Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản

VHO - Ngày 20.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Osaka, Nhật bản tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Trường ĐH Osaka, Nhật Bản”.

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 1

Các nhà nghiên cứu chia sẻ tại tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và trực tuyến với các điểm cầu: Trường ĐH Osaka (Nhật Bản), Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tỉnh Bến Tre. Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục, các đại biểu Việt Nam, Nhật Bản và Campuchia.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM Lê Thị Thanh Thủy cho biết, tọa đàm khoa học quốc tế là một trong các hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023), đồng thời để nhìn lại các thành tựu nghiên cứu, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thời gian qua. 

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 2

PGS.TS Phan Quốc Anh, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Tại tọa đàm, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu đúc kết từ những thành quả, kết quả giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, đến việc giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của hai quốc gia với những góc nhìn đa dạng. Đặc biệt, có nhiều tham luận, ý kiến đề xuất những giải pháp thiết thực cho sự phát triển của hai trường trong giai đoạn mới trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn học và ngôn ngữ, giáo dục và đào tạo, truyền thông và xuất bản, di sản văn hóa và du lịch… 

GS Shimizu Masaaki, Phó trưởng Khoa Sau đại học, Trường ĐH Osaka đã chia sẻ về đề tài “Khả năng giao lưu nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ và văn hóa Nam Bộ qua tài liệu Hán Nôm”. Theo GS Shimizu Masaaki, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là một trong những trung tâm nghiên cứu về văn hóa ở miền Nam Việt Nam. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Trường ĐH Osaka đã ký kết hợp tác giao lưu học thuật vào năm 2023. 

“Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc tổ chức tọa đàm giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu của hai trường đã tạo ra thời cơ mới để hai đơn vị bước vào giai đoạn tiến hành hợp tác cụ thể trong nghiên cứu về các đề tài, trong đó giảng dạy ngôn ngữ là đề tài cần thực hiện cấp bách. 

Dự án văn hóa Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, tác giả Nguyễn Đình Chiểu song ngữ Việt - Nhật là một hình thức cụ thể. Thông qua đó, đẩy mạnh nghiên cứu, giao lưu văn hóa – học thuật sinh viên, học viên hai trường, đưa Nói thơ Vân Tiên, Múa rối nước Lục Vân Tiên vào nhà trường ở hai nước, góp phần thúc đẩy học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản cũng như việc học tiếng Nhật và Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam”, GS Shimizu Masaaki chia sẻ.

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 3

Chia sẻ của TS Kondo Mika, giảng viên Trường ĐH Osaka về từ âm Hán Việt

TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ về đề tài “Nhật Bản: Dấu ấn sâu đậm của hoa cúc và thanh kiếm - 50 năm nhìn lại”. Theo TS Thủy, Việt Nam và Nhật Bản có một số điểm tương đồng về tự nhiên, văn hóa. Hai nước có mối quan hệ giao lưu về Nho giáo, Phật giáo cách đây khoảng 10 thế kỷ, nhưng dấu ấn để lại sâu sắc nhất là từ thế kỷ thứ XVI, nhiều thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam kinh doanh buôn bán. Trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc quan hệ Việt Nam và Nhật Bản luôn được duy trì, củng cố, bồi đắp, phát triển lên những nấc thang mới với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 4

Ông Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Campuchia tại Việt Nam(CAVA), chia sẻ tại tọa đàm

Với kết quả nghiên cứu “Rối nước và tư liệu Hán Nôm - những gợi mở trao đổi học thuật Nhật Bản – Việt Nam” được chia sẻ tại tọa đàm, TS Izawa Ryosuke, Trường Cao đẳng Shiga (Nhật Bản) đã cho thấy việc sử dụng tài liệu Hán Nôm có thể đóng góp vào nghiên cứu rối nước. 

"Gần đây, tại Nhật Bản đã có sự xuất hiện của các nhà nghiên cứu trẻ có khả năng đọc được chữ Hán cũng như chữ Nôm trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ học, lịch sử học và các lĩnh vực khác. Trường ĐH Osaka có một lớp học về việc đọc hiểu Truyện Kiều và hướng dẫn sinh viên quan tâm đến văn học truyền thống và chữ Nôm, và trong số đó cũng có sinh viên tiếp tục viên nghiên cứu về chữ Nôm và viết luận văn tốt nghiệp về chữ Nôm…

Và phương pháp này không chỉ áp dụng cho nghệ thuật múa rối nước mà còn có thể áp dụng ở các hình thức nghệ thuật dân gian khác như chèo và tuồng,… Đặc biệt, các trường ĐH Osaka, Cao đẳng Shiga, Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian đặc trưng của miền Nam Việt Nam, ví dụ như múa bóng rỗi và nghệ thuật giải trí khác thông qua phương pháp nghiên cứu Hán Nôm”, TS Izawa Ryosuke cho biết.

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 5

Giám đốc Bảo tàng Áo Dài Huỳnh Ngọc Vân

Cùng với các nghiên cứu trên, tọa đàm cũng được nghe các chia sẻ của TS Kondo Mika, giảng viên Trường ĐH Osaka với đề tài “Từ âm Hán Việt trong Chuyến đi Bắc-Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký khám phá phương ngữ Nam Bộ thế kỷ XIX”; TS Chử Thị Thu Hà, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội với “Giao lưu, chia sẻ giữa Nhật Bản và Việt Nam qua văn hóa Omotenashi”; TS Nguyễn Hồ Phong và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ nghiên cứu “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ góc nhìn chính sách”; bà Huỳnh Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Hội Việt Nam - Nhật Bản tại TP.HCM, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài chia sẻ kinh nghiệm của Chi hội Bảo tàng Áo Dài trong hoạt động hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản… 

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Viện trưởng Viện Việt Nam học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Trung ương, đề xuất xây dựng thư viện số Việt Nam và quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới có thêm cơ hội giao lưu, hợp tác, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và các lĩnh vực khác của Việt Nam.

Toạ đàm giao lưu học thuật và văn hoá giữa hai trường đại học Việt Nam và Nhật Bản - Anh 6

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Việt Nam - Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21.9.1973. Trong 50 năm qua, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã không ngừng được mở rộng và tăng cường, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng của sự tương đồng văn hóa, lịch sử và sự đồng cảm của hai dân tộc.

Sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng của mối quan hệ song phương không chỉ nhờ vào sự quyết tâm, ý chí nỗ lực chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, mà còn dựa trên sự ủng hộ và hợp tác, giao lưu sôi động giữa nhân dân hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục… Việc giữ gìn và làm sâu sắc hơn nữa sự gắn kết này là nền tảng vững chắc để xây dựng quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp trong thời gian tới.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc