Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Sắc lụa ngàn năm

Thứ Sáu 08/02/2019 | 11:38 GMT+7

VHO- Từ nhỏ, niềm yêu thích của tôi với những màu nguyên rực rỡ và những sóng sánh của lụa tơ tằm đã ngự trị đến mức, ở những khoảnh khắc mơ màng nào đó, tôi từng mơ trở thành nhà thiết kế thời trang với lụa, hoặc chí ít cũng thành… thợ dệt.

Niềm yêu thích đến mê mẩn này xuất phát từ những ngày bé thơ theo bà ngoại đi chơi Tết. Bà ngoại mặc áo dài lụa tơ tằm hai lớp, màu xanh ở trong, màu đen ở ngoài. Bà bảo bà chỉ thích lụa Hà Đông.

1. Sau này tôi biết cụ thể đó là sản phẩm của làng dệt lụa Vạn Phúc, ngôi làng có nghề truyền thống duy trì bền bỉ qua cả nghìn năm vật đổi sao dời. Lớp lụa mỏng như voan bên ngoài gọi là Sa, hòa cùng sắc xanh cổ vịt của lụa “sát si” bóng mịn bên trong, tạo nên một màu huyền ảo, gợi trí tưởng tượng không ngừng nơi con mắt đứa bé con. Lấp ló dưới phần vạt áo hở ra ở bên eo của người mặc là một lớp áo cánh trắng cũng mỏng tang, làm cho những lớp lụa áo dài như càng nổi bật hơn, huyền bí hơn. Tôi nghe mẹ gọi kiểu ấy là tạo màu “săng giăng”. Phụ nữ con nhà khá giả ở đồng bằng Bắc Bộ hồi đầu thế kỷ XX thường phối màu phục trang kiểu như thế. Màu lụa đỏ bên trong lớp lụa mỏng màu đen, hoặc màu xanh tươi rực rỡ sẽ bị đánh chìm xuống bằng một lớp màu xanh thẫm hơn bên ngoài. Khi các cô các bà bước đi, hai lớp áo lụa khẽ lật bay theo bước chân, hay khi gặp một cơn gió dù rất nhẹ… tạo nên cảm giác lễ hội không thể nào quên.

Chỉ thế thôi, những vạt áo lụa màu, mà tôi đồ rằng nó đã được phóng tác từ kiểu áo mớ bảy mớ ba của phụ nữ nông thôn Bắc Bộ xưa, đã đem cảm giác lễ hội đến cho một quãng phố, một ngôi nhà, một tâm hồn trẻ thơ… khiến cho cái sự mộng mơ của đứa bé ấy như không tiền khoáng hậu. Thậm chí, cả khi giúp bà ngoại giặt giũ thứ trang phục mong manh ấy, tôi cũng thấy như mình được dự vào một nghi thức cầu kỳ và bí hiểm. Bà nhất định không dùng xà phòng, mà chỉ dùng bọt của quả bồ hòn cho những chiếc áo lụa màu, còn với quần và áo lụa trắng thì chỉ dùng nước cốt chanh pha loãng… vì thế đến tận khi bà mất, khi xếp dọn những chiếc áo bà cất giữ từ thuở ấy, tôi không khỏi kinh ngạc vì độ mịn, bóng và mềm mại của thứ lụa đã qua sử dụng và cất giữ hàng chục năm trời. Màu lụa vẫn như thế, xanh biếc, đỏ sậm hoặc trong suốt màu đen của thứ Sa mà chỉ Hà Đông mới có.

Sau này, trải bao năm chiến tranh, rồi thời hòa bình gian khó, những tà áo lụa tơ tằm dần vắng bóng. Vì thứ lụa ấy rất đắt do phương pháp dệt thủ công trau chuốt từng lóng sợi, do thứ lụa ấy đòi hỏi người dùng phải chăm sóc nó một cách cẩn trọng mới mong giữ mãi được cái bay bổng diệu kỳ. Thời chiến tranh hay thời bao cấp đầy khó khăn, người ta ăn còn chưa đủ lấy đâu ra thời gian cho những nuột nà ấy.

Thế rồi có lúc, ký ức về một thứ lụa với màu sắc như chỉ dành cho lễ hội, nhưng lại được phô diễn hết sức khiêm nhường lịch lãm dần bị che lấp bởi những màu sắc, vải vóc dễ dùng hơn, phù hợp với túi tiền của nhiều người hơn… Tôi đành để những mộng mơ lụa là của mình chìm vào quá vãng….

2. Thực ra làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã được gọi là phường. Phường, trong chữ “phố phường”. Nhưng chả sao. Trong ký ức người yêu lụa cổ truyền, Vạn Phúc vẫn cứ là làng lụa như cả nghìn năm trước. Vì thế khi lễ hội nghề dệt lụa hằng năm được phục hồi, người ta vẫn gọi là lễ hội làng. Có điều, dù hằng năm lễ hội Lụa vẫn diễn ra, dù có nhiều nhà thiết kế thời trang đã mày mò với những bộ sưu tập từ lụa, nhưng dường như tiếng tăm của lụa Vạn Phúc vẫn chưa thực sự bay xa, mang lại phồn vinh cho một ngôi làng đã được tôn vinh bằng danh hiệu Kỷ lục Việt Nam dành cho làng nghề đã duy trì nghề truyền thống qua hàng nghìn năm.

Thậm chí từng có lúc, lụa Vạn Phúc còn bị nghi ngờ oan uổng rằng làng đã ngừng sản xuất rồi, lụa trong các quầy hàng ở đó toàn… lụa nhập. Rồi vụ buôn bán hàng giả mạo danh lụa Vạn Phúc của một đại gia buôn lụa khiến cả làng lao đao. Vàng thau lẫn lộn. Các nghệ nhân chân chất, tận tụy với nghề đau đớn nhìn phố lụa thưa vắng khách ghé thăm.

Nhưng những ngày khốn khó qua nhanh. Những người thợ dệt lụa đã níu vào lụa mà đứng dậy. Không có gì chứng minh được sản phẩm của mình bằng chính sản phẩm chưa từng mai một ấy. Tất cả những hộ sản xuất trong làng Lụa đã cùng nhau ký một cam kết không đưa hàng dỏm vào quầy hàng của mình, không dùng tơ ngoại để sản xuất. Nguồn nguyên liệu tại chỗ cạn kiệt do bãi dâu đã phải lùi bước nhường chỗ cho phố xá đất chật người đông. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng lại, thì đã có nguồn nguyên liệu từ vùng chuyên canh Bảo Lộc Lâm Đồng. Vẫn là con tằm nó nhả ra tơ, vẫn là sợi tơ do người Việt làm ra với chất lượng không khác gì những sợi tơ từ nong tằm làng Vạn Phúc khi xưa. Người Vạn Phúc tự tin với nguồn nguyên liệu ấy, tự tin với công nghệ dệt hoa văn hai mặt như nhau rất độc đáo của mình đủ để phân biệt sản phẩm Lụa Vạn Phúc với bất kỳ thứ lụa “gần giống” nào trên thế giới.

Và hơn tất cả, người Vạn Phúc tin vào sự chân thật của chính mình. Xốc lại tinh thần, cùng nhau tổ chức lại sản xuất nâng cao chất lượng để có những dòng sản phẩm đỉnh cao… đó là những việc mà người Vạn Phúc đã làm để đến hôm nay, cuối tháng 11 năm 2018, một lễ hội tôn vinh nghề truyền thống của Làng lụa lần đầu tiên được mở với quy mô chưa từng có. Mục đích chính của Lễ hội này là quảng bá sản phẩm, điều mà lâu nay những người thợ chân chất không quyết liệt làm, bởi luôn tin vào nguyên tắc “Hữu xạ tự nhiên hương”.

3. Nhưng thời cuộc đã khác. Nghề dệt lụa đã tiếp cận với công nghệ mới. Từ 2.000 máy dệt thủ công, bây giờ làng chỉ còn khoảng 500 máy. Nhưng công suất dệt thậm chí gấp đôi ngày xưa. Một xưởng dệt 15 máy cùng lúc vận hành giờ chỉ cần không quá 3 người điều khiển.

Câu chuyện mẫu mã hoa văn cũng đang dần thay đổi. Cùng với những mẫu hoa văn cổ truyền, bây giờ làng đã có một nghệ nhân luôn luôn sáng tác mẫu hoa văn mới bằng công nghệ đồ họa trên máy vi tính. Rồi màu lụa từng quyến rũ hồn người Việt cũng đang dần đa dạng hóa, cách tân hóa để đáp ứng những nhu cầu phong phú của khách hàng. Những nghệ nhân chuyên nhuộm màu cho lụa bây giờ rất tự hào rằng chỉ với kinh nghiệm truyền đời, họ có thể cho ra những màu lụa mà khi xưa, các tiền bối của họ không dám nghĩ đến. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều người trẻ của làng tham gia vào công đoạn sáng tạo này.

Câu hát về sự quyến rũ mơ màng tinh tế của Lụa Hà Đông, Lụa Vạn Phúc sẽ còn bay bổng. Những sắc lụa được gìn giữ, tiếp biến qua nghìn năm không phai nhạt sẽ còn quyến rũ không chỉ “linh hồn” người Việt. Làng lụa đang thức dậy với những màu sắc sáng bừng, và lấp lánh niềm vui.

Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top