Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài 2): Cuộc “chạy đua” của nhiều nước

VHO - Nhận thức rõ chính sách thị thực là một yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều nước đã lao vào cuộc đua cạnh tranh này để thu hút khách quốc tế.

Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài 2): Cuộc “chạy đua” của nhiều nước - Anh 1
 

Chính sách visa cởi mở sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam Ảnh: MINH ĐƯỜNG

 Thay đổi để hút khách

Từ đầu tháng 12.2023, Trung Quốc đã ban hành và áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho 6 quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Malaysia trong vòng một năm. Việc miễn visa cho 6 quốc gia này đánh dấu “bước nới lỏng lớn nhất” về chính sách miễn thị thực trong nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc. Dự báo sẽ dẫn đến làn sóng “khách du lịch và doanh nhân nước ngoài chưa từng có” đến Trung Quốc thời gian tới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính sách miễn thị thực du lịch đã cho thấy hiệu quả, giúp du khách đến Trung Quốc dễ dàng hơn. Những tháng gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp mới (bao gồm khôi phục các tuyến bay quốc tế) để hồi sinh ngành du lịch sau 3 năm đóng cửa vì các biện pháp “zero Covid” nghiêm ngặt. Chính phủ nước này được cho là đang tìm cách thiết lập lại hình ảnh của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Trước đó, đầu tháng 11.2023, Trung Quốc đã mở rộng chính sách miễn thị thực quá cảnh cho 54 quốc gia, gồm cả công dân đến từ Na Uy. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia có chính sách xét duyệt visa khó khăn nhất thế giới và số nước được Trung Quốc miễn visa cũng rất hạn chế. Nhiều năm qua, Trung Quốc chỉ miễn visa cho 22 nước. Ngoài ra, theo chính sách quá cảnh miễn thị thực 144 giờ, du khách nước ngoài từ 54 quốc gia đủ điều kiện có thể nộp đơn xin giấy phép nhập cảnh trước 6 ngày khi đến một số thành phố của Trung Quốc. Để đủ điều kiện, họ phải chứng minh có vé nối chuyến đến nước thứ ba và sẽ tiếp tục hành trình sau khi rời Trung Quốc.

Tháng 12.2023, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng đã ra thông báo về quyết định giảm 25% lệ phí xin thị thực Trung Quốc cho công dân đến từ các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Mexico, Philippines và Việt Nam. Các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc trên khắp thế giới sẽ thực hiện chính sách tạm thời này từ ngày 11.12.2023 đến 31.12.2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng du khách và thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách thị thực nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho việc du lịch xuyên biên giới.

Hàn Quốc sẽ miễn phí thị thực điện tử theo đoàn cho Việt Nam trong năm 2024. Tại Hội nghị “Chiến lược đổi mới xuất khẩu du lịch của Hàn Quốc” diễn ra ở thành phố Gwangju tháng 12.2023, Hàn Quốc công bố mục tiêu thu hút hơn 20 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2024. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã triệu tập và chủ trì Hội nghị này. Tại Hội nghị, ngành Du lịch Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu cao kỷ lục là 24,5 tỉ USD vào năm 2024.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng việc miễn phí thị thực điện tử cho khách đoàn và tăng giới hạn hoàn thuế trực tiếp tại điểm mua sắm cho du khách. Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng miễn phí thị thực điện tử theo đoàn cho Việt Nam, Philippines và Indonesia đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã tăng gấp đôi giới hạn mua hàng tối đa để khách du lịch nước ngoài được hoàn thuế trực tiếp lên tới 5 triệu won (3.800 USD) bắt đầu từ ngày 1.1.2024. Nhằm tạo thuận lợi cao nhất cho du khách khi lưu thông trong nội địa, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một ứng dụng hỗ trợ đặt chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng dành riêng cho khách du lịch nước ngoài, đồng thời cải thiện dịch vụ tiếng Anh của ứng dụng điều hướng. Các cơ quan chức năng có kế hoạch mở rộng áp dụng Trí tuệ Nhân tạo trong phiên dịch du lịch, giúp khách du lịch nước ngoài di chuyển đến các vùng miền trên khắp Hàn Quốc dễ dàng hơn.

Đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho một số thị trường tiềm năng

Ngành Du lịch đặt mục tiêu, năm 2024 đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2025 phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/ năm. Đóng góp trực tiếp từ 6-8% trong GDP. Có khoảng 1,1 triệu buồng phòng lưu trú; tạo 5,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp.

Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương. Việt Nam đang cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được đơn phương miễn thị thực vào Việt Nam được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày.

Tại Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” Bộ VHTTDL đã đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn, nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như: Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Bộ VHTTDL cũng đề nghị xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu. Tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không quốc tế hàng đầu để xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch mục tiêu. Thúc đẩy hợp tác giữa ngành hàng không và ngành Du lịch theo tinh thần “lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ”, mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saco Travel cho rằng, hiện nay các đối thủ chính của du lịch Việt Nam đang áp dụng các chính sách visa linh hoạt, miễn thị thực cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và thành công đón khách quốc tế đến. Vì thế, chúng ta cần có những thị thực cởi mở hơn để thu hút khách từ các thị trường đông dân, có mức chi tiêu cao. Việc xem xét miễn thị thực nên hướng các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng như: Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Ấn Độ và các nước châu Âu mà chúng ta chưa miễn thị thực.

 

 Sẽ chất vấn việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch

Theo dự kiến, tại phiên họp thứ 31 diễn ra ngày 18.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao, trong đó có việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch .

Cụ thể, trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn các nội dung: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; Tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, NN&PTNT, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, VHTTDL, LĐ,TB&XH, Nội vụ; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

T.Q

 

NGUYỄN ANH - NGHIÊM HÙNG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc