Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Trên cả mức báo động

Thứ Sáu 19/03/2021 | 10:35 GMT+7

VHO-  Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn với clip cho búp bê uống nước ngọt “xin vía học giỏi” khiến dư luận rất bức xúc vừa khép lại với án phạt 7,5 triệu đồng. Thơ Nguyễn cũng đã ẩn hết các clip đăng tải trước đó và tạm ngưng làm YouTuber trong thời gian tới. 

 YouTuber Thơ Nguyễn nhận án phạt 7,5 triệu đồng 

Có điều, án phạt này được dư luận cho rằng là quá nhẹ. Và nếu không là Thơ Nguyễn thì những bậc làm cha làm mẹ cũng không khỏi giật mình bởi không ai khác, chính những đứa trẻ đang “hưởng ứng” nhiệt liệt những nội dung được nhiều YouTuber kiểu Thơ Nguyễn đăng tải, trong đó có không ít nội dung nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là thô tục tác động đến việc hình thành và phát triển tính cách của trẻ. 
Câu view mọi giá 
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng, nếu không là Thơ Nguyễn, là bà Tân Vlog hay con trai của bà... thì sẽ là những YouTuber khác sẽ xuất hiện, không là kiểu nhảm nhí này sẽ là hình thức nhảm nhí khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang có nhiều biểu hiện lệch chuẩn, nhưng nếu chỉ cảnh báo đơn thuần mà không có giải pháp gốc rễ thì sẽ khó có thể “quét sạch” được. 
Kênh YouTuber Thơ Nguyễn trước vụ việc xảy ra lần này có tới gần 9 triệu người theo dõi, trong đó gồm nhiều khán giả nhỏ tuổi. Câu hỏi được đặt ra là, những ai đã làm nên Thơ Nguyễn? Vì sao những kênh YouTube nhảm kiểu Thơ Nguyễn lại lôi cuốn trẻ em đến vậy? Những clip léo nhéo, hình ảnh cẩu thả, không mang tính giáo dục, đa phần cuốn hút trẻ nhỏ bằng những màu sắc bắt mắt của đồ chơi, xúi giục trẻ xin tiền cha mẹ để mua, hướng dẫn các trò chơi như chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, bỏ đá khô vào chai kín gây nổ… So với một, hai năm trước, kênh YouTube của bà Tân Vlog bây giờ đã hạ nhiệt. Trước đó, một thời gian không ngắn kênh này khiến hàng ngàn phụ huynh “hết hồn” bởi các thể loại siêu to khổng lồ được bà Tân đăng tải, lôi kéo lũ trẻ. Chưa hết, tiếp nối lại đến con trai của bà, vẫn là những chương trình nhạt nhẽo, vô duyên và phản giáo dục. Câu chuyện nấu cháo gà nguyên lông và đập heo đất ăn trộm tiền của Hưng Vlog bị xử phạt cách đây ít lâu cũng thể hiện thực trạng rất nhức nhối của YouTube và mạng xã hội nói chung hiện nay. Thay vì ưu tiên nội dung lành mạnh, bổ ích, nhiều người làm video trên YouTube đã bất chấp mọi thứ chỉ để có nhiều lượt xem. 
Những nội dung phản cảm, đi ngược lại tâm lý chung của xã hội xuất hiện ngày càng tràn lan trên YouTube, những tiêu đề mà chỉ nghe tên thôi cũng khiến các bậc cha mẹ lo lắng tột cùng: “thử thách học lại mẫu giáo”, “thử thách một ngày làm chó”, “ăn động vật đã chết vài ngày”... Không ít clip cổ xúy cho những nội dung bạo lực, đánh đấm giang hồ, ăn mặc khêu gợi để “câu view”. Cùng với các clip nhảm là sự sục sạo, xông thẳng vào đời tư cá nhân của nhiều YouTuber, bất chấp mọi giá trị đạo đức chỉ để được nổi tiếng, kiếm tiền, bôi nhọ danh dự của người khác. Đáng nói là, những nội dung này lại thu hút một lượng rất lớn người xem và bình luận, thậm chí còn xuất hiện trong “top video thịnh hành”. Ngược lại, các nội dung bổ ích, lành mạnh lại nhận được khá ít lượt quan tâm. Không phải nghiêm trọng hóa vấn đề mà thực sự, qua số lượng lớn người xem những sản phẩm ấy khiến cho những ai quan tâm phải suy nghĩ. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua cho thấy, ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội đến trẻ em nói riêng và cả xã hội nói chung ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội đã góp phần chi phối nhận thức, và từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. 
“Vì thế, những thông tin đến từ mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía xã hội. Giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng phải chú ý nhiều hơn đến các trang mạng xã hội...”, ông Sơn nhận định. 

 Đăng clip phản cảm, Hưng Vlog nhận hai án phạt liên tiếp 

Ai đã tạo nên “Thơ Nguyễn”? 
Không thể tự nhiên mà có những Bà Tân, Hưng Vlog hay Thơ Nguyễn... nếu không phải chính môi trường không lành mạnh, thiếu định hướng ứng xử trên mạng xã hội đã nuôi dưỡng, dung túng những yếu tố không chuẩn mực trở thành bình thường. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, lợi ích kinh tế là một yếu tố quan trọng chi phối hành vi sản xuất thông tin trên mạng xã hội. Chính việc cổ vũ các nội dung không phù hợp qua lượt share, view, like tạo điều kiện cho các chủ trang kiếm được nhiều tiền, khiến cho xu hướng tạo ra các nội dung không lành mạnh, nhưng lại kích thích sự tò mò từ người xem, đã tạo ra những xu hướng sản xuất nội dung không phù hợp trong thời gian vừa qua. 
“Không chỉ là sai sót của Thơ Nguyễn mà còn rất nhiều trang thông tin tương tự chính là biểu hiện cụ thể của việc chạy theo lợi ích kinh tế để tạo ra các nội dung không phù hợp này. Cần phải hiểu bản chất sự việc như vậy để chúng ta tránh vào việc hết phê phán hiện tượng này, chủ trang kia đến hiện tượng khác, chủ trang khác...”, ông Sơn phân tích. Sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay có nhiều mục đích khác nhau. Các trang mạng xã hội, về bản chất, mang tính chất trung tính, là phương tiện để tạo điều kiện cho con người thuận lợi hơn trong giao tiếp. Chính vì thế, lợi ích hay tác hại của các trang mạng xã hội đến từ chính người sử dụng. Người sử dụng mạng xã hội thông thái sẽ tận dụng được lợi thế của công nghệ từ mạng xã hội để phát triển năng lực bản thân, và ngược lại. Điều cần phải nhắc lại ở đây, theo chuyên gia Bùi Hoài Sơn, chúng ta chưa thực sự hình thành văn hoá ứng xử trên mạng xã hội. Vì lý do đó, những hành động, hình ảnh nào là phù hợp, không phù hợp cũng như những tranh luận trên mạng xã hội nên dừng ở mức độ như thế nào là vừa đủ vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Một phần vì các phương tiện truyền thông như mạng xã hội đang khiến chúng ta không thể đúc kết kinh nghiệm từ những gì chưa được trải nghiệm. 
Một phần khác là vì bối cảnh xã hội hiện tại cũng rất khác bối cảnh xã hội trước đây, đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông mới cho phép các thảo luận được diễn ra một cách tự do, thiếu sự kiểm soát, nhiều khi ẩn danh khiến người tranh luận có thể trốn tránh trách nhiệm của mình, cũng như tự cho phép mình có những bình luận ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, điều này ít xảy ra nếu đó là giao tiếp trực tiếp. Tất cả khiến cho môi trường mạng xã hội đang khá hỗn loạn, thiếu định hướng, dẫn đến nhiều tranh cãi khác nhau, trái chiều mà nếu người sử dụng không có một kiến thức và bản lĩnh tốt sẽ không thể có đánh giá khách quan, thấu đáo về những hiện tượng trên mạng xã hội. “Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, hãy trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông minh để biến những lợi ích của mạng xã hội thành lợi ích cho bản thân, hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội. Mặt khác, cần hình thành nên bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, là định hướng cho việc tạo nội dung cũng như là cơ sở để đánh giá, bình luận về những hoạt động trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 
Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia lưu ý là cần tăng cường chế tài xử phạt để tạo ra bài học làm gương cho những hành vi không phù hợp trên môi trường này, trả lại sự trong sạch, những điều tích cực và lợi ích của các trang mạng xã hội. Thực tế, cơ chế tính tiền bằng lượt xem trên nền tảng Google chính là nguyên nhân khiến người làm nội dung “câu view” bừa bãi, các YouTuber cũng có những nguồn thu rất khủng từ những clip này. Thế nhưng, án phạt mà các YouTuber phải nhận cho những clip nhố nhăng dường như … chả thấm vào đâu. Hưng Vlog bị xử phạt hai lần tổng cộng chỉ 17,5 triệu đồng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đăng tải 2 video “nấu cháo gà nguyên lông” và “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”. Thơ Nguyễn vừa rồi cũng chỉ phải nhận án phạt 7,5 triệu đồng… 
Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt hiện nay với các chủ kênh YouTube có nội dung nhảm nhí còn quá nhẹ, không thấm vào đâu so với thu nhập khủng mà họ nhận lại. Cho nên, dù không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng xử phạt YouTuber nhưng YouTube Việt vẫn ngập tràn nội dung nhảm nhí, phản cảm. Các chuyên gia cho rằng, nếu không xử lý dứt điểm và có biện pháp mạnh, tình trạng này rồi sẽ lại tái diễn bởi nguồn lợi từ nó là quá khủng. Ngựa quen đường cũ, thậm chí sẽ là tình trạng các YouTuber chấp nhận đóng phạt rồi lại tiếp tục làm clip nhảm. Rất dễ là như thế. 

Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, hãy trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông minh để biến những lợi ích của mạng xã hội thành lợi ích cho bản thân, hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội. Mặt khác, cần hình thành nên bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, là định hướng cho việc tạo nội dung cũng như là cơ sở để đánh giá, bình luận về những hoạt động trên mạng xã hội.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN) 

 

 Cần một Bộ quy tắc ứng xử trên mạng 
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11.2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong tháng 4.2020, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về mặt nội dung, nhưng đề nghị Bộ cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành. Ông cũng cho biết, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng cũng được lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử. 
Trong đó, Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em. Nhà cung cấp phải ứng xử và giáo dục trẻ em và vị thành niên sử dụng mạng xã hội. Bộ cũng được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng, giai đoạn 2020-2025, đề án đưa ra yêu cầu tạo đầu mối duy nhất tiếp nhận các phản ánh về xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm, chủ động ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên không gian mạng… P.V 

PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top