Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tiếp biến văn hóa trong công cuộc phát triển bền vững của doanh nghiệp thời hiện thực mới

Thứ Sáu 03/12/2021 | 09:21 GMT+7

VHO- Sau những biến động toàn cầu do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu kế hoạch phục hồi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong hiện thực mới. Trong đó, tiếp biến văn hóa được xem là một trong những lực đẩy mạnh mẽ để doanh nghiệp vững vàng bước vào kỉ nguyên mới.

Tiếp biến văn hóa – “Hòa nhập nhưng không hòa tan”

Trước những yêu cầu đổi mới của cuộc cách mạng 4.0 cùng với đòn bẩy “bất đắc dĩ” của đại dịch Covid-19, việc tái cấu trúc bộ máy doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh đã không còn là xu hướng của các nền kinh tế phát triển mà trở thành một giải pháp tất yếu cho mọi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi vừa phải đổi mới và hòa nhập với những xu hướng tiên tiến của thị trường, vừa phải củng cố, giữ gìn bản sắc và những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet)

Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet) chia sẻ: “Đại dịch đã khiến nhiều nhà quản trị nhận ra, cốt lõi của một doanh nghiệp vững mạnh không đến từ những con số doanh thu, tăng trưởng…mà được xây dựng từ chính đội ngũ nhân tài và một văn hóa kinh doanh bền vững. Như một cây cổ thụ chỉ vững vàng trước gió bão khi gốc rễ cắm sâu vào đất; chỉ với văn hóa doanh nghiệp đậm bản sắc, thể hiện rõ tinh thần và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và được truyền thông rộng rãi đến từng đội ngũ nhân viên mới giúp doanh nghiệp không lạc lối trước làn sóng hòa nhập và đổi mới toàn cầu.

Một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh là sự tổng hòa của bản sắc, nội lực vốn có của doanh nghiệp và những tinh hoa của thế giới. Đây cũng chính là ý nghĩa của khái niệm “tiếp biến văn hóa” hay “tiếp thu và biến đổi văn hóa”. Việc tiếp thu, học hỏi những tri thức, kinh nghiệm, tư duy,… từ những nền kinh tế phát triển là điều tất yếu để doanh nghiệp Việt bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. Nhưng, nếu không có sự chọn lọc, sáng tạo của bản thân thì doanh nghiệp có thể “đánh mất chính mình” và gãy vụn trước làn sóng toàn cầu hóa. “Hòa nhập nhưng không hòa tan” chính là kim chỉ nam để doanh nghiệp tỉnh táo xây dựng chiến lược phục hồi phù hợp, hướng tới phát triển bền vững trong thế giới hậu Covid.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa kinh doanh tại Việt Nam

Có thể thấy, “tiếp biến văn hóa” dù có thể là một khái niệm lạ lẫm nhưng lại rất hợp thời trong bối cảnh vô định, liên tục thay đổi như hiện nay. Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2021 đã chọn “Tiếp biến Văn hóa – Nền tảng Phục hồi và Phát triển bền vững kinh tế” là chủ đề năm nay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt nâng cao văn hóa kinh doanh, đồng thời xây dựng chuẩn mực văn hóa kinh doanh tại Việt Nam.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF)

Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) cho biết: “Văn hóa là giá trị xuyên thấu trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, và mọi thành phần. Văn hóa không phải chỉ là hoạt động chuyên môn của một ngành mà là chiều kích trong mọi lĩnh vực, là vấn đề không phải của riêng một người hay nhóm người, mà nên là mối quan tâm của tất cả chúng ta.

Văn hóa càng giữ vai trò quan trọng khi nhắc đến doanh nhân và doanh nghiệp vì trong bối cảnh đổi mới kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp cũng là bộ mặt của đất nước. Chúng ta cần quan tâm làm thế nào để doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ mang “bề nổi” của sự giàu có, sung túc trên thị trường trong nước và quốc tế, mà còn phải “có văn hóa”. Đó mới là hình ảnh toàn vẹn.”

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia nhằm xem xét và vinh danh những doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) năm nay đều là những chuyên gia với thâm niên và kinh nghiệm dày dặn trong đa dạng lĩnh vực, với nhiều cống hiến cho sự phát triển của kinh tế và văn hóa Việt Nam nói chung, bao gồm:

- Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF)

- Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC)

- Ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

- Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet)

Ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình năm nay, ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: “Hoạt động ban hành chuẩn mực về văn hoá kinh doanh Việt Nam là việc làm mang tính tiên phong, giúp thúc đẩy việc xây dựng nền tảng cho các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng văn hóa dân tộc. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, tôi nhận thấy hầu hết các DN tham gia đều có những hoạt động nêu cao trách nhiệm xã hội, điển hình là trong việc hỗ trợ chính phủ và người dân cả nước chống dịch Covid-19. Theo tôi, đây chính là tiền đề tích cực cho viêc xây dựng một bản sắc văn hóa kinh doanh của Việt Nam.”

Các doanh nghiệp được vinh danh năm nay được hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững, Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp, Thương tôn pháp luật, Đạo đức kinh doanh, Trách nhiệm xã hội. Bộ tiêu chí này được xây dựng rất chi tiết, chặt chẽ nhằm đảm bảo có thể đánh giá một cách toàn diện và công bằng chất lượng và bản sắc văn hóa của một doanh nghiệp. Đây là kết quả làm việc và nghiên cứu của các chuyên gia văn hóa, kinh tế đầu ngành của Việt Nam hiện nay, dưới sự giám sát của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC)

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho biết: “Tham gia thẩm định các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tôi nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp đã thực sự nhận ra tầm quan trọng của một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh và có sự đầu tư nghiêm túc. Đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn với nền kinh tế Việt Nam, cùng hướng đến sự phát triển bền vững hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng và xã hội. Từ đó, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng tầm và tự tin hơn để sánh vai với các nền kinh tế lớn.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 5.12.2021 nhằm phân tích, nhận diện những giá trị của tiếp biến văn hóa trong việc dẫn dắt phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh, từ đó trả lời cho câu hỏi văn hoá tích cực có thể là liều vắc xin cho doanh nghiệp trước khó khăn hay không. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ vinh danh 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.

Diễn đàn quốc gia thường niên đầu tiên “Văn hóa với Doanh nghiệp” gồm 02 phiên thảo luận chính. Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, kinh doanh. Trong đó:
*Phiên 1: “Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh”, được thảo luận bởi các diễn giả: 
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 
- Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), 
- GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 
- GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng viện VHNT QG Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam. 
Phiên 1 sẽ được dẫn dắt dưới sự điều phối của Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Le Group of Companies; Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam. 

*Phiên 2: “Vắc xin văn hoá doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19” là câu chuyện mang tính thời đại cấp thiết về vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Phiên 2 với sự tham gia của các diễn giả: 
- Bà Tiêu Yến Trinh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet), 
- Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), 
- Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PetroVietnam, 
- Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam 
- Bà Trần Trâm Anh, Tổng Giám Đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú. 
Phiên 2 được điều phối bởi Ông Lê Tấn Phước - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Searefico, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình được tổ chức bởi Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ VH-TT & DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Phòng Thương mai & Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đường link đăng ký tham dự trực tuyến: https://cbf2021.vnabc.org.vn/

P.ANH

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top