Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Những người yếu thế nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19

Thứ Tư 28/07/2021 | 19:32 GMT+7

VHO- Nhiều năm nay, người dân xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội thường gọi mấy dẫy nhà cấp 4, nằm khuất lấp trong một lối đi nhỏ đầu Đội 7 là “xóm chạy thận”. Đây là nơi tá túc, sinh hoạt của gần hai chục con người từ lâu đã coi bệnh viện là nhà và quen mặt bác sĩ hơn cả người thân. Khi đại dịch bùng phát, cuộc sống của những bệnh nhân này trở nên khó khăn nhiều hơn. Không thể mưu sinh để trang trải cho cuộc sống và lo tiền thuốc thang, họ trở thành những người yếu thế nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19...

Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau như chòm xóm láng giềng ở quê. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, dường như tình người lại thêm bền chặt. Mùa dịch Covid-19, cư dân "xóm chạy thận"  nhắc nhau tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc.

Xóm chạy thận Ngọc Hồi có 18 bệnh nhân. Người gắn bó lâu nhất đúng bằng tổng số thành viên trong xóm: 18 năm. Người mới chuyển đến cũng một vài năm. Ở xóm này, người ta chẳng nói chuyện với nhau bằng số tuổi thực mà áng chừng cánh tay ai chằng chịt u cục thì đích thị "tuổi bệnh" lâu hơn cả.

Trong căn phòng lụp xụp chỉ đủ kê một chiếc giường con, một lối đi lại và vài ba đồ dùng cũ, chị Nguyễn Thị Thúy nằm lọt thỏm trên chiếc giường. 42 tuổi, chị đã có 18 năm gắn bó ở xóm chạy thận. Nhiều năm mắc trọng bệnh nên bị kẹt lại giữa Hà Nội lâu lắm chị mới có dịp về thăm nhà. Thời gian cứ biền biệt trôi mãi, tới nay những kỷ niệm về mảnh đất Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nơi chị sinh ra chỉ còn lờ mờ hiện trong ký ức. Hàng xóm ở quê nhà, ai còn, ai mất lâu rồi chị cũng không còn thời gian để nhớ, để hỏi...

Hồi đầu tháng 2, theo lịch định sẵn chị đạp xe đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chạy thận, vốn bệnh nặng, người đang yếu nên chị bị ngã xe. Sau cú ngã ấy, bác sĩ lắc đầu thông báo chị Thúy gãy xương khớp háng. Từ dạo ấy chị nằm liệt giường... Bà Nguyễn Thị Tho năm nay đã 70 tuổi tất tả lên chăm con gái từ dạo đó.

Trong nước mắt bà Tho thủ thỉ: “Mỗi lần tới ca chạy thì lại nhờ mọi người trong xóm người khiêng em Thúy lên xe lăn, rồi tôi đẩy em sang viện. Ngày trước khi dắt con tập đi tôi chưa từng nghĩ tới chuyện khi về già hai mẹ con lại dắt díu nhau đi bệnh viện... Bằng tuổi em Thúy người ta đã có con cái ăn học tử tế, đàng hoàng. Nhiều khi thương con quá tôi đành tự an ủi, số phận của Thúy như vậy rồi biết làm sao được”. Từ ngày lên chăm con ruộng nương ở nhà bà Tho đành bỏ cả.  Hai người em dưới chị Thúy đều đã có gia đình và làm ăn xa, thương chị, thương mẹ nhiều nhưng chỉ đỡ đần được phần nào.

Chị Trương Thị Lê sinh năm 1977, quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chị là một trong những người có thâm niên ở xóm chạy thận thuộc hàng ngắn nhất, nói là ngắn nhưng cũng 6 năm rồi... Cả hai mẹ con chị đều mắc phải căn bệnh này, chi tiêu tiết kiệm thì một tháng cũng phải hết 5 triệu, chủ yếu là tiền thuốc. Mùa rét thì làm rau mầm bán, còn sang mùa này, cây rau cũng sợ cái oi nóng của thời tiết Hà Nội thành ra chị phải nghỉ làm. Đều đặn hàng tháng chị và mỗi người trong xóm được một nhà hảo tâm hỗ trợ 10kg gạo.

Cánh tay chằng chịt u cục, đen sì như là dấu hiệu nhận biêt riêng của những bệnh nhân chạy thận.

Nguyễn Thị Liên là cư dân trẻ tuổi nhất của xóm. Cô gái sinh năm 1999 trở thành nguồn động lực cho người mẹ của mình chính là chị Trương Thị Lê cùng vượt qua bạo bệnh. Anh mắt xa xăm, Liên kể: “Đêm trước khi thi học kỳ I của năm học lớp 10 thì em biết mình bị bệnh. Anh biết không, mẹ em đã chạy thận từ nhiều năm trước, khi đứa em trai của em còn chưa nói rõ... Từ dạo ấy kinh tế gia đình kiệt quệ lắm, bây giờ lại đến em... Hồi mới biết mình mắc bệnh em buồn mà khóc suốt! Cứ đến tối em lại ngồi nhìn bóng tối chầm chậm bò vào nhà rồi thương mọi người và thương mình. Tới đầu năm lớp 11 em nghỉ học! Từ lâu rồi, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình và hai đứa em dưới em đang ăn học đều đổ dồn lên vai bố! Em thương bố lắm... Bố em ở nhà cũng chỉ ai thuê gì làm nấy. Có dạo bố lên thăm hai mẹ con, lần giở trong túi áo một hồi lâu rồi bố đưa cho em 200 nghìn, không quên dặn yên tâm chữa bệnh! 200 nghìn đó chắc bố em cũng phải dè sẻn tiết kiệm nhiều lắm anh ạ...”

Phải lọc máu 3 lần/tuần vào chiều các ngày thứ 2, 4, 6 khiến ít người có thể nhận ra Liên đang ở cái tuổi 22 của người con gái.  Liên kể, mỗi lần chạy xong cả đêm hôm đó lại nằm vật vã mê mệt. Phải xa nhà em nhớ lắm nên thi thoảng lại về. 2 năm gần đây ngoài thời gian ở viện Liên cũng học được nghề may, rồi được một xưởng nhỏ ở dưới tận Thường Tín cách đây 15km nhận vào làm. Thế nên số lần được về nhà với bố và các em cũng thưa hơn! Lâu lắm rồi gia đình chưa có một bữa cơm xum họp. Mức lương 100 nghìn/ ngày công sau khi trừ tiền xăng xe chẳng nhiều thế nhưng số còn lại nếu chi tiêu tiết kiệm cũng đủ để Liên mua thức ăn cho ngày hôm đó. Với những người đã mắc bệnh này, một ngàn cũng quý...

Câu chuyện tình yêu của hai con người trong xóm chạy thận đẹp như cổ tích! Anh Lê Văn Khương người yêu của Liên sinh năm 1988 quê ở huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Chạy thận 11 năm, tới nay xóm chạy thận thân thuộc với anh như chính ngôi nhà của mình: “Em tới ở xóm chạy thận trước Liên, ngày Liên chuyển đến đây ở cùng mẹ em cũng hay giúp Liên nhiều việc. Có lẽ những nghị lực từ một cô gái có cùng cảnh ngộ đã khiến em kiên cường hơn... Rồi cứ như thế em dành tình cảm của mình cho Liên anh ạ. Trước đây khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp em còn hay ra ngoài làm thêm những việc vụ vặt ở quanh viện. Ai thuê gì làm nấy! Em hay làm đánh giày và lăn sơn. Dù sức khỏe không được tốt như mọi người thế nhưng em luôn động viên bản thân mình phải cố gắng".

"Anh hỏi em có ước mơ không à? Ngày trước thì em cũng ước chứ, em ước mình mạnh khỏe như mọi người. Rồi từ ngày gặp Liên em cũng ước mơ chúng em sẽ có một đám cưới... Đơn giản, bình thường. Thế nhưng em lại nghĩ và cũng sợ, căn bệnh chúng em mắc phải tương lại không biết như thế nào nữa... Em sợ nhỡ đâu người ở, người đi... Em đã suy nghĩ về chuyện đó rất nhiều lần. Thế rồi Liên bảo em rằng: Chúng mình cứ sống hạnh phúc là được! Liên với em cùng lịch chạy thận nhưng em chạy ở bệnh viện Nông Nghiệp còn Liên ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Mẹ Liên cũng quý em lắm, cũng ủng hộ hai đứa góp gạo thổi cơm chung”.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải, người cao niên nhất trong xóm chạy thận rưng rưng: “Trong giai đoạn khốn khó, bệnh nhân ở xóm trọ Ngọc Hồi chỉ mong dịch qua nhanh để anh em trẻ được đi làm thêm, người lớn tuổi chỉ có một mong ước giản đơn là xe buýt được hoạt động trở lại để có phương tiện đi chạy thận, để những lúc nhớ quê còn đón xe buýt về thăm nhà”.

VŨ MỪNG

 

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top