Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hành trình “về nhà” của gần 100 cá thể động vật hoang dã

Thứ Tư 24/03/2021 | 11:47 GMT+7

VHO-  Giây phút đầu tiên được in dấu chân trên nền đất rừng, chú dũi nhỏ đã phải loay hoay một hồi, rồi mới ngập ngừng bước tiếp... Cửa lồng vừa mở, con mèo rừng liền lao ra ngoài và như hiểu ra một điều gì đó, nó đưa mắt nhìn không gian thật lâu.

Ông Nguyễn Văn Chính (bên trái), Giám đốc VQG Cúc Phương đại diện cho Vườn tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã

Và dường như do trải qua quá trình nuôi nhốt kéo dài, nên khi được trở về với rừng già, chú khỉ vàng cứ lạ lẫm dò từng cành cây, kẽ lá...

Trở về với đại ngàn

Từ Hà Nội, trải qua hành trình hơn 100 km chúng tôi đã có mặt tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), trong cái lạnh buốt của cơn mưa rừng nhiệt đới. Nghĩ về chuyến xe đưa gần 100 cá thể động vật từ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội sẽ có mặt tại đây vào sớm mai, tất cả mọi người trong đoàn đều hồi hộp không ngủ được.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc BQL Vườn quốc gia Cúc Phương thủ thỉ: “Các cá thể được thả về rừng vào ngày mai đều là tang vật thu giữ được trong những vụ án liên quan đến buôn bán trái phép động vật hoang dã. Mỗi một con vật được cứu lại có những câu chuyện xúc động mà đôi khi chỉ người trong cuộc mới hiểu hết được. Và để có thể trở về nhà, tất cả đều phải trải qua quá trình đánh giá khả năng sinh tồn ngoài tự nhiên, cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe một thời gian dài rồi mới được quyết định tái thả”. Bảy giờ sáng ngày 20.3, khi cánh cửa của chiếc xe tải vừa mở, chưa kịp tay bắt mặt mừng, thành viên của đoàn cứu hộ từ Hà Nội và lực lượng kiểm lâm đã nhanh chóng vận chuyển các cá thể động vật hoang dã về nơi tập kết. 92 cá thể được tái thả lần này thuộc 17 loài như chim, khỉ, bò sát, mèo rừng, cầy... Cẩn thận nhận chiếc lồng bên trong có hai cá thể cầy vòi hương, MC Bạch Dương xúc động: “Nếu các bạn ấy biết bày tỏ cảm xúc như con người thì chắc hẳn giờ này đang háo hức lắm”.

Sau khi làm thủ tục bàn giao, chúng tôi lần lượt chia nhau cứ hai người một thùng đạp lên đá tai mèo và rẽ lá ướt đẫm nước mưa, tiến về Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia. Địa điểm tái thả động vật hoang dã là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự an toàn và phát triển giống loài trong tương lai của những cá thể được thả, như lời ông Chính đã chia sẻ trên đường đi: “Với tổng diện tích hơn 22 ngàn ha, lại có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua, nên việc quản lý VQG Cúc Phương còn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo hiệu quả trong việc tái thả, 60 nhân viên kiểm lâm của rừng đã không quản ngày đêm khảo sát vị trí, đánh giá sự thích nghi của từng loài. Tính đến nay, Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau”. Giây phút đầu tiên được in dấu chân mình trên nền đất rừng, chú dũi nhỏ đã phải loay hoay một hồi, rồi mới ngập ngừng bước tiếp... Cửa lồng vừa mở, con mèo rừng liền lao ra ngoài và như hiểu ra một điều gì đó, nó đưa mắt nhìn không gian thật lâu. Và dường như do trải qua quá trình nuôi nhốt kéo dài, nên khi được trở về với rừng già, chú khỉ vàng cứ lạ lẫm dò từng cành cây, kẽ lá...

Anh Vũ Hảo, một du khách tham gia chương trình xúc động cho biết: “Được chứng kiến khoảnh khắc đầu tiên của những loài động vật hoang dã trở về với nơi chúng được sinh ra, bản thân mình thấy dâng lên rất nhiều xúc cảm tốt đẹp với thiên nhiên nói chung và với động vật hoang dã nói riêng. Bảo vệ môi trường rừng và các loài động vật hoang dã chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.

 Hành trình đưa các cá thể động vật hoang dã trở về rừng Cúc Phương

Lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác cứu hộ động vật, kể: “Một khu rừng sẽ là khu rừng “chết” nếu như không có sự xuất hiện của động vật hoang dã và chim muông. Để biết công tác bảo tồn, quản lý rừng có tốt hay không chúng ta cứ lắng nghe tiếng chim kêu, tiếng các loài linh trưởng chuyền cành hay tiếng động vật hoang dã chạy trong khu rừng ấy”.

Mục đích cuối cùng và cao cả nhất của công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã chính là để đưa chúng trở lại thiên nhiên. Vì vậy, hoạt động thả động vật hoang dã sau cứu hộ luôn là một công việc quan trọng và mang rất nhiều cảm xúc. Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc VQG Cúc Phương cho rằng: “Chúng tôi tin rằng, bất cứ ai được chứng kiến khoảnh khắc những loài động vật hoang dã được trở về với rừng già, sẽ có xúc cảm tốt đẹp với thiên nhiên nói chung và với động vật hoang dã nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ động vật hoang dã”. Thực tế cho thấy, ở một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan hay Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có những tour du lịch kết hợp cùng việc tái thả động vật hoang dã tại các khu bảo tồn. Những tour du lịch trải nghiệm này luôn thu hút đông đảo du khách và mang lại hiệu ứng tốt đẹp trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên.

Với việc tiếp nhận khoảng gần 1.000 cá thể động vật hoang dã để chăm sóc và tái thả mỗi năm, việc xây dựng các chương trình cho phép khách du lịch cùng tham gia tái thả động vật hoang dã trong thời gian tới là một việc làm giàu ý nghĩa và thiết thực tại VQG Cúc Phương. Từ đó, mỗi du khách sẽ thực sự trở thành “sứ giả” giúp Cúc Phương lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp bảo tồn động vật hoang dã. 

 Chúng tôi tin rằng, bất cứ ai được chứng kiến khoảnh khắc những loài động vật hoang dã được trở về với rừng già, sẽ có xúc cảm tốt đẹp với thiên nhiên nói chung và với động vật hoang dã nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ động vật hoang dã.

(Ông ĐỖ VĂN LẬP, Phó Giám đốc VQG Cúc Phương)

Bài &ảnh :VŨ MỪNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top