Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh

VHO - Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức từ ngày 23- 25.3 (từ 14- 16 tháng Hai năm Giáp Thìn), là một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội. Kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ hội, Sở VHTT Hà Nội lưu ý địa phương về các phương án đảm bảo an toàn, văn minh, lường trước các tình huống bất cập để sẵn sàng giải quyết, ứng phó.

Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh - Anh 1

Đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội làng Bát Tràng

Dù không khí mùa lễ hội đã “giảm nhiệt” song lễ hội làng Bát Tràng vẫn được dự báo sẽ thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách. Đặc biệt, lễ hội  diễn ra vào dịp cuối tuần, chính quyền địa phương cho biết lượng khách đổ về miền đất gốm chắc chắn sẽ rất đông, vì vậy các phương án tổ chức, các tiểu ban của lễ hội đã được thành lập, phân công nhiệm vụ đầy đủ, rõ ràng.

Ngày 22.3, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội làng Bát Tràng. Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng lưu ý, phát huy và quảng bá những giá trị truyền thống của lễ hội  có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Là một trong những lễ hội lớn của Thủ đô, hội làng Bát Tràng cũng là “điểm hẹn” đầu Xuân đặc biệt hấp dẫn, với nhiều hoạt động, nghi lễ truyền thống gắn với văn hóa vùng sông Hồng.

Hội làng Bát Tràng xưa kéo dài 15 ngày trong tháng Hai, không chỉ để người dân tưởng nhớ Thành hoàng, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Ngày nay, hội làng chỉ tổ chức trong 3 ngày, từ 14- 16 tháng Hai âm lịch.

Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh - Anh 2

Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng

Năm nay, Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, mà trọng tâm là Đình làng Bát Tràng.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, Lễ khai hội làng Bát Tràng sẽ diễn ra 9h sáng 23.3 với nhiều nghi lễ truyền thống: dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn), sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ dâng hương tại Kim Trúc tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, công tác chuẩn bị lễ hội tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã được tiến hành chu đáo, kĩ lưỡng. Lễ hội nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng và phát triển quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp.

Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh - Anh 3

Nhiều nghi lễ truyền thống sẽ diễn ra tại lễ hội, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

“Thông qua lễ hội, Bát Tràng kì vọng tiếp tục quảng bá và thu hút du khách trong và ngoài nước; tạo sức lan tỏa từ “Điểm du lịch Bát Tràng” tới bạn bè trong nước và quốc tế, thiết thực góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng là những giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống”,  Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi nhấn mạnh. Với ý nghĩa đó, các hoạt động của lễ hội phải đảm bảo được diễn ra an toàn, thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch tham gia.

Trong lễ khai hội, ngoài phần lễ truyền thống, BTC thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công Thương, ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng.

Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh - Anh 4

Trong hai ngày tiếp theo (24- 25.3, tức 15-16 tháng Hai âm lịch), người dân và du khách sẽ được tham gia các hoạt động dâng lễ, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà. Nhiều hoạt động hội sôi nổi đã diễn ra từ trước lễ khai mạc như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật quần chúng.

Trưởng Phòng VHTT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, Phòng đang phối hợp với Sở VHTT Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội làng Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội làng Bát Tràng (Hà Nội): Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, văn minh - Anh 5

Đền Mẫu Bản Hương

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội cơ bản diễn ra đúng kế hoạch và nội dung dự kiến. Không khí hội Xuân đang diễn ra sôi nổi trên khắp mọi ngả đường dẫn về Bát Tràng. Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình Bùi Minh Hoàng đề nghị, dự báo tình hình lượng du khách, chính quyền địa phương cần tăng cường và sẵn sàng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí phân luồng giao thông, khu vực để xe để tránh ùn tắc trong các ngày lễ hội.  Đặc biệt, BTC cần công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời xử lý những bất cập, tình huống phát sinh.

Ông Bùi Minh Hoàng cũng lưu ý, BTC nghiêm túc thực hiện việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các di tích, địa điểm diễn ra lễ hội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường tuyên truyền người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong các hoạt động của lễ hội...

“Những phát sinh, bất cập dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa, văn minh của lễ hội. Vì vậy, phát huy kinh nghiệm đã có, cùng với kế hoạch tổ chức đã được chuẩn bị sẵn sàng, chính quyền địa phương và BTC lễ hội, BQL di tích cần nâng cao sự chủ động, linh hoạt để giải quyết các tình huống có thể diễn ra, nhất là trong các thời gian cao điểm của lễ hội”, ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc