Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Cần ra sức bảo vệ những thiết chế văn hóa trước nguy cơ bị biến đổi

Thứ Hai 29/11/2021 | 10:00 GMT+7

VHO- “Sắp tới đây, chúng ta phải đưa những chương trình nghệ thuật truyền thống trở lại đúng với không gian vốn có. Chẳng hạn, thay vì biểu diễn Hát bội ở các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa như trước đây thì chúng ta sẽ đưa về đình làng, đây cũng sẽ là nơi tổ chức các sinh hoạt, hội họp cộng đồng… Chúng ta cùng nhau đánh lên tiếng chuông, ra sức bảo vệ những thiết chế văn hóa truyền thống có nguy cơ biến đổi, mai một”.

 Biểu diễn nghệ thuật Hát bội tại di tích lăng Lê Văn Duyệt (TP.HCM)

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận nhấn mạnh tại Đại hội Hội Di sản văn hóa TP.HCM lần thứ III nhiệm kỳ 2021- 2026, tổ chức vào cuối tuần qua.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM nhiệm kỳ II cho biết, bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được vẫn còn đó những hạn chế so với tiềm năng, sự đa dạng di sản văn hóa ở TP… Phát biểu tại Đại hội, Giám đốc Sở VHTT Trần Thế Thuận bày tỏ, Đại hội diễn ra trong bối cảnh ngay sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, do vậy, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội rất thiết thực. Theo ông Thuận, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 185 di tích được xếp hạng, hàng trăm công trình thuộc Danh mục kiểm kê di tích, nhiều lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ở đình, chùa, miếu, thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt và du khách đến tham quan, tìm hiểu; việc tu bổ, phục hồi các di tích được quan tâm đầu tư; nhiều công trình được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa,… Để đạt được thành quả nêu trên có sự đóng góp hết sức quan trọng của Hội Di sản văn hóa TP.HCM. Hội trở thành cầu nối giữa những người yêu thích di sản với nhà nước để họ có điều kiện tiếp cận với cơ quan nhà nước về di sản văn hóa. Mặt khác, cơ quan nhà nước cũng nắm bắt được những hoạt động hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân.

Hiện nay Sở VHTT đang xây dựng 4 đề án và 19 đề tài để trình UBND TP và Thành ủy thông qua. “Trong đó chúng tôi dự kiến phát triển 8 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Chúng tôi đang dự kiến xin phép thành lập khu công nghiệp văn hóa. TP.HCM đã có khu công nghệ cao, đã có những khu công nghiệp Linh Trung, khu chế xuất,… nhưng chúng ta vẫn chưa có khu công nghiệp văn hóa thực sự, để từ đó tổng hợp những hoạt động startup, khởi nghiệp sáng tạo về văn hóa, khu công nghiệp giải trí, kể cả những trường quay với điều kiện và khả năng tối đa. Thì tôi nghĩ rằng vệ tinh của các khu công nghiệp văn hóa này chính là hoạt động của các trung tâm, các đơn vị sự nghiệp, các bảo tàng”, ông Thuận cho biết.

Liên quan đến các thiết chế truyền thống, lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM trăn trở, hiện nay số lượng đình, miếu… tại TP.HCM ngày càng bị thu hẹp. Hiện toàn TP còn khoảng 260 ngôi đình, trong đó 53 ngôi đình được xếp hạng di tích. Trong tiến trình đô thị hóa hiện nay, bên cạnh bảo tồn giá trị lịch sử, yếu tố kiến trúc của di tích thì cần phải tính tới các trình thức, nghi thức, hoạt động lễ nghi tại các ngôi đình, làm sao trả lại đúng vị trí và đúng không gian truyền thống, hạn chế những biến tướng, thay đổi mang yếu tố ngoại lai. “Hiện nay mỗi năm chúng tôi dành khoảng 30 suất của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn phục vụ bà con. Trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ tăng thêm các suất diễn, không chỉ tăng về số lượng, mà đồng thời cũng đưa những chương trình nghệ thuật Hát bội về biểu diễn tại các đình làng, để cùng đánh lên tiếng chuông, một thông điệp là chúng ta ra sức bảo vệ ngôi đình truyền thống. Làm sao nên quay trở lại mục tiêu ban đầu về giá trị của ngôi đình, đây là nơi tổ chức hội họp cộng đồng, nơi góp phần bảo tồn di sản.

Chúng ta có quá nhiều nhà văn hóa, trung tâm văn hóa nên có khi chúng ta quên vai trò của ngôi đình làng, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên có sự định hướng trở lại. Các hoạt động mang tính chất truyền thống, các trình thức lễ nghi và thậm chí là sinh hoạt hội họp của phường xã, thì sẽ không bố trí ở HĐND, UBND phường xã mà chúng ta sẵn sàng cùng với địa phương triển khai ở các đình làng”, ông Thuận mong muốn và cho biết Sở cam kết sẽ luôn đồng hành, phối hợp với Hội trong tất cả các hoạt động liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa TP. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top