Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Graffiti “lên tiếng” phòng, chống dịch

Thứ Ba 01/06/2021 | 02:00 GMT+7

VHO- Khai thác thế mạnh của loại hình tranh vẽ công cộng để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa về phòng, chống dịch Covid-19, nghệ sĩ Lê Long cùng các cộng sự đã khoác lên căn biệt thự tại Hà Nội “chiếc áo” ấn tượng không chỉ về thị giác mà còn chuyển tải những điều muốn nói bằng ngôn ngữ graffiti độc đáo.

Nhìn tổng thể, căn nhà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng

 Căn biệt thự rộng 300m2 ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) là nơi được các nghệ sĩ graffiti phủ sơn, vẽ hình với mong muốn chung tay, chia sẻ với cộng đồng qua thông điệp Stay strong - Let’s stay home (Hãy mạnh mẽ - Hãy ở nhà).

Nhiều loại hình nghệ thuật trong thời gian qua đã cất lên tiếng nói để góp phần tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện quy định phòng, chống dịch. Nghệ sĩ graffiti Lê Long chia sẻ, vào thời điểm cuối tháng 3.2020, khi cả nước đang căng mình chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, anh đã bị thôi thúc việc lên ý tưởng cho dự án này. Anh bàn với chủ nhà chọn chủ đề Stay strong - Let’s stay home với mong muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức để chiến thắng đại dịch.

Để thực hiện được ý tưởng đó, nghệ sĩ Lê Long đã tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên mạng và phát triển thành nghệ thuật graffiti. Quá trình thực hiện bức tranh tường khá kỳ công, các nghệ sĩ đã phải sử dụng khoảng 500-600 chai sơn nhập ngoại với đủ màu sắc và bình xịt chuyên dụng. Do căn biệt thự 4 tầng nên người thực hiện dự án phải dùng tới xe cẩu để vẽ được các khu vực có độ cao gần 20m. Những mảng màu nổi trội, sắc nét, thông điệp rõ ràng đã mang đến ấn tượng thị giác đặc biệt. Ai đi qua cũng thích thú đứng lại ngắm nhìn hình ảnh những con virus SARS-CoV-2 bị tiêu diệt bởi vắcxin; virus bắt buộc phải đeo khẩu trang hay hình ảnh ngôi nhà Việt Nam đồng lòng chung tay chống dịch…

Điều đặc biệt ở công trình gratiffi này là các nghệ sĩ có nhiều không gian, mảng tường để thỏa sức sáng tạo. Góc này thể hiện hình ảnh Trái đất, phía trên là ngôi nhà có cửa hình trái tim, gắn chú chim hạc - biểu tượng cho “ngôi nhà Việt Nam”, góc kia là khung cửa sổ xanh mát thể hiện niềm hy vọng, lạc quan, hướng tới tương lai. Độc đáo, hóm hỉnh và nhân văn, có lẽ đây là một trong số ít tác phẩm khai thác được thế mạnh của graffiti tại Việt Nam, khi ngay từ đầu các nghệ sĩ đã “gom” ý tưởng chuyển tải thông điệp kêu gọi mọi người cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

 Những mảng màu nổi trội, sắc nét, thông điệp rõ ràng đã mang đến ấn tượng thị giác đặc biệt

Đã hơn một năm khoác lên mình “chiếc áo” nghệ thuật graffiti, căn biệt thự vẫn luôn thu hút ánh nhìn của người đi đường, đặc biệt trong những ngày qua, khi đại dịch bùng phát trở lại, giữa nỗi lo bao trùm thì những hình ảnh mang năng lượng tích cực này thực sự thú vị và đầy tính thuyết phục đối với người tiếp nhận. Sau khi hoàn thiện dự án, mong muốn của nghệ sĩ Lê Long và nhóm cộng sự là tạo được thiện cảm trong mắt người dân, để họ không còn định kiến về những hình ảnh “nguệch ngoạc, vẽ bậy” trên tường...

Theo chị Lưu Thị Minh Châu, chủ căn biệt thự, tác phẩm được hoàn thành trong vòng 30 ngày, vào thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Mỗi ngày, các họa sĩ đều dành thời gian từ 8-18 giờ để sáng tạo. Sau khi hoàn thiện, hệ thống chiếu sáng cũng được chủ nhà cho thiết kế, lắp đặt riêng, phù hợp với khung cảnh ngôi nhà về đêm. Người dân sống quanh khu vực này cũng bày tỏ sự thích thú khi chứng kiến các họa sĩ vẽ lên tường những hình ảnh nổi bật, trẻ trung, dễ hiểu và ý nghĩa. Nhìn tổng thể, cả căn nhà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng.

Không chỉ căn biệt thự giữa ngã 3 ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), họa sĩ Lê Long cùng cộng sự còn thực hiện một loạt tác phẩm nghệ thuật graffiti với chủ đề Chung tay đánh bay Covid-19 tại nhiều địa điểm quanh Hà Nội như phố Lâm Hạ (Long Biên), Quán Gánh (Thường Tín), Mậu Lương (Hà Đông), phố Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai)... Đa số các tác phẩm đều được thực hiện trên những mảng tường tại khu vực rộng rãi có nhiều người qua lại, dễ quan sát. Tất cả đều được người dân đón nhận bởi tính thẩm mỹ cũng như giá trị tích cực mà “ngôn ngữ nghệ thuật đường phố” độc đáo này truyền tải. 

 QUANG ANH, ảnh: LẠI TẤN

 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày  29/5/2020 của Chính phủ)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top