Vì sao VNR phải vay tiền trả lương cho người lao động?

VHO- Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ 1.1.2021 đến nay, 20 đơn vị bảo trì đường sắt trong cả nước đều không có nguồn thu do VNR chưa được giao vốn như các năm trước. Nhiều đơn vị trong ngành đều phải tự vay tiền ngân hàng để chi trả lương công nhân.

Vì sao VNR phải vay tiền trả lương cho người lao động? - Anh 1

  Những vướng mắc cơ chế khiến ngành đường sắt đã khó khăn lại thêm lao đao

VNR cho biết, nguyên nhân các đơn vị trên chưa có kinh phí là do vướng mắc cơ chế giao dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt. Năm 2021, VNR dự kiến được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động, tương đương năm 2020. Tuy nhiên, do VNR đã chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên Bộ này không được giao vốn cho VNR như trước.

Lãnh đạo nhiều công ty của ngành đường sắt cho biết, do chưa ký được hợp đồng bảo trì năm 2020 với VNR, đơn vị chưa có cơ sở tính toán sản lượng, doanh thu, lương, tiền tạm ứng trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải thực hiện công việc, đảm bảo an toàn, thông suốt chạy tàu, nên nhiều công ty đành đi vay nợ để tạm ứng lương cho nguời lao động để họ yên tâm làm việc. Từ đầu năm đến nay, nhiều công ty cổ phần đường sắt đã thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có tiền trả lương cho công nhân. Cùng với đó, các đơn vị phải tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và dừng thanh toán các công nợ từ năm trước.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, từ nguồn vốn bảo trì hằng năm, đơn vị này chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chiếm đến 90-92% tổng nguồn vốn. Khoảng 8-10% còn lại để giải quyết các công việc như sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ và sửa chữa đột xuất (chiếm khoảng 7-8,5% nguồn vốn); tổ chức quản lý dự án, chi phí khác trong công tác bảo dưỡng thường xuyên (chiếm khoảng 0,5% nguồn vốn). Trong số vốn chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, 69% để chi trả lương cho người lao động. Trong đó, lương cho hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48% với bình quân khoảng 5,5-6 triệu đồng/người/ tháng tùy vào bậc thợ (bao gồm các khoản đóng bảo hiểm… theo quy định); 52% còn lại dành cho công nhân duy tu mức lương dao động từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng tùy vào bậc thợ. Tuy nhiên, bảo trì đường sắt là sản phẩm công ích, Nhà nước đặt hàng thực hiện, trong khi đó từ nguồn ngân sách cấp cho công tác duy tu, bảo đảm an toàn chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Vì thế, lương người lao động nằm trong gói ngân sách này cũng bị thấp theo.

“Đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR đang bị ảnh hưởng, nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập”, ông Minh cho biết. 

Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc