Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sản phẩm gốm Bàu Trúc đang dần “khởi sắc”...

Thứ Sáu 12/03/2021 | 11:19 GMT+7

VHO- Làng gốm Bàu Trúc là điểm đến du lịch hấp dẫn với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Qua nhiều biến cố, thăng trầm, có lúc sản phẩm gốm Bàu Trúc “chỉ lưu kho”, nhưng vài năm trở lại đây, gốm Bàu Trúc lại là mặt hàng được nhiều du khách đặt mua.

 Khách du lịch tham quan, tìm hiểu về nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc

Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10 km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc (HTX) cho biết, nhiều năm trước sản phẩm gốm Bàu Trúc gặp nhiều khó khăn. Đời sống của nhiều nghệ nhân vì thế cũng bấp bênh nhưng phần lớn họ vẫn bám trụ với nghề gốm.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc bán rất chạy, nhiều lúc “cháy hàng” do sản phẩm làm ra không kịp cung cấp cho các khu du lịch, điểm du lịch đặt mua. Do sức hút của nghề gốm, lượng khách đổ về làng gốm Bàu Trúc tham quan ngày càng đông và khách mua sản phẩm gốm tăng mạnh. Đầu năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Eurowindow Nha Trang đến đặt vấn đề ký kết đưa khách tham quan, tìm hiểu cách làm gốm tại làng gốm Bàu Trúc. Công ty này cũng tìm hiểu năng lực sản xuất tại làng nghề để hợp tác sản xuất một số sản phẩm gốm trang trí tại khu du lịch nghỉ dưỡng mang chuẩn 5 sao quốc tế Movenpick Resort Cam Ranh và Radisson Blu Resort Cam Ranh. Lô hàng trị giá hơn 1,8 tỉ đồng. Gần 1 năm rưỡi dồn tâm lực, giữa năm 2019, toàn bộ lô hàng đã hoàn thành đúng thời gian và được đánh giá rất cao.

Điểm đặc biệt của nghề làm gốm Bàu Trúc chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Ở nhiều làng nghề, người ta thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở đây, các nghệ nhân dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Chính vì điều đặc biệt đó mà gốm Bàu Trúc đã được rất nhiều du khách, người dân quan tâm. Làng gốm Chăm Bàu Trúc hiện có khoảng 400 hộ gia đình, trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo.

Theo anh Thuần, gốm Bàu Trúc hiện nay đang ở giai đoạn thăng hoa nhất khi các sản phẩm liên tục có mặt tại các khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sang chảnh 4 sao, 5 sao mang đẳng cấp trong nước và quốc tế tại hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. “Hiện nay, gốm Bàu Trúc cũng được du khách quốc tế đến từ Nga, Mỹ, Italia và Nhật Bản yêu thích. Điều đáng mừng hơn nữa là ngoài việc xuất bán qua các trung gian phân phối, đến thời điểm này HTX đã có những lô hàng được ký kết và xuất khẩu thông qua hợp tác trực tiếp cho đối tác nước ngoài”, anh Thuần nói.

 Làng gốm Bàu Trúc là điểm đến ưa thích của người dân và du khách

Cách đây hơn ba năm, Bộ VHTTDL đã đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kể từ đó đến nay, làng gốm Bàu Trúc đang có những bước “chuyển mình” phát triển bền vững khi sản phẩm gốm làm ra ngày càng nhiều và người đặt mua tăng lên. Nghệ nhân gốm Bàu Trúc Đàng Thị Gạch cho biết: “Đã già rồi, nhưng tôi say nghề chú ạ. Một ngày có thể bỏ ăn, nhưng bỏ làm gốm thì không thể, thấy thiếu hụt điều gì đó thiêng liêng. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng tham gia nặn gốm vẫn có thu nhập 200-300 nghìn/ngày. Kiếm được tiền từ nghề mình yêu thích vui lắm. Không phải phụ thuộc con cháu lo lắng cho mình nữa. Mà làm gốm bao năm không phải vì vấn đề mưu sinh mà mình không thể bỏ nó, không thể bỏ các giá trị văn hóa gốm Bàu Trúc được”. Nhiều nghệ nhân gốm cũng bày tỏ tình yêu với nghề và chính nghề gốm đang cho họ nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Ông Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết, “hiện nay địa phương đang quy hoạch 4 ha lấy đất làm gốm. Qua đó, mở rộng quy mô sản xuất gốm cho các nghệ nhân và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gốm Bàu Trúc cho người dân, du khách. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong vài năm trở lại đây, khách du lịch đến Ninh Thuận tăng nhanh, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Sở cũng đã xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch tham quan các làng nghề, đặc biệt là làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc.

“Làng gốm Bàu Trúc là điểm đến ưu thích của đông đảo du khách, nghề gốm Chăm Bàu Trúc cũng trở thành sản phẩm du lịch quan trọng của địa phương trong việc thu hút du khách và phát triển du lịch lâu dài, bền vững”, ông Hòa nói. 

THANH HÒA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top