Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khai thác giá trị nhân văn trong sứ mệnh giáo dục, đào tạo

Thứ Sáu 19/03/2021 | 19:14 GMT+7

VHO - Ngày 19.3, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố, trao quyết định công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường và trao quyết định bổ nhiệm các Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Tân Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài phát biểu tâm huyết về giá trị nhân văn trong sứ mệnh giáo dục, đào tạo con người.

Theo đó, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được Bộ GD&ĐT công nhận theo nhiệm kỳ 2020-2025 gồm có 19 thành viên. TS Nguyễn Thị Minh Hồng - Bí thư Đảng ủy giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường. Cùng với việc công bố và trao quyết định Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng được công nhận chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường.

Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025

GS.TS Huỳnh Văn Sơn sinh năm 1976, được bổ nhiệm Phó Giáo sư năm 2012 và Giáo sư năm 2019. Ông tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Tâm lý - Giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1996. Ông học cao học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, học nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vào năm 2003… GS.TS Huỳnh Văn Sơn hiện còn là Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam và là chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục cộng đồng, Truyền thông và đổi mới giáo dục phổ thông.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói rằng, giá trị cốt lõi của Trường và tầm ảnh hưởng của Trường là rất lớn không chỉ với ngành GD&ĐT TP.HCM mà còn 18 tỉnh, thành phía Nam. “Tôi tin tuyệt đối vào những giá trị cốt lõi của Trường bởi nếu không có chất lượng sẽ không thể tồn tại lâu bền và cạnh tranh hiệu quả, nếu không sáng tạo sẽ khó thích ứng và phát triển. Đặc biệt với giá trị nhân văn, tôi hiểu, cảm nhận và quyết tâm khai thác giá trị này. Nhân văn với đồng nghiệp, xem viên chức như tài sản quý giá nhất của tổ chức; nhân văn với người học để tạo ra những cơ hội phát triển bền vững qua từng bài giảng… Là người có cơ hội tiếp cận với các vấn đề xã hội của TP, tôi cảm được từng nhịp thay đổi của TP, chúng tôi đào tạo, nghiên cứu không thể không bắt nhịp với cộng đồng. Chúng tôi xác định nhân văn với cộng đồng là điểm đến bởi màu sắc của Trường Sư phạm không trộn lẫn đó là phải hiện đại, thích ứng nhưng vẫn có tính nhân văn sâu sắc, mô phạm hiện đại”, ông Sơn nói. 

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu nhận nhiệm vụ

Trong bài phát biểu của mình, vị tân Hiệu trưởng cũng nói về những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chi phối rất lớn đến sự phát triển nói chung và đến GD-ĐT. Theo đó, giáo dục thông minh đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên kỹ thuật số mới, cũng sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc và thậm chí tác động đến sự thay đổi của giáo dục quốc gia. “Chúng tôi cho rằng với nhiều nhà khoa học, chuyên gia về IT, công nghệ giáo dục, Giáo dục học ứng dụng… Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ để lại một dấu ấn đáng kể về hành trình ứng dụng công nghệ số trong GD-ĐT, nhất là định hướng triển khai, phát triển giáo dục thông minh đáp ứng phát triển thành phố thông minh”, ông Sơn bày tỏ. 
Cuối bài phát biểu, GS Sơn chia sẻ: “Tôi ý thức rất rõ về mình, tôi có thời gian, có sự toàn tâm, toàn ý, có những người lãnh đạo tiền nhiệm tạo nền tảng tuyệt vời, có cộng sự nhiệt huyết… Nhưng tôi cần sự đồng lòng, tôi mong có sự thấu hiểu, tôi khát khao có sự cống hiến mang tính đồng bộ và tôi kỳ vọng về một tổ chức văn minh. Tôi tự giáo dục bản thân: Người quản lý không là người tạo ra dấu ấn cho cá nhân mà đồng hành cùng tập thể để tạo ra những thành quả. Người đứng đầu không là người cao hay thấp hơn so với đồng đội mà là người được tin tưởng, giao trọng trách và tôn trọng nhiệm vụ thúc đẩy, giám sát và đồng hành trong mọi hoàn cảnh. Xin cho tôi nắm chặt tay của gần 800 đồng đội, hơn 35.000 người học và cho phép chúng tôi được mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với 19 tỉnh, thành Trường đang phụ trách công tác bồi dưỡng – đào tạo và một số Sở đang hợp tác toàn diện với hơn 400.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục”.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ra mắt Quỹ học bổng “Đồng hành và Phát triển”

Phát biểu chúc mừng Nhà trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nói rằng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong hai trường sư phạm trọng điểm của cả nước, rất quan trọng trong hệ thống giáo dục, đào tạo của cả nước. Do vậy đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới trong công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, là cơ sở để Nhà trường tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ, khẳng định vị thế mới của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong hệ thống giáo dục, đào tạo thời gian tới. 
Dịp này, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã ra mắt Quỹ học bổng “Đồng hành và Phát triển”.
Hiện nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong hai trường sư phạm trọng điểm của cả nước. Trường hiện có 36 ngành đào tạo trình độ ĐH, 26 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Trường có đội ngũ gần 800 viên chức - người lao động, trong đó gần 500 giảng viên với quy mô đào tạo 35.000 sinh viên, trong đó 18.000 sinh viên chính quy, 1.200 học viên cao học và 155 nghiên cứu sinh.

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top