Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa: Cần sự chung tay của ba nhóm yếu tố

Thứ Hai 14/06/2021 | 11:38 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh này, bất cứ một bộ phim, bài hát, chương trình biểu diễn thời trang, cuộc thi người đẹp nào cũng đều có thể trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, và mang lại lợi nhuận một cách đĩnh đạc. Nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa, giới chuyên gia nhận định, có rất nhiều cách để có thể gia tăng giá trị của những sản phẩm văn hóa, để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

 Phim "Bố già" của Trấn Thành đã tạo ra doanh thu khủng

 Công nghiệp văn hóa trên thế giới không phải là một khái niệm mới, nhưng ở Việt Nam thì đâu đó vẫn được hiểu một cách rất mơ hồ. Lẩn khuất ở mọi lĩnh vực trong đời sống đều có bóng dáng của công nghiệp văn hóa, nhưng để thực sự trở thành hình hài, từ đó có thể khai thác lợi thế và biến thành sức mạnh mềm của các ngành văn hóa, giải trí thì ở ta vẫn còn hạn chế.

Để công nghiệp văn hóa thành hình hài

Những năm trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, việc kiếm tiền từ những tác phẩm âm nhạc, phim ảnh… chưa nhiều. Nhưng hiện nay, những bom tấn điện ảnh, bản nhạc hit, tranh vẽ triệu đô… đều có thể tạo nên những cơn bão trong làng giải trí và mang về rất nhiều tiền cho tác giả, nhà sản xuất.

Từ năm 1988, khi đời sống vật chất còn eo hẹp, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã ra đời và kể từ đó đến nay, cuộc thi dần trở thành một thương hiệu uy tín, đưa nhiều gương mặt đại diện cho nhan sắc Việt ra đấu trường quốc tế, trở thành địa chỉ thu hút sự tham gia của nhiều thành phần sáng tạo. “Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến một ngày sẽ có cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Việt Nam? Tại sao không nghĩ đến việc sẽ sở hữu những CLB bóng đá, cầu thủ, golf thủ… nổi tiếng thế giới, không chỉ tự hào mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ…”, nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ.

Cho đến nay, công nghiệp văn hóa vẫn là lĩnh vực chứa đựng nhiều tò mò, phấn khích. Nhìn về thế mạnh của điện ảnh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, có rất nhiều cụm rạp hiện đại trên địa bàn Hà Nội như cụm rạp của CGV, Lotte, Galaxy, BHD… Theo con số thống kê của ngành điện ảnh, trong số này doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 85% thị phần. Doanh nghiệp Việt Nam như Galaxy và BHD chiếm 25%. Trên cả nước có hơn 200 rạp chiếu phim hiện đại, mỗi năm nhập khoảng 500 bộ phim nước ngoài. Phim Việt đa phần là phim giải trí của các hãng tư nhân ở TP.HCM, mỗi năm sản xuất khoảng 30-35 bộ, lại không được ưu ái chiếu vào giờ vàng và ăn chia cũng bị lép vế nên doanh nghiệp điện ảnh trong nước hoạt động vô cùng chật vật. “Nhiều năm nay việc sản xuất phim của ngành điện ảnh trông chờ và hy vọng vào hơn 500 hãng phim tư nhân. Con số thì nhiều nhưng thực lực sản xuất được ra phim thì ít. Đa phần là phim giải trí. Hầu hết là thua lỗ…”, bà Ngát cho hay. Nhà biên kịch này nhìn nhận, để phát triển ngành điện ảnh toàn diện theo những mục tiêu tốt đẹp như trong Chiến lược phát triển ngành điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đề ra vẫn còn khó khăn về nhiều mặt.

“Nhất là lĩnh vực sản xuất phim, lĩnh vực cốt yếu, sống còn để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tác phẩm điện ảnh chính là tấm gương phản chiếu sống động nhất đời sống của xã hội. Tấm gương này đến với khán giả trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bao năm rồi, thật là tiếc, khi chúng ta đã bỏ quên vũ khí sắc bén này...”, nhà biên kịch Hồng Ngát tiếc nuối. Nhìn sang các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, nhà biên kịch Hồng Ngát cũng cho rằng, tại Việt Nam, điện ảnh chưa được nhìn thấy là thị trường tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận cao, lĩnh vực này cũng chưa thực sự được phát huy như một sức mạnh mềm để có chiến lược phủ sóng toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước như nhiều quốc gia khác.

 Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trở thành một thương hiệu uy tín thu hút nhiều thành phần tham gia sáng tạo

Từ tiềm năng thành thế mạnh

Phân tích thực trạng ở lĩnh vực dồi dào tiềm năng là nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly nhấn mạnh, trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta đang có một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về nghệ thuật biểu diễn trong công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, ví dụ như tạo dựng du lịch văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh, các chương trình nghệ thuật gắn liền với lễ hội…

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nhiều cơ hội cho công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Song ở chiều ngược lại, công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ. NSƯT Trần Ly Ly chỉ rõ, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn đang loay hoay gặp khó do thiếu các quy định pháp luật phù hợp, đặc biệt để bảo vệ họ trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền: “Trong xu hướng toàn cầu hóa, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đã và đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa mà Việt Nam vốn dĩ có phần lép vế so với các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…”.

Nghệ sĩ này cũng cho rằng, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có sự phát triển đồng bộ, từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. “Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công, nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững…”, NSƯT Trần Ly Ly đề nghị.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lại nhìn trực diện vào phát triển công nghiệp văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn tại Hà Nội. Thực trạng là các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, thu về nhiều giá trị tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, trong sự phát triển này cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề. Nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật đặc thù về sự sáng tạo. “Tư duy sáng tạo đến từ từng cá nhân nhưng thành quả lại mang tính tập thể. Sân khấu đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng và thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua chưa có bài toán và kinh phí giải quyết. Khán giả quyết định thành công hay thất bại của nghệ thuật sân khấu nhưng khán giả hiện đại phần đông chưa bao giờ đến rạp hát, chưa bao giờ xem sân khấu. Đây là thách thức không nhỏ trong vấn đề khán giả đối với sân khấu hôm nay”, NSND Thúy Mùi nêu.

Trong khi đó, một số chương trình mang tính giải trí thương mại cao như âm nhạc, hài và các chương trình văn hóa nghệ thuật quảng trường lại phát triển rất mạnh mẽ, nhưng cũng khó minh định được những giá trị đích thực của nó. “Cuộc cách mạng lần thứ tư tạo ra thế giới ảo, nhiều cái khó lường. Một số ca sĩ, nghệ sĩ nghiệp dư cùng nhiều nghệ sĩ nhờ vào công nghệ lăng xê trở thành thần tượng hot “làm mưa, làm gió”, hốt bạc trong giới trẻ. Nhiều người gọi là “thảm họa”, nhưng phải sau nhiều thời gian dài mới có thể nhận ra được giá trị ảo. Đã có không ít những chương trình nội dung sơ sài, rẻ tiền, thiếu tính giáo dục, thậm chí hết sức phản cảm thì lại đem đến giá trị thương mại rất cao…”, bà Mùi lưu ý.

Biến tiềm năng thành thế mạnh, khai thác những giá trị của văn hóa trở thành sức mạnh mềm là mục tiêu đang hướng đến của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong khoanh vùng phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng rõ ràng, thực tế đang đặt ra quá nhiều thách thức. 

 Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công, nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững…

(NSƯT TRẦN LY LY)

 BẢO ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top