Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Như cơn mưa giữa mùa hạ

Thứ Tư 16/06/2021 | 11:39 GMT+7

VHO- Vì đại dịch, hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn đã ngưng trệ nay càng rơi vào “khủng hoảng”. Việc xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phát online và trên truyền hình, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tiếp tục triển khai là tin tốt lành đối với những người làm nghệ thuật biểu diễn.

 Vở rối “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam phát sóng trong chương trình Nhà hát Truyền hình của VTV đã tạo ấn tượng

 Họ vui mừng hân hoan như đón cơn mưa sau hạn hán. Hy vọng giải pháp kịp thời này sẽ phần nào tháo gỡ những khó khăn mà các nhà hát đang phải đối diện.

Sẽ được khai thác với nhiều góc độ

Năm ngoái, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, giúp nghệ sĩ và khán giả cập nhật thông tin hoạt động của đời sống nghệ thuật nước nhà mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Thấy được tín hiệu tích cực từ cách làm này, Bộ VHTTDL vừa mới tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên nhiều kênh truyền hình. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi thông báo đến các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên truyền hình.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết: “Bộ VHTTDL đã có những cuộc trao đổi, làm việc và gửi công văn đề nghị một số đơn vị như Đài TH Việt Nam, VOV, Đài PTTH Hải Phòng… phối hợp và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng; phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng”. Cũng theo ông Dương, việc đưa các chương trình lên sóng sẽ được thực hiện từ tháng 7 tới. Kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn trực tiếp, trong đó, diễn trực tiếp các chương trình mới, còn lại thì đưa online. Việc quảng bá giới thiệu không chỉ dừng lại ở việc diễn trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật mà có thể sẽ được khai thác với nhiều góc độ như làm talk show, giới thiệu các trích đoạn đặc sắc, kinh điển…

 Một cảnh trong vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, lãnh đạo các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đều tỏ ra hào hứng với kế hoạch này, bởi đây là cách duy trì hoạt động và cảm giác được biểu diễn, tiếp tục công việc sáng tạo nghệ thuật, nỗ lực phục vụ khán giả trong bối cảnh dịch bệnh. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến là một ý tưởng trong thời điểm các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả, và e rằng đến khi Covid-19 được ngăn ngừa thì cũng rất vất vả để có thể kéo khán giả trở lại thói quen đến nhà hát, khi mà ai cũng có cảm giác ngại những địa điểm tập trung đông người.

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, đơn vị đã sẵn sàng cho việc ghi hình theo phương thức trực tuyến. 45 phút đầu của chương trình tổng hợp với các trích đoạn và tác phẩm nổi tiếng về giao hưởng, opera, múa ballet, phần sau sẽ là trích đoạn màn 2 của vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga. “Chúng tôi mong muốn giới thiệu nghệ thuật hàn lâm với khán giả truyền hình qua những chương trình có kết cấu linh hoạt hơn, đến gần với số đông công chúng hơn là một vở diễn dài”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ. Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Phó giám đốc, NSND Tống Toàn Thắng cho biết đơn vị đang luyện tập chương trình xiếc truyền thống với nhiều thể loại tổng hợp như đu nón, patin, thang lắc, xiếc thú… và vở diễn Thế giới hoạt hình trong khu vườn Thần tiên được dàn dựng theo khuynh hướng xiếc mới đang được khán giả yêu thích, đón nhận.

Cần những giải pháp dài hơi mang tính “căn cơ”

Qua trao đổi, nhiều đạo diễn sân khấu tỏ ra lo lắng vì việc phát sóng một chương trình nghệ thuật dài trên truyền hình là không dễ, nhất là với những loại hình như xiếc hay sân khấu cho thiếu nhi rất cần sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật, các đài truyền hình cần “ngồi lại” để lựa chọn chương trình, vở diễn hay trích đoạn, tiết mục cho phù hợp. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng mô hình đưa chương trình nghệ thuật biểu diễn lên truyền hình chỉ là một giải pháp tình thế trong thời điểm hiện nay.

Cảnh trong vở  Thế giới hoạt hình trong khu rừng Thần tiên 

Ở góc độ khác, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, lý do mà Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam không chọn diễn một vở dài lên truyền hình là bởi lẽ mỗi tác phẩm nhạc vũ kịch được đầu tư dàn dựng có khi cả năm trời, nếu phát trên truyền hình thì tác phẩm sau đó sẽ khó có thể bán vé kinh doanh. Chưa nói tới không gian ghi hình của truyền hình cũng rất khó có thể đáp ứng đối với một số tác phẩm lớn như Hồ Thiên Nga, Những người khốn khổ… “Một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mà được quay trước và phát lại thì hiệu quả sẽ không thể bằng việc diễn trực tiếp trước khán giả. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn quảng bá giới thiệu những trích đoạn nhỏ, lẻ để phù hợp với thời lượng phát sóng của truyền hình. Có những tác phẩm nghệ thuật kinh điển thế giới hay sân khấu truyền thống Việt Nam như Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa… khán giả đều đã biết rất rõ nội dung nhưng họ vẫn tới rạp hát để được thưởng thức cách nghệ sĩ sáng tạo, làm mới tác phẩm cũ”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng thì cho rằng, xiếc cũng như múa rối và các loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi rất cần có sự tương tác giữa người xem và nghệ sĩ. Việc đưa xiếc lên nhà hát truyền hình cũng sẽ giảm đi phần nào sự hứng thú đối với khán giả. Và chắc chắn việc diễn xiếc ở một sân khấu vuông hoặc không phải mô hình rạp xiếc sẽ là khó khăn ngay cả với nghệ sĩ biểu diễn và cho cả việc ghi hình, nhất là với những tiết mục nhào lộn, đu bay... “Nên chăng các đài truyền hình có thể trực tiếp ghi hình ngay tại Rạp xiếc Trung ương với những tiêu chuẩn phù hợp để mang lại hiệu quả cao hơn. Đã là chương trình nghệ thuật thì phải có xiếc thú, việc đưa các con thú vào trường quay để ghi hình không cũng là bài toán không dễ”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Có thể thấu hiểu cảm giác “hụt hẫng” của nhiều nghệ sĩ trong thời gian gần đây khi bỗng nhiên bị “mất nghề”, mất những khoảnh khắc thăng hoa cũng như sự tán thưởng từ người xem. Thế nên, việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online là cơ hội để nghệ thuật biểu diễn được tiếp cận rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Tuy nhiên, để các chương trình được “nên vóc nên hình”, nhà đài cũng cần cân nhắc xem có thể ưu tiên khung giờ đẹp để các chương trình nghệ thuật được lựa chọn phát thực sự tiếp cận được với đông đảo công chúng. Các tác phẩm được lựa chọn phát sóng chắc chắn sẽ được phía cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn tính toán, lựa chọn rất kỹ càng.

Tại buổi làm việc mới đây với các đơn vị nghệ thuật của Bộ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải chuẩn bị sẵn sàng dàn kịch mục phong phú, chất lượng cao để khi dịch bệnh chấm dứt, sẽ tích cực tổ chức biểu diễn không chỉ ngay tại rạp hát của từng đơn vị mà còn cần phải tổ chức được những đợt lưu diễn ở các địa phương, phục vụ mọi đối tượng khán giả. Bộ trưởng cũng yêu cầu từ năm 2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải xây dựng cho được kế hoạch đưa các đơn vị nghệ thuật lưu diễn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng vùng, miền khác nhau; chuẩn bị đề án để lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương triển khai thực hiện việc đưa nghệ thuật về địa phương, về các điểm du lịch quốc gia theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ. 

Điều quan trọng hơn cả là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải chuẩn bị sẵn sàng dàn kịch mục phong phú, chất lượng cao để khi dịch bệnh chấm dứt, sẽ tích cực tổ chức biểu diễn không chỉ ngay tại rạp hát của từng đơn vị mà còn cần phải tổ chức được những đợt lưu diễn ở các địa phương, phục vụ mọi đối tượng khán giả…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

THÚY HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top