Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Cứ đi rồi sẽ đến!”

VH- Không hề khó hiểu khi nói Phạm Thu Hà là một trường hợp lạ của nhạc Việt. Lạ từ cách cô bước vào đời sống âm nhạc, cách lựa chọn đường đi cho đến cách sống lặng lẽ trong giới giải trí vốn nhiều tai tiếng. Ngại tiếp xúc là thế nhưng với âm nhạc Hà lại quyết liệt và đôi khi cực đoan. Hà nói : "Tôi yêu và cảm thấy dễ chịu với những lựa chọn âm nhạc của mình, cứ đi rồi sẽ đến"!

Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Cứ đi rồi sẽ đến!” - Anh 1

P.V: Có nhiều ca sĩ trong một cuộc thi, một sự tình cờ nào đó họ được phát lộ và trở thành ca sĩ. Chị lại ở trường hợp khác: Được đào tạo bài bản, bỏ nhiều công sức để rèn luyện và học tập trong một thời gian dài ở Học viện  Âm nhạc… 
Ca sĩ Phạm Thu Hà: Thực ra thì nghề nào cũng phải học chứ không riêng gì ca sĩ. Cũng như chị đã dùng một từ rất hay là “phát lộ”. Những người được truyền thông hay cộng đồng phát hiện ra tố chất của mình, họ cũng luôn luôn phải học tập không ngừng thì mới có thể phát triển được theo cái phát hiện ấy.
Để trở thành một ca sĩ có thể hát được rất nhiều tác phẩm âm nhạc với các màu sắc khác nhau, đương nhiên phải học và rèn luyện. Không chỉ rèn luyện về kỹ thuật thanh nhạc mà còn phải rèn luyện sức khoẻ, khả năng giải phóng cơ thể. Nhưng cái rèn luyện quan trọng nhất đó chính là rèn luyện tâm hồn của mình. Phải làm thế nào để mình cảm thụ được đa phần những điều mà tác giả muốn gửi gắm thì thể hiện mới hay được.
Năng khiếu là một yếu tố rất quan trọng, nó giúp cho nghệ sĩ chinh phục những nấc thang về kỹ thuật thanh nhạc và biểu diễn thuận lợi hơn. Nhưng cũng có người năng khiếu bị hạn chế, nhưng do khổ luyện và quyết tâm vẫn có được những thành tựu đáng ghi nhận.

Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Cứ đi rồi sẽ đến!” - Anh 2

Tên tuổi chị gắn với dòng nhạc cổ điển và bán cổ điển. Tại sao chị chọn dòng nhạc này? 
Hầu hết các bạn đã từng học tại Học viện  m nhạc quốc gia VN đều được đào tạo chính quy về âm nhạc cổ điển và tôi cũng vậy. Tôi không chọn mà âm nhạc chọn tôi. Tôi bắt đầu từ bước thấp nhất trong trường đó là hệ sơ cấp, rồi đến trung cấp, rồi đại học và sau này là cao học biểu diễn. Đây là cả một quá trình dài mà nếu chỉ dùng thước đo là thời gian thì cũng không thể nói lên hết được sự vất vả của nó.
Chị hãy đến Nhạc viện, nhất là khu ký túc xá, chị sẽ nghe thấy tiếng hát, tiếng nhạc cụ liên tục trong suốt các quãng thời gian trong ngày. Tôi cũng đã từng sống như thế, tất cả chỉ vì đam mê.
Nhiều ca sĩ có thể hát nhiều dòng nhạc. Chị lại được đào tạo bài bản. Đã bao giờ chị có ý định thử nghiệm mình ở dòng nhạc khác? 
Những ca sĩ có thể hát nhiều dòng nhạc là những nghệ sĩ xuất sắc, thật không dễ để làm điều đó một cách chuyên nghiệp. Tôi chọn lối đi khác, an toàn hơn và hợp với tôi hơn, đó là âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên cũng không hẳn tôi chỉ giam mình trong bức tường đó. Tôi đã từng có những buổi rong chơi với chillout, những ngày giao du với pop, rồi hoà quyện với jazz,…chắc sau này sẽ còn nhiều những trải nghiệm thú vị nữa. Nhưng tôi luôn vui vì cho dù hát ở thể loại nào thì tôi vẫn là chính tôi, âm nhạc của tôi có lẽ cũng không dễ bị trộn lẫn.

Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Cứ đi rồi sẽ đến!” - Anh 3

Vậy trong dòng nhạc cổ điển chị đang theo, chị thích nhất giọng hát của ca sĩ nào? Vì sao?
Ở mỗi giai đoạn của nghề nghiệp tôi thần tượng một người. Khi tôi mới bước chân vào Nhạc viện, người tôi thần tượng chính là cô giáo của tôi, cô Mỹ Bình. Tôi cảm nhận được ở cô một tình yêu nồng nàn dành cho âm nhạc và gia đình, có lẽ cũng chính vì tình yêu ấy nên cách cô xử lý các bài hát cũng đầy tình cảm và cực kỳ tinh tế. Và từ cô thì tôi hiểu ra một điều, để hát hay không phải chỉ bắt nguồn từ cổ họng mà còn phải cả từ trái tim.
Sau này, giọng ca tôi thích nhất có lẽ là Sarah Brightman. Cô ấy có một giọng hát rất quyến rũ và biến hoá. Tôi có thể nghe cô ấy hát hàng giờ mà không hề thấy nhàm chán. Luôn luôn thấy trong Sarah sự mới mẻ, tươi sáng. Và tinh thần này của cô ấy là điều tôi luôn học hỏi và nỗ lực đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình.
Có thanh có sắc, cát xê cao và sống ổn với nghề. Thực ra không phải ai đi theo dòng nhạc này cũng hội tụ những may mắn ấy như chị. Là người đang đi trên con đường bán cổ điển, chị có lời khuyên gì với các ca sĩ trẻ đang và định đi theo dòng nhạc này? Một ca sĩ hát dòng nhạc kén người này theo chị, cần hội tụ những yếu tố gì để thành công?
Cũng không nhiều bạn trẻ chọn con đường như tôi đã chọn. Vì khi theo đuổi dòng nhạc này, mọi thứ sẽ phải đến từ từ và phải đầu tư vào đó rất nhiều. Nhưng khi đã có những khán giả yêu thích mình thì tình cảm đó sẽ rất lâu bền.
Một ca sĩ khi chọn bất cứ dòng nhạc nào cũng cần phải có đầu tiên là sự đam mê. Vì phải đam mê thì mới gạt bỏ được những khó khăn mà sống với nó. Sau đó thì là sự khổ luyện về chuyên môn, tâm hồn. Một điều cũng quan trọng không kém là luôn phải nhìn thế giới xung quanh, để biết được mọi người quanh ta đang cần gì và muốn gì. Nghệ sĩ là để phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng, nên phải làm ra những sản phẩm để được công chúng đón nhận.

Ca sĩ Phạm Thu Hà: “Cứ đi rồi sẽ đến!” - Anh 4

Là người có duyên với VTV, chị có thể nói về cơ duyên đầu tiên ấy? Chị thích những chương trình gì của VTV? Chị đã tham gia những chương trình gì của VTV?
Xem truyền hình là một nhu cầu đối với tôi hằng ngày. Tôi không chỉ xem những chương trình về nghệ thuật hay âm nhạc, tôi thích “Thời sự”, tôi yêu “Thời trang” và tôi quan tâm đến “Thời tiết”. Nói chung truyền hình là ngừoi bạn không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Tôi cũng không nhớ lần đầu tiên tôi lên truyền hình là khi nào, có lẽ từ những năm học trung cấp khi tham gia biểu diễn với thầy cô và các bạn. Sau này tôi xuất hiện nhiều hơn trong những chương trình ca nhạc ghi hình hay những chương trình phóng sự hoặc phỏng vấn. Nói thật rằng tôi cũng không bao giờ hệ thống xem mình đã từng xuất hiện ở đâu. Điều tôi quan tâm hơn, là mỗi khi xuất hiện mình thế nào? Có đúng là Phạm Thu Hà hay không thôi!
Vậy các cuộc thi âm nhạc trên VTV hiện nay, là một ca sĩ, một người đang sống và sinh hoạt trong môi trường âm nhạc đương đại. Chị có nhận xét gì về những cuộc thi ấy?
Nhu cầu giải trí là một nhu cầu thiết thực của đời sống và âm nhạc sinh ra một phần lớn cũng là để thoả mãn nhu cầu này. Chính vì vậy càng ngày càng có nhiều cuộc thi trên truyền hình không chỉ về âm nhạc, để phục vụ các tầng lớp khán giả.
Khi tôi xem các cuộc thi đó trên truyền hình, tôi không xem với tư cách mình là một ca sĩ, tôi xem với tư cách mình là một khán giả bình thường. Tôi tiếp nhận những niềm vui, những điều lý thú trong các chương trình đó cho mình để cho buổi tối vui vẻ hơn. Nhưng điều làm tôi thấy thích vì càng về sau, các chương trình đó càng được đầu tư một cách trọn vẹn. VTV đã không chỉ đáp ứng cho khán giả phần nghe, phần nhìn mà còn tạo ra một sự tương tác rất lớn trong mỗi chương trình. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác rất gần gũi và tự nhiên.
Chị từng nói, chị có một mong muốn có một games show về dòng nhạc cổ điển trên truyền hình. Bây giờ mong muốn ấy còn không? Theo chị, khán giả sẽ nhận được những điều tuyệt vời gì khi cuộc thi ấy diễn ra?
Có lẽ tôi nói câu này đã nhiều năm trước đây và tôi nhớ không nhầm thì VTV đã có một games show như vậy. Tôi cũng theo dõi một vài tập khi phát sóng, xem những đồng nghiệp của tôi biểu diễn. Nhưng thời gian đó tôi khá bận nên cũng không theo dõi hết được và chỉ nhớ Nguyễn Ngọc Anh là người nhận giải quán quân.
Còn đối với một chương trình truyền hình, khán giả sẽ nhận được điều gì lại không nằm trong khả năng của bất kỳ nghệ sĩ nào cả. Nó nằm ở sự quyết định của nhà đài. Những người nghệ sĩ như chúng tôi chỉ biết mang đến một tiết mục nào đó để đóng góp mà thôi. Hay hay dở cũng không chỉ nằm ở phía chúng tôi, còn phụ thuộc vào kịch bản, âm thanh, ánh sáng và rất nhiều thứ nữa.
Tuy nhiên, tôi tin rằng các chương trình của VTV sẽ càng ngày càng thu hút và mang đến cho khán giả nhiều giá trị hơn nữa trong cuộc sống.

5 năm ra 4 đĩa nhạc và đều thành công, được khán giả đón nhận. Theo chị vì sao có được sự thành công ấy? Đĩa nhạc gần đây chị là đĩa than cùng nhạc sĩ Duy Cường rất thành công. Xin được hỏi thành công ấy có là động lực để chị đi theo hướng ấy? Kế hoạch tới đây của chị là gì?
Thành công của tôi có được phần nhiều là sự may mắn. Các sản phẩm của tôi ra đời đúng lúc trong thị trường âm nhạc không có ai làm theo cách này. Và tôi trở thành một mình, một đường, không có sự cạnh tranh nào cả. Đương nhiên với tính cách của tôi, thì mỗi sản phẩm đều được trau truốt kỹ càng từ khâu biên tập cho đến phát hành.
Qua đây tôi cũng xin trân trọng cảm ơn khán giả đã ưu ái tôi trong suốt những năm tháng qua. Sự động viên của khán giả chính là niềm tin để tôi tiếp tục thử thách mình trong những sản phẩm tiếp theo. Sắp đến ngày kỷ niệm lớn của đất nước, để chào mừng điều này, mọi ngừoi sẽ được nghe Phạm Thu Hà – Giai điệu tự hào. Đây chính là những ca khúc tôi đã biểu diễn trong chương trình Giai điệu tự hào được phát sóng trên VTV. Chúc quý khán giả luôn nhiều sức khoẻ, chúc VTV và các anh chị em nhà đài sẽ có nhiều chương trình thật hay trong năm 2018!
Xin cảm ơn chị


Thúy Hằng (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc