Xung quanh việc siết chặt quản lý phim tham dự LHP quốc tế: Đối thoại là cần thiết

VHO- Liên quan đến bộ phim Vị không được phép phổ biến gây sự chú ý của dư luận thời gian qua, đã có một số ý kiến đề xuất cần phải có cơ chế đối thoại giữa Hội đồng duyệt và nhà sản xuất để tìm ra được tiếng nói chung.

Xung quanh việc siết chặt quản lý phim tham dự LHP quốc tế: Đối thoại là cần thiết - Anh 1

 GS Trần Thanh Hiệp

Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện về nội dung này.

 Ông có quan điểm như thế nào trước đề xuất cần có cơ chế đối thoại giữa Hội đồng duyệt phim và nhà sản xuất?

- GS.TS Trần Thanh Hiệp: Tôi ủng hộ quan điểm cần đối thoại cởi mở, thẳng thắn, trung thực giữa Hội đồng duyệt phim và nhà sản xuất để tìm tiếng nói chung. Nhưng cơ sở để đối thoại là gì? Cùng với thái độ thiện tâm và cầu thị thì cơ sở của đối thoại chính là quy định của pháp luật và mục đích vì sự phát triển lành mạnh của điện ảnh dân tộc.

Về phim Vị, tôi biết Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã có sự trao đổi với nhà sản xuất phim trước khi ký quyết định không cho phép phổ biến. Việc đối thoại không phải là câu chuyện quá xa lạ trong mối quan hệ công việc giữa Cục Điện ảnh, Hội đồng duyệt phim với các nhà sản xuất. Có trường hợp, phim khi trình duyệt tổng thể rất ổn nhưng có một chi tiết nhỏ liên quan tới vấn đề nhạy cảm, dễ bị suy diễn, chi tiết ấy không ảnh hưởng tới cấu trúc chung của phim nên chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi với nhà sản xuất. Nhà sản xuất đã rất thiện ý thay đổi. Chúng tôi rất hiểu vai trò quan trọng của đối thoại trong công việc của Hội đồng. Phim Ròm bên cạnh việc bị xử phạt do vi phạm Luật Điện ảnh, nếu không có sự đối thoại, góp ý của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt với nhà sản xuất và đạo diễn phim thì chắc chắn không thể có bản phim được sửa chữa và cấp phép công chiếu như chúng ta đã thấy.

Lâu nay, một bộ phận công chúng và người làm nghề, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ thường có cái nhìn tương đối khác biệt với cách làm việc của Hội đồng. Có ý kiến cho rằng việc kiểm duyệt trong nhiều trường hợp vẫn đang buộc các nghệ sĩ “gọt chân cho vừa giày”?

- Đúng là có một bộ phận có cái nhìn phiến diện về Hội đồng. Có người cố tình bóp méo, có người chưa có thông tin đầy đủ khách quan, chính thống về hoạt động của Hội đồng. Nếu có một Hội đồng mà cách làm việc cứng nhắc, máy móc, vô cảm, thô bạo, cổ lỗ duyệt phim mà “bẻ hành, bẻ tỏi”, tuỳ tiện, không theo một tiêu chí nào, không biết tôn trọng những sáng tạo, những tinh hoa, trào lưu sáng tác của thế giới, buộc nghệ sĩ “gọt chân cho vừa giày” thì tôi sẽ là người đầu tiên phản đối và sẽ không bao giờ ngồi ở một Hội đồng như vậy. Tôi tin các thành viên Hội đồng hiện nay cũng có quan điểm như thế.

Các thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện là những người am hiểu sâu lĩnh vực điện ảnh, có trách nhiệm, thiện tâm. Trong sự phát triển của điện ảnh nước nhà, quyền tự do sáng tạo luôn được tôn trọng. Không Hội đồng nào có quyền ngăn cản sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Chúng ta đều mong có nhiều tác phẩm có giá trị chân, thiện, mỹ; có khả năng dự báo, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và nhân cách con người Việt Nam. Để có được những tác phẩm như vậy, chúng ta không thể đi chung một đôi giầy, một cỡ giầy, làm phim theo chung một khuôn mẫu. Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam rất cần có những tài năng độc đáo, những cá tính sáng tạo, có khả năng đồng hành cùng dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, biết sống sâu sắc trong lòng văn hóa dân tộc.

Ở một khía cạnh khác, nhiều bộ phim sau khi ra rạp lại bị khán giả la ó vì nội dung phim dở mà vẫn được Hội đồng duyệt. Xin ông cho biết trách nhiệm và chức năng chính của Hội đồng duyệt phim là gì?

- Nếu trước đây tất cả các phim truyện Việt Nam được làm bằng kinh phí Nhà nước thì hiện hầu hết các phim truyện, có năm tất cả các phim truyện, đều được làm bằng kinh phí tư nhân. Các nhà đầu tư bỏ tiền làm phim ai cũng mong sản phẩm phải được tự do đưa ra thị trường. Ngoài việc đóng góp cho phát triển văn hóa, họ cũng mong được hưởng lợi từ doanh thu phòng vé, mong đồng tiền bỏ ra có lãi. Khi chúng ta quan niệm điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm điện ảnh là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc thù thì vẫn phải do thị trường điện ảnh quyết định. Thị trường sẽ đánh giá, thể hiện mức độ chấp nhận bộ phim thông qua tấm vé của người xem. Chúng ta thấy có phim chiếu hàng chục ngày với nhiều suất đông nghịt người xem, nhưng lại có phim chiếu đến ngày thứ hai đã vắng khách và như một lẽ tự nhiên bị gỡ khỏi màn ảnh các rạp. Câu hỏi đặt ra: Ai là người đánh giá sự hay, dở của bộ phim? - Đó là người xem, là những người nhà lý luận phê bình điện ảnh, các nhà báo theo dõi điện ảnh.

Hội đồng duyệt phim có lẩn tránh trách nhiệm trước vấn đề hay, dở của một bộ phim không? Hội đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Có hai việc Hội đồng phải làm trong quá trình thẩm định, đó là bộ phim được trình duyệt có vi phạm điều cấm trong luật không, nếu không vi phạm thì bộ phim phù hợp với lứa tuổi nào theo quy định của pháp luật? Điều này có thể thấy nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định không giống như các Hội đồng nghệ thuật của các cơ sở làm phim mà chúng ta đã biết.

 Chúng ta đã phân tích tương đối kỹ càng về việc một số bộ phim “vượt rào” tham dự các LHP trong thời gian qua. Nhưng hình như vẫn có những nhìn nhận chủ quan rằng cách làm việc của Hội đồng đang có nhiều điểm chênh với quan điểm của một số LHP trên thế giới, khiến cho những bộ phim như “Vị”, “Ròm”… đã bất chấp luật định để “xuất ngoại”. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

- Khi làm Hiệu trưởng Trường ĐHSKĐA Hà Nội, tôi cũng có dịp được làm việc với nhiều nhóm nước ngoài đầu tư cho các nhà điện ảnh trẻ. Dù có cái mũ chung vì sự phát triển điện ảnh nhưng thực tế có những cách tiếp cận khác nhau. Có nhà đầu tư nói: Tôi đầu tư cho anh, anh muốn làm phim thế nào tuỳ anh, miễn là phim hay. Có nhà đầu tư nói: Tôi đầu tư cho anh với điều kiện phải lắng nghe tư vấn của tôi; Nhà đầu tư khác lại nói: Tôi đầu tư cho anh, nhưng bộ phim ấy phải làm tôi thích, những đồng nghiệp trong quỹ của tôi thấy sự đầu tư không vô ích… Như vậy, một bộ phim ra đời có thể thấy có nhiều cách đánh giá khác nhau. Theo ai, sáng tạo như thế nào là câu chuyện bản lĩnh văn hóa của người làm phim.

Ở phạm vi rộng hơn, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra rằng nhân vật phim Hollywood được xây dựng theo quan niệm không giống nhân vật phim châu Âu. Điều này thậm chí đã được đưa vào tài liệu giảng dạy ở Trường ĐHSKĐA. Chính sự khác biệt này đã tạo ra nét đặc sắc riêng của từng nền điện ảnh. Đừng vội coi đó là độ chênh cao thấp để rồi cho rằng nền điện ảnh này ở trình độ văn minh cao, còn nền điện ảnh kia ở tầng thấp. Ví dụ, Iran có một nền điện ảnh nổi tiếng thế giới với đặc điểm không có bạo lực, không có cảnh khỏa thân, giường chiếu. Nhiều nhà nghiên cứu gọi Iran là cường quốc điện ảnh bởi họ đã ẵm nhiều giải thưởng chính thức danh giá chứ không phải giải bên lề. Trong một cuốn sách về Điện ảnh và Truyền hình của Mỹ được Nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Minh Tuấn và Đặng Minh Liên dịch, tóm tắt bài học thành công của điện ảnh Mỹ đã cho rằng đó là bạo lực và tình dục. Đúng là phim Mỹ có thể là như vậy nhưng đó lại không phải bài học của Điện ảnh Iran.

Có thể thấy, đất nào thì cây trái ấy, sự đa dạng văn hóa là như vậy, sự đa dạng sắc thái điện ảnh là như vậy. Nền điện ảnh phát triển nào cũng bắt rễ sâu vào văn hóa và vì quyền lợi văn hóa của dân tộc mình. Không thể có chuyện áp đặt khuôn mẫu văn hóa nước này với nước kia. Tất nhiên, chúng ta luôn rộng lòng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại vì sự phát triển. Người Việt Nam dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, còn nhiều điều phải khắc phục nhưng luôn biết tự hào về sức mạnh văn hóa của mình. Phim Việt phải bắt rễ sâu trong văn hóa dân tộc, có thể nói nhiều điều, cả điều sáng và điều tối nhưng trong sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ phải là tình yêu sâu sắc với đất nước.

Tôi thích và luôn bị ám ảnh về nhân vật của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong Bao giờ cho đến tháng Mười. Đó không phải nhân vật của khuôn mẫu, của sự tô hồng. Đó là nhân vật của nỗi đau, sự mất mát tột cùng, nhân vật lạ, không giống ai nếu từ nền điện ảnh khác nhìn vào nhưng có giá trị nhân bản, là nhân vật của lòng yêu thương, sự cao thượng, ẩn chứa một cách dung dị, không ồn ào sức mạnh văn hóa Việt Nam.

Xung quanh việc siết chặt quản lý phim tham dự LHP quốc tế: Đối thoại là cần thiết - Anh 2

 Phim “Ròm” đã có sự đối thoại, góp ý của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt với nhà sản xuất và đạo diễn trước khi có bản phim được sửa chữa và cấp phép công chiếu

Theo ông, cơ chế đối thoại giữa Hội đồng duyệt và nhà làm phim cần được tổ chức như thế nào cho hợp lý và hiệu quả?

- Tôi mong rằng sự đối thoại cũng như những nguyên tắc đối thoại sẽ được thể hiện trong văn bản pháp luật. Sự đối thoại không đi đến thống nhất thì vẫn mở cho nhà làm phim cơ hội có quyền khiếu kiện. Khiếu kiện sai thì nhà làm phim phải chịu trách nhiệm. Sự xuyên tạc, bóp méo sự thật về hoạt động của Hội đồng cũng cần có có giải pháp xử lý. Hy vọng các thành viên Hội đồng và các nhà làm luật, các nhà làm phim trao đổi thêm vấn đề này.

Trong một buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL, tôi có đề xuất trong những buổi duyệt phim, khi cần thiết, đề nghị được mời một số nhà báo có uy tín cùng xem với Hội đồng. Không phải để họ làm thay công việc của Hội đồng mà chính là để có nhìn khách quan trên truyền thông về bộ phim. Tôi rất mừng vì đề xuất này đã được ủng hộ.

Ông muốn nói điều gì đối với Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng như đối với đội ngũ làm phim Việt Nam hiện nay về những vấn đề liên quan đến duyệt phim, quản lý phim tham dự LHP quốc tế…?

- Với các anh chị đang làm công việc soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng ta trân trọng gửi thư đích danh cho các biên kịch, đạo diễn phim truyện, các nhà sản xuất phim có sản phẩm điện ảnh trong 5,7 năm gần đây và các chủ doanh nghiệp phổ biến phim, đề nghị họ nêu ra điều gì cần bị cấm trong hoạt động điện ảnh, tiêu chí phân loại phim nên thế nào. Tôi nghĩ như thế sẽ giúp cho ban soạn thảo những hiểu biết cần thiết.

Một điều nữa là cần trả lời được câu hỏi: Tại sao Luật Điện ảnh chưa được thực hiện thật nghiêm? Có phải Luật thiếu chế tài đủ mạnh không? Phim đi dự LHP quốc tế “chui” về có nên lại được duyệt và cấp phép phổ biến không? Mỗi nước đều có quan điểm về pháp luật riêng của mình. Trong Luật Điện ảnh Hàn Quốc, bên cạnh phim không được phép phổ biến, có loại phim thuộc dạng hạn chế. Trong phân loại phim có nên thêm loại phim chiếu hạn chế, mà có người cho rằng việc phân loại như vậy số phim thuộc diện cấm sẽ ít đi, để vừa đáp ứng được nhu cầu tự biểu hiện của cá nhân nghệ sĩ, vừa hạn chế chiếu rộng rãi, ảnh hưởng không có lợi cho người xem không? Tôi nghĩ, Luật Điện ảnh sửa đổi có lẽ cũng nên trao đổi thêm vấn đề này.

Với các nhà làm phim hôm nay, tôi muốn nói rằng Hội đồng luôn chờ đợi, ủng hộ những tác phẩm chứa đựng sự tìm tòi, khám phá mang dấu ấn cá nhân, giàu tính nhân văn. Hội đồng luôn sẵn sàng đối thoại, chia sẻ với các nhà làm phim, cùng nhau xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

 Không Hội đồng nào có quyền ngăn cản sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Chúng ta đều mong có nhiều tác phẩm có giá trị chân, thiện, mỹ; có khả năng dự báo, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và nhân cách con người Việt Nam. Để có được những tác phẩm như vậy, chúng ta không thể đi chung một đôi giầy, một cỡ giầy, làm phim theo chung một khuôn mẫu.

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc