Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Di tích ở Hà Nội lại “kêu cứu”... (Bài 4): Lộ trình “cứu” di tích

Thứ Tư 14/04/2021 | 10:43 GMT+7

VHO- Hà Nội hiện có 727 di tích xuống cấp, trong đó có 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng và nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào.

 Cảnh báo nguy hiểm ở đình Phương Châu (xã Phú Phương, huyện Ba Vì)

Tuy nhiên, tình trạng đáng báo động tại nhiều di tích lại không tỉ lệ thuận với nguồn lực và kinh phí có thể đầu tư. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích, danh thắng Hà Nội trao đổi với Văn Hóa về những giải pháp, lộ trình “cứu” hàng trăm di tích xuống cấp trên địa bàn. Ông cho biết:

- Theo số liệu tổng kiểm kê thì Hà Nội hiện có 5.922 di tích, rải đều trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Trước số lượng nhiều di tích, trong đó có những di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đặc biệt giá trị, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp thành phố, từ năm 2016-2017, Hà Nội đã thực hiện việc rà soát, đánh giá, tổng kiểm tra nhằm phác thảo một bức tranh tổng thể về các di tích xuống cấp trên địa bàn, đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục, hạn chế tồn tại. Thực hiện chỉ đạo này của UBND TP, Sở VHTT Hà Nội hằng năm đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Sở KH&ĐT, Tài chính, các quận, huyện và cơ quan liên quan để khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp của di tích, báo cáo và đề xuất giải pháp.

Năm 2019, HĐND TP đã thông qua bước đầu việc hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. 50 di tích được hỗ trợ với kinh phí gần 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp của hàng trăm di tích thì kinh phí đầu tư dành cho mỗi di tích chỉ có thể xem là “vốn mồi” để các quận, huyện có điều kiện triển khai xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, trước hết là với những di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Năm 2020, theo kết quả tổng kiểm kê, Hà Nội có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần có nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp. Trong đó có 448 di tích xuống cấp và 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào. Đến tháng 3.2021, thành phố bố trí nguồn đầu tư hỗ trợ cho 122 di tích xuống cấp, với tổng kinh phí là 139,3 tỉ đồng. Cụ thể, đầu tư cho 2 di tích quốc gia đặc biệt với kinh phí 4 tỉ đồng, 2 di tích cách mạng kháng chiến với kinh phí 2 tỉ đồng, 74 di tích quốc gia được đầu tư 99,5 tỉ đồng và 44 di tích xếp hạng cấp thành phố có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật được đầu tư tu bổ 32,8 tỉ đồng. 122 di tích được đầu tư này nằm trên địa bàn 17 huyện ngoại thành, tiền đầu tư phân kỳ trong 2 năm 2021 - 2022.

Có thể nói, với bức tranh toàn cảnh di tích như vậy, những năm qua Hà Nội đã cố gắng đảm bảo kinh phí “vốn mồi” để các địa phương tiếp tục triển khai xã hội hóa cho công tác đầu tư, tu bổ di tích. Tuy nhiên, nguồn lực kinh phí này chỉ mang tính chất hỗ trợ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng chống xuống cấp của các di tích thì chưa thể đảm bảo.

Các địa phương có mật độ di tích dầy như Ba Vì, Quốc Oai, Thường Tín… cũng là những nơi có nhiều di tích xuống cấp nặng nề, có thể đổ sụp bất cứ khi nào. Vậy, giải pháp cũng như lộ trình “cứu” những di tích này ra sao, thưa ông?

- Quy định về nguồn tài chính bảo vệ, phát huy giá trị di tích đã được nêu rõ tại Luật Di sản văn hóa, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa và nguồn tài trợ, đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, được hiểu là nguồn kinh phí xã hội hóa. Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên ban hành Quyết định phân cấp quản lý di tích. Theo quy định phân cấp, thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị các di tích quan trọng do thành phố trực tiếp quản lý; đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt; di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện đang quản lý và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do thành phố quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận… Cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn, trừ các di tích thành phố trực tiếp đầu tư và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện quản lý được Thành phố hỗ trợ đầu tư tu bổ, bảo tồn.

Việc phân cấp như vậy đã được quy định rất rõ. Tuy nhiên, với đặc thù sở hữu một khối lượng “siêu di tích” lên tới gần con số 6.000 thì nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác đầu tư, tu bổ chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương như Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai có nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, đang mòn mỏi chờ đợi kế hoạch đầu tư, tu bổ là thực tế đã được ghi nhận trong nhiều năm. Nhưng như đã nói ở trên, với điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp thì 727 di tích xuống cấp không thể cùng một lúc được đầu tư tu bổ mà vẫn buộc phải theo thứ tự ưu tiên hằng năm. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 khó khăn, thành phố bố trí được kinh phí 139,3 tỉ đồng dành cho việc tu bổ 122 di tích xuống cấp nêu trên cũng là con số không nhỏ.

Trong bối cảnh kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì xã hội hóa được xem là cánh cửa mở rộng. Nhưng thực tế cho thấy lời giải xã hội hóa được nhiều nơi tiến hành vội vàng, một số trường hợp làm biến dạng di tích. Câu chuyện này cần phải giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Như đã phân tích ở trên, khối lượng di tích khổng lồ rõ ràng không đồng thuận với nguồn đầu tư. Và xã hội hóa chính là giải pháp quan trọng. Nguồn tiền này trong dân rất lớn, hằng năm có thể huy động cả ngàn tỉ đồng. Nhưng ngược lại, việc sử dụng nguồn tiền xã hội hóa tại nhiều cơ sở, quận, huyện lại tạo ra những hệ lụy tiêu cực trong quản lý di tích. Trong đó, phổ biến là việc tu bổ, tôn tạo di tích phụ thuộc theo ý muốn của các “Mạnh Thường Quân”. Để có được tiền xã hội hóa tu bổ, tôn tạo ngôi đình này, ngôi đền nọ, chủ đầu tư yêu cầu phải lập tức hạ giải di tích, thực tế đã có trường hợp diễn biến như vậy. Tuy nhiên, về chủ trương hay quy định pháp luật thì không thể làm như thế. Việc tu bổ, tôn tạo các di tích, đặc biệt là những di tích đã được xếp hạng phải tuân thủ đúng quy trình, quy định pháp luật. Hãy nhớ những bài học nhãn tiền đã từng xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc như tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), đình Lương Xá (Ứng Hòa)…

Trong nhiều trường hợp, người dân địa phương khi đang sốt ruột vì di tích xuống cấp thì rất dễ vội vàng. Đất vua chùa làng, việc di tích bị tùy tiện tháo dỡ, không tuân thủ các quy định pháp luật là rất nguy hiểm. Bởi vậy, thành phố và các cơ quan chức năng luôn yêu cầu phải tuân thủ quy trình, quy định pháp luật trong công tác đầu tư, tu bổ di tích. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, BQL các di tích cũng cần thường xuyên đẩy mạnh. Các di tích dù xuống cấp và đang mỏi mòn chờ đợi nhưng nếu vội vàng dỡ xuống là mất đi di tích. Đây chính là hai mặt của vấn đề, đòi hỏi chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý theo quy định phân cấp của thành phố chứ không thể nghe theo ý muốn chủ quan của nhà đầu tư. Chưa kể những trường hợp hứa hẹn đầu tư là ảo, trong khi nguy cơ mất đi di tích lại là có thật.

Có một thực tế khác là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích ở Hà Nội hiện nay chưa đồng đều, chủ yếu kiêm nhiệm nên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm…

- Đây cũng là một vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tu bổ di tích tại các địa phương. Mặt khác, theo quy định phân cấp, cần phải thấy rõ vai trò của chính quyền địa phương cần phải được tăng cường. Các địa phương cần chủ động trong công tác quản lý, tu bổ tôn tạo di tích chứ không thể chỉ đơn thuần trông chờ nguồn tiền đầu tư, hỗ trợ của thành phố. Nếu chỉ nói rằng các di tích xuống cấp nhưng không được quan tâm là không đầy đủ.

 Xin cảm ơn ông!

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top