Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bằng chứng khảo cổ học về Văn hiến Thăng Long

Thứ Tư 24/03/2021 | 11:41 GMT+7

VHO- PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cùng các cộng sự mới đây đã hoàn thành tập hợp, biên soạn cuốn sách Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học.

 Công trình đồ sộ với gần 600 trang, kỳ vọng giúp công chúng trong và ngoài nước có thể hiểu được phần nào giá trị to lớn của di sản văn hiến Thăng Long, góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Những gì tinh túy

PGS.TS Tống Trung Tín, nhân vật chủ trì hầu hết các cuộc khai quật khảo cổ học trong nội thành Hà Nội và địa điểm 18 Hoàng Diệu, người sớm nhận ra giá trị tầm cỡ thế giới của di sản và là người đầu tiên mạnh dạn kiến nghị Hội đồng Khoa học và lãnh đạo Bộ VHTTDL, Viện KHXH Việt Nam trình Chính phủ cho phép bảo tồn toàn bộ Di sản Thăng Long - Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu, tiến tới xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới. Kiến nghị ấy đã được chấp thuận trong niềm vui của giới nghiên cứu và nhân dân cả nước.

Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học được tập hợp, biên soạn công phu, là “những gì tinh túy nhất cho đến hôm nay”, theo như lời PGS Tống Trung Tín, chủ biên ấn phẩm. Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ông và các cộng sự của Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã tập hợp, biên soạn ấn phẩm này. PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, tất cả chỉ là bước đầu, vì công việc nghiên cứu khảo cổ học là cực kỳ gian khổ và lâu dài. Lúc này, tất cả các dự án chỉnh lý lớn của khảo cổ học về Thăng Long đều đang còn dang dở. Đó cũng chính là đặc thù của khảo cổ học và điều đó cũng phản ánh một phần giá trị của khu di sản. Nhưng, nhu cầu tìm hiểu về văn hiến Thăng Long dù chỉ ở mức độ khái quát cũng là vô cùng cần thiết. “Việc công bố một ấn phẩm như thế này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu nói trên, và qua đây ta cũng thấy phần nào giá trị tầm cỡ thế giới của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hiện nay, do điều kiện chủ quan và khách quan, nguồn tư liệu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội gồm tư liệu chữ viết, tư liệu vật thể và phi vật thể đều bị mai một gần hết, nhất là các tài liệu thuộc về các thời kỳ lịch sử xa xưa. Vì vậy, để hiểu về lịch sử văn hóa, văn minh của Thăng Long - Hà Nội phải có cách tiếp cận liên ngành, đa ngành với sự giúp sức của nhiều tổ chức, cơ quan thì mới hi vọng hiểu được phần nào những giá trị của các chủ nhân của văn hóa, văn minh Thăng Long - Hà Nội tạo ra. Một trong những hướng tiếp cận có hiệu quả là tiếp cận khảo cổ, bởi hàng nghìn năm qua, di sản vật thể Thăng Long - Hà Nội đồ sộ dù đã bị mai một gần hết, thậm chí không còn gì trên mặt đất thì do ngẫu nhiên hoặc may mắn vẫn còn lưu đọng ít nhiều trong lòng đất.

PGS.TS Tống Trung Tín đã từng là chủ biên, đồng chủ biên một số công trình có giá trị như Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long - Hà Nội lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học, Tổng tập Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội, Di tích Khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long, Di vật tiêu biểu Hoàng thành Thăng Long 2002- 2013. Nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động chia sẻ, hàng thế kỷ qua, khảo cổ học đã chú ý tìm lại dấu tích của Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Đáng chú ý nhất từ cuối năm 2002, Viện Khảo cổ học đã phát lộ khu di tích Trung tâm Hoàng thành, góp phần quyết định đem lại cho Thủ đô và đất nước một Di sản Thế giới được UNESCO vinh danh năm 2010. Quá trình khảo cổ này cũng mang lại những nguồn tư liệu mới cực kỳ phong phú để giới nghiên cứu tiếp cận tìm hiểu lịch sử văn hiến Thăng Long.

Tất cả mới chỉ là bước đầu

Chủ biên cuốn sách khiêm tốn: “Đường còn dài lắm!”. Là ông nói đến chặng đường tiếp tục nghiên cứu khảo cổ học về nền văn hiến Thăng Long mà thế hệ các nhà nghiên cứu sẽ phải thực hiện. Theo ngữ nghĩa rộng nhất của “Văn hiến”, sách Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học tiếp cận lịch sử văn hiến Thăng Long dưới góc độ khảo cổ học, thông qua di tích, di vật khảo cổ học phát hiện được ở Hà Nội góp phần tìm hiểu đôi nét về lịch sử văn hiến Thăng Long nghìn năm, từ khi Kinh đô được vương triều Lý thành lập năm 1010 đến ngày nay.

“Từng di tích, từng di vật khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội từ nguồn cội cho đến đến ngày nay đều là những chứng cứ tin cậy thể hiện tài năng, trí tuệ và lao động sáng tạo của nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung cùng tạo nên nền văn hiến Thăng Long”, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết. Khẳng định “Tất cả mới chỉ là bước đầu!”, PGS Tống Trung Tín kể, từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX, ông đã tham gia khai quật khảo cổ học ở khu vực Quần Ngựa. Từ năm 1998 đến nay, ông đã phụ trách hầu hết các cuộc khai quật ở khu vực nội thành Hà Nội. Trong quá trình nghiên cứu, theo yêu cầu của các cấp quản lý, ông và các cộng sự đã chọn lọc sưu tầm, biên soạn và giới thiệu đôi nét về lịch sử Thăng Long qua một số di tích, di vật khảo cổ học. Từ năm 2010 đến nay, các phát hiện khảo cổ học về Thăng Long - Hà Nội ngày càng nhiều hơn, các chương trình nghiên cứu tổng hợp vẫn đang tiếp tục, nhiều luận điểm, luận cứ của chính ông và một số nhà nghiên cứu đã thay đổi không ngừng.

 Một số hình ảnh trong sách “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học”

“Chẳng hạn, trước đây tôi thường viết Đoan Môn là cửa Nam của Cấm Thành thời Lê Sơ thế kỷ XV, nay khảo cổ học đã chứng minh rõ Đoan Môn đang còn là của thế kỷ thứ XVII. Hay, trước đây ai cũng tin 4 lan can thềm rồng đá ở nền Điện Kính Thiên là còn nguyên vẹn từ thế kỷ thứ XV thì nay, khảo cổ học đã chứng minh 4 lan can này đúng là của thế kỷ thứ XV nhưng tất cả đã được nâng lên và đặt lại vào khoảng thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII...”, PGS Tống Trung Tín chia sẻ. Ông cũng viện dẫn, GS Phan Huy Lê trước năm 2015 đã xem phía Tây Hoàng thành thời Lý là ở khoảng đê sông Tô Lịch. Khi chứng kiến kết quả khai quật khảo cổ học Đại La thành phía Tây và Vườn Hồng của Viện Khảo cổ học, GS Lê đã bắt đầu thay đổi ý kiến và cho rằng phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý có thể ở phạm vi đường Ngọc Hà.

Bởi vậy, một số nhận định khoa học trước đây của tác giả về Kinh đô Thăng Long sẽ được thay đổi theo kết quả nghiên cứu khảo cổ học Thăng Long đến năm 2019 trong công trình nghiên cứu này. Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long vẫn đang tiếp tục lâu dài. Khẳng định điều này, chủ biên ấn phẩm cho biết, ngay từ năm 2003, khi di sản Hoàng thành Thăng Long mới phát lộ, giới truyền thông đã quan tâm đến việc bao giờ thì khai quật xong Thăng Long, ông Tín trả lời: Khoảng vài ba thế kỷ nữa. “Tôi khẳng định điều này bởi trên thế giới các di sản tương tự như thành phố Pompei của Italia đã khai quật hơn hai thế kỷ qua bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII; Nara- kinh đô thế kỷ VII của Nhật Bản đã nghiên cứu hàng trăm năm qua bắt đầu từ năm 1852, mà bây giờ vẫn đang tiếp tục hằng năm, trong khi nghiên cứu di sản Thăng Long thực sự mới chỉ bắt đầu từ năm 2002”.

Trong bối cảnh đó, rất cần thiết phải có các công bố kịp thời, dù chỉ là sơ lược bước đầu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà nghiên cứu và công chúng trong, ngoài nước. Bởi vậy, PGS Tống Trung Tín cùng cộng sự một lần nữa cố gắng bước đầu tập hợp tư liệu, lựa chọn một số di tích, di vật tiêu biểu để phác lên đôi nét về văn hiến Thăng Long - Hà Nội từ cội nguồn cho đến hôm nay, nơi tập trung nhất, đầy đủ nhất, tiêu biểu nhất của lịch sử 4.000 năm văn hiến Việt Nam. 

THẢO MỘC

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top