“Đất tặc”, “đá tặc” tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định): “Rất khó xử lý” (?!)

VHO- Trong suốt một thời gian dài, di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) đã, đang bị “đất tặc”, “đá tặc” ngang nhiên xâm phạm một cách nghiêm trọng, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả.

“Đất tặc”, “đá tặc” tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định): “Rất khó xử lý” (?!) - Anh 1

 “Đất tặc” mở đường để thuận tiện vận chuyển ra vào tại di tích Đồi Cả

Nằm trong tình trạng “chảy máu”, di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng cảnh quan, vậy mà chính quyền lại trả lời một cách khó hiểu: “Rất khó xử lý”. Phải chăng chính quyền cố tình “làm ngơ” và “cho phép” mới xảy ra tình trạng khai thác trái phép đất, đá… vô tư đến vậy?

Khai thác đất, đá như “chỗ không người”

Từ năm 1967, di tích Đồi Cả là chốt điểm quan trọng của địch do một đơn vị thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên đóng giữ, án ngữ đường giao thông của ta từ căn cứ Núi Bà, qua các xã phía đông và là điểm cao quan sát khống chế mặt biển. Với vị trí chiến lược quan trọng, nơi đây thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch.

“Đất tặc”, “đá tặc” tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định): “Rất khó xử lý” (?!) - Anh 2

 Nhiều điểm tại di tích Đồi Cả bị khoét sâu tan hoang để lấy đất

Năm 1973, ta mở cuộc tấn công làm chủ chốt điểm, cắm cờ giữ đất giữ dân, xây dựng cơ sở vững chắc, bảo vệ an toàn cho nhân dân đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đồi Cả thuộc quần thể di tích lịch sử Khu căn cứ Núi Bà, được xếp hạng cấp quốc gia ngày 25.1.1994. Bất chấp có thông báo từ bia dẫn di tích với dòng chữ “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích”, nhưng hiện nay xung quanh chân đồi di tích Đồi Cả đang bị khai thác tan hoang bởi “đất tặc” và “đá tặc”. Để có đường ra vào thuận tiện vận chuyển đất đá tại di tích Đồi Cả, các đối tượng khai thác đã tạo ra một con đường đất nằm bên cạnh Trường THPT Ngô Lê Tân ở thôn Chánh Hóa. Theo phản ánh và chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường đất dài khoảng 100 m, đi vào bên trong thấy có nhiều con đường mòn khác rộng từ 3-5m và thậm chí leo lên tận đỉnh đồi.

Theo ghi nhận, những con đường mòn này có từ khi phá đồi, khai thác đất tạo nên đường để vào chở đất đá ra ngoài. Nhiều hố đất trên đồi bị lấy sâu vào bên trong, từ đó lòi ra lớp đất thịt lẫn sự nham nhở của những tảng đá tạo thành hàm ếch lớn. Tại hiện trường cho thấy, tình trạng “đất tặc” lộng hành khai thác đã diễn ra trong một thời gian dài và xâm phạm nghiêm trọng khu di tích lịch sử. Chạy ngược vòng lên di tích Đồi Cả, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ở đây không những bị “đất tặc” lộng hành khai thác mà còn bị “đá tặc” ngang nhiên khai phá. Những tảng đá lớn nằm trong di tích Đồi Cả đã được các thợ đá chẻ thành phẩm ra những khối đá nhỏ chờ vận chuyển. Một số người dân sống gần đó cho hay, tình trạng khai thác đá trái phép tại di tích Đồi Cả đã diễn ra từ lâu. Riêng việc khai thác đất chỉ mới diễn ra trước Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến nay. Hằng ngày, hàng loạt xe ben, xe tải ồ ạt chạy ra vào chở đất tại khu Đồi Cả. Nhưng không hiểu sao, đất tại di tích lại bị cho khai thác như vậy, người dân nơi đây cho rằng “chính quyền địa phương cho phép nên doanh nghiệp mới đưa xe vào múc và vận chuyển”.

“Đất tặc”, “đá tặc” tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả (Phù Cát, Bình Định): “Rất khó xử lý” (?!) - Anh 3

 Di tích Đồi Cả cũng trở thành điểm để “đá tặc” khai thác

Cần ngăn chặn để bảo vệ cảnh quan di tích

Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho biết, toàn bộ hoạt động khai thác đất và đá tại di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả tại thôn Chánh Hóa đều trái phép. Chính quyền xã đã nhiều lần phát hiện bắt, giam giữ phương tiện khai thác, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản. Mỗi trường hợp bị xử phạt từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày.

Theo ông Bé, di tích Đồi Cả có tổng diện tích 27 ha. Tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại di tích đã diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các đối tượng khai thác rất liều lĩnh, lì lợm, vẫn tiếp tục tái diễn mặc dù đã có cam kết. Chính quyền địa phương đã cắt cử người trông coi nhưng các đối tượng vẫn lén lút lấy đất, chẻ đá. Qua trao đổi, chúng tôi đặt câu hỏi, có phải địa phương đang chịu áp lực đất san nền từ các dự án thuộc tuyến ven đường biển ĐT639, vì thế mới xảy tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại di tích Đồi Cả? Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin: “Giờ chưa thể xác định được nguyên nhân, nhưng hiện nay UBND huyện đã thành lập đoàn làm việc với chính quyền địa phương. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo thành lập các tổ công tác phân công luân phiên trực 24/24h để canh giữ, bắt phương tiện khai thác trái phép. Tuy nhiên “đất tặc”, “đá tặc” hoạt động rất manh động, bởi vậy việc canh giữ là rất khó khăn”.

Về vấn đề này, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho rằng, nhằm ngăn chặn không để di tích Đồi Cả bị xâm hại nghiêm trọng từ việc khai thác đất, đá trái phép, đơn vị đã yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Phù Cát cần có biện pháp xử lý để bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả. Hiện đơn vị đã yêu cầu Phòng VHTT huyện khẩn trương làm báo cáo, để nắm rõ thông tin về việc khai thác đất, đá trái phép tại di tích Đồi Cả. 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc