“Trạm yêu thương”: Hành trình khiến “vỏ ốc nở hoa” của người phụ nữ bại liệt

VHO - Hành trình khiến “vỏ ốc nở hoa” của nhân vật Trần Thị Ngọc Hiếu đã được kể lại trong Trạm yêu thương số phát sóng ngày 9.3 trên kênh VTV1

Sinh ra với cơ thể lành lặn, bỗng chốc trở thành người khuyết tật sau cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi, chị Trần Thị Ngọc Hiếu (sinh năm 1984, Đồng Nai) phải gắn liền cuộc sống với chiếc xe lăn bởi đôi chân co rút không đi lại được. Đôi bàn tay cũng vì thế bị biến dạng.

“Trạm yêu thương”: Hành trình khiến “vỏ ốc nở hoa” của người phụ nữ bại liệt - Anh 1

Chị Ngọc Hiếu giới thiệu những tác phẩm của mình

Quyết không đầu hàng số phận, từ đôi bàn tay khéo léo của mình, chị đã biến những chiếc vỏ ốc bỏ đi thành bức tranh nghệ thuật, thay đổi cuộc đời của chính mình. Mang đến Trạm yêu thương một chiếc hộp xinh xắn, thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu tự tin giới thiệu đó là sản phẩm mình làm ra bằng đôi tay biến dạng.

Di chứng của cơn sốt bại liệt hồi 4 tuổi khiến bàn tay phải của chị Hiếu mất dần cảm giác, đôi chân không còn đi lại được. Do sức khỏe không tốt, chị Hiếu chỉ học xong lớp 12. Với khát khao sống bình thường, có thu nhập và thấy mình còn có ích, Hiếu nhận giữ trẻ tại nhà.

Công việc ổn định nhưng lại không khiến chị tìm được niềm vui bởi cô gái Ngọc Hiếu ngày ấy đã ấp ủ rất nhiều ước mơ hoài bão với sở thích vẽ tranh. Năm 2008, Ngọc Hiếu nghe nói có một công ty sản xuất tranh đá quý ở TP. Thủ Đức miễn phí đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Vốn yêu thích những bức vẽ màu sắc, lại thêm thu hút bởi những viên đá lấp lánh sắc màu, Ngọc Hiếu từng xin gia đình đi học nhưng không ai đồng ý vì lo lắng. Không chịu ngồi yên một chỗ nhìn ước mơ khép lại, cô gái Ngọc Hiếu khi ấy đã thuê xe ôm đến tận nơi tìm hiểu. Mê mẩn trước những bức tranh đá quý, cô quyết tâm chuyển nghề.

Thế nhưng để làm được tranh đá quý không đơn giản như Ngọc Hiếu nghĩ, bởi công việc này cần một đôi tay khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhiều lần làm không thành công, không ít lần cô gái 23 tuổi thất vọng về bản thân, vì không thể điều khiển được đôi tay.

“Chính vì vậy khi nhìn mọi người lần lượt làm ra những tác phẩm của riêng mình, Hiếu đã khóc rất nhiều. Sau đó, Hiếu đã năn nỉ người ta cho thêm thời gian để học. Tác phẩm đầu tiên là làm về chữ Nhẫn. Niềm vui nhân đôi khi có người đặt mua bức tranh của mình. Và thế là mình được nhận, lại tiếp tục làm việc ở công ty”, chị Ngọc Hiếu nghẹn ngào nhớ lại.

“Trạm yêu thương”: Hành trình khiến “vỏ ốc nở hoa” của người phụ nữ bại liệt - Anh 2

Câu chuyện của chị Ngọc Hiếu đã truyền cảm hứng cho những mảnh đời kém may mắn khác

Trong một lần đi tắm biển, phát hiện chân bị xước do vỏ ốc, chị Hiếu đã nảy ra ý tưởng biến những thứ vừa làm đau mình thành tác phẩm nghệ thuật. Kể từ đó, chị bắt tay vào nghiên cứu làm tranh từ vỏ ốc.

Lúc bắt đầu, chị gặp nhiều khó khăn vì không giống những mẫu tranh có sẵn, tranh làm từ vỏ ốc đòi hỏi sáng tạo và độc đáo. Với đôi tay yếu ớt, không ít lần bị phỏng, dính keo lên người song chị coi đó như thử thách trong công việc mà mình phải vượt qua.

“Những vỏ ốc dù có vụn, nát cũng có những hình thù tạo nên vẻ đẹp riêng, giống như cách mình nhìn nhận cuộc đời bằng nhiều hướng. Mình đã trốn trong vỏ ốc bao nhiêu năm. Thoát ra khỏi cái vỏ ốc để nhìn thấy bông hoa của mình. Ai cũng muốn là một bông hoa, vì bông hoa thì thật sự rất đẹp chứ không hề u ám như là khi thu mình trong cái vỏ ốc. Và khi mình làm tất cả bằng tình yêu thương từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim của người khác”, chị Hiếu bày tỏ.

Những bức tranh do tự tay chị Hiếu làm ra với sự sáng tạo nên mỗi tác phẩm đều là “độc nhất vô nhị”. Trong hàng nghìn sản phẩm của mình, chị tâm đắc nhất với bức tranh kỷ niệm ca mổ tim thứ 10.000 làm bằng vỏ ốc với cái tên Trái tim Việt Nam – một trái tim, một quê hương. Không chỉ làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời, chị Hiếu còn dạy miễn phí cho những người mong muốn biến những thứ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật.

Ước mơ trong tương lai của chị Hiếu là có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật vươn tầm thế giới để bạn bè quốc tế biết đến nhiều sản phẩm tinh tế do người Việt làm ra.

NAM ANH

Ý kiến bạn đọc