Quảng Ngãi: Xây dựng Ngân hàng tên đường gắn với những dấu ấn văn hóa, lịch sử

VHO - Việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng không chỉ là hoạt động quan trọng trong việc quản lý hành chính, quản lý đô thị, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa.

Quảng Ngãi: Xây dựng Ngân hàng tên đường gắn với những dấu ấn văn hóa, lịch sử - Anh 1

Một tuyến đường ở Quảng Ngãi gắn với tên nhân vật lịch sử

Theo dự thảo Đề án Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, được phân thành 3 nhóm: Nhóm I gồm tên các danh nhân, địa danh, sự kiện, mỹ từ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiêu biểu nhất hoặc có tầm ảnh hưởng quốc tế, quốc gia hoặc khu vực liên quốc gia.
Nhóm II gồm tên các nhân vật lịch sử, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ có đức, có tài, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển tỉnh được Nhân dân tôn vinh; tên các nhân vật lịch sử ở tỉnh, thành phố khác nổi tiếng, có đức, có tài, có công lao đóng góp cho sự phát triển tỉnh đã được chứng minh và thẩm định qua các nguồn tư liệu đảm bảo tính chính xác và khoa học; tên các địa danh nổi tiếng mang tầm toàn tỉnh; sự kiện lịch sử, địa danh và danh lam - thắng cảnh nổi tiếng, tiêu biểu của tỉnh được xếp hạng; tên mỹ từ có ý nghĩa quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong vùng miền và của toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Nhóm III gồm tên các nhân vật lịch sử, lãnh đạo qua các thời kỳ mang tầm địa phương trong tỉnh, có đức, có tài, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự phát triển của địa phương, được Nhân dân tôn vinh hoặc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng các danh hiệu cao quý; tên các nhân vật lịch sử ở tỉnh, thành phố khác nổi tiếng, có đức, có tài, có công lao đóng góp cho sự phát triển của vùng đất địa phương trong tỉnh và tên các sự kiện lịch sử, địa danh, danh lam - thắng cảnh, mỹ từ có ý nghĩa quan trọng, có tầm ảnh hưởng của địa phương đã được chứng minh, thẩm định qua các nguồn tư liệu đảm bảo tính chính xác và khoa học, được Nhân dân thừa nhận.
Theo Sở VHTTDL tỉnh việc xây dựng dự thảo ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không chỉ kế thừa từ nguồn tên có sẵn, mà còn có sự ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ nhiều nguồn. Đây là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính trên địa bàn. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân.

Quảng Ngãi: Xây dựng Ngân hàng tên đường gắn với những dấu ấn văn hóa, lịch sử - Anh 2

Quảng Ngãi có hàng trăm tuyến đường vẫn chưa có tên

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 403 tuyến đường đô thị và 6 công trình công cộng đã được đặt tên. Riêng các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Lý Sơn, Sơn Tịnh chưa có tuyến đường đô thị và công trình công cộng được đặt tên.
Ngoài các tuyến phố ở nhiều thị xã, thành phố, thị trấn chưa được đặt tên thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều đô thị loại V với cả trăm tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, nằm ở trung tâm huyện lỵ nhưng vẫn chưa có tên đường.
Cụ thể, các đô thị loại V hoặc sắp được công nhân là đô thị loại V gồm: Tịnh Hà (Sơn Tịnh), Long Hiệp (Minh Long), Sơn Mùa và Sơn Dung (Sơn Tây), Lý Sơn và Vạn Tường vẫn chưa có tuyến đường đô thị nào được.
Theo lãnh đạo UBND TP Quảng Ngãi, đơn vị đang triển khai các thủ tục cần thiết và khi được cấp có thẩm quyền cho phép, đơn vị sẽ đặt tên cho 34 tuyến đường chưa được đặt tên ở trung tâm thành phố, các phường ngoại ô trong năm 2024.

Quảng Ngãi: Xây dựng Ngân hàng tên đường gắn với những dấu ấn văn hóa, lịch sử - Anh 3

Xây dựng Ngân hàng tên đường góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính

Trước thực trạng nhiều tuyến đường phố, đường đô thị nhưng không tên gây khó khăn cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang xây dựng kế hoạch để triển khai đặt tên các tuyến đường. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, việc xây dựng Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho việc đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng được khoa học, chính xác, nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội. Góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc