

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top