Tăng tính tương thích với các điều khoản quốc tế

VHO - Trong 2 ngày 13-14, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội tổ chức ba cuộc hội thảo, tọa đàm để trưng cầu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001 được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009, tuy nhiên, sau gần 24 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh nhiều ưu điểm, luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cho đến dự thảo lần 5 (ngày 6.3), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã trải qua một quá trình tiếp thu, sửa đổi, bổ sung nhiều lần, thể hiện rất rõ nỗ lực và sự cầu thị của cơ quan soạn thảo, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực văn hóa, di sản hay những công việc có liên quan. So với Luật Di sản văn hóa hiện hành, Luật sửa đổi lần này có quy mô lớn hơn, tầm bao quát rộng hơn khá nhiều, với 9 chương, 101 điều. Không chỉ vậy, xét một cách toàn diện, nếu luật này được thông qua và ban hành để thực thi sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập mà Luật hiện hành chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, cũng từ nhu cầu thực tiễn và kinh nghiệm trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nước ta, đặt trong quan hệ với các tổ chức quốc tế, các công ước, điều ước mà Việt Nam đã tham gia; so sánh với một số nước có trình độ cao về bảo tồn di sản thì dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi lần này vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bổ sung, điều chỉnh nhằm đạt đến mức độ hoàn thiện cao hơn, mang tính thực tiễn và tính khả thi cao hơn. Qua các phiên trao đổi, thảo luận, nhiều chuyên gia đều bày tỏ sự tâm huyết và trách nhiệm rất cao trong việc đóng góp các ý kiến để bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, Luật Di sản văn hóa cần đạt đến sự tương thích với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, không chỉ là các khái niệm mà cần bao hàm các nội dung một cách toàn diện, đầy đủ và khoa học.

Đối với di sản phi vật thể, cần đặc biệt lưu ý đến vai trò của chủ thể di sản là các cộng đồng chứ không phải của quốc gia hay của toàn dân; sự tự nguyện, đồng thuận của các cộng đồng là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần thận trọng khi đưa ra các quy định về việc ghi danh, hủy bỏ, sử dụng, khai thác, phát huy giá trị của loại hình di sản này. Đối với bảo tàng, cần có các điều khoản bổ sung để quy định về việc thành lập và chính sách khuyến khích đối với bảo tàng ngoài công lập. Vấn đề di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cũng được các chuyên gia quan tâm và đề cập nhiều, theo đó rất cần có những chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội tham gia vào việc phát hiện, gìn giữ và phát huy di sản này bao gồm cả việc huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, phát hiện, mua và hiến tặng các di vật, cổ vật quý của Việt Nam ở nước ngoài.

Hợp tác công tư và xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi. Dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung một số điều quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Bên cạnh đó, một số nội dung khác như di sản tư liệu, di sản số và vấn đề bản quyền cũng được các chuyên gia dành thời gian thảo luận, góp ý. Thật vậy, việc trưng cầu, lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, cơ quan Bộ, ngành liên quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan được giao trách nhiệm thẩm định. Hy vọng, chúng ta sẽ có một Luật Di sản văn hóa toàn diện, thiết thực và hiệu quả hơn. 

TS PHAN THANH HẢI

 

Ý kiến bạn đọc