Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Từ vụ việc tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng: Cần có cách ứng xử khoa học và đúng pháp luật

Thứ Tư 10/03/2021 | 10:57 GMT+7

VHO-  Nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống Nguyễn Đức Bình là người cung cấp thông tin về di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng bị thay thế cánh cổng sắt không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc của di tích. Chưa đầy một ngày sau khi thông tin đăng tải, tại đình Tây Đằng đã tiến hành hạ giải cổng mới và trả lại nguyên trạng với hai cánh cổng sắt đã cũ.

Sau khi dư luận lên tiếng, cổng "biệt thự" đã được loại bỏ, đồng thời lắp dựng lại cánh cổng cũ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết, thời gian qua dường như năm nào cũng xảy ra sự việc di tích bị xâm hại. Có thể kể đến như vụ việc sơn kiến trúc đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), sơn đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam), sơn đình Trùng Thượng, Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình), phá cổng cũ để xây cổng mới ở chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), tu bổ đình Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) bằng cách thay mới cấu kiện kiến trúc… Mới đây là sự việc làm mới cổng đình Tây Đằng, di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Nhóm di tích càng có giá trị kiến trúc, nghệ thuật thì càng nằm trong nguy cơ “báo động”. Bởi cộng đồng và cả chính quyền địa phương vì sự hãnh diện, tự hào về di tích lại càng tìm cách bồi đắp, tô vẽ, sửa chữa, dẫn đến tình trạng hủy hoại, biến dạng di tích, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Việc nhiều địa phương tự ý thay đổi hiện trạng di tích mà không báo cáo, không xin phép cấp quản lý đã diễn ra ở không ít di tích, đến khi phát hiện thì đều là sự đã rồi. Nguyên nhân ở đây là gì, thưa ông?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình: Di tích bị hư hại, biến dạng do tu bổ, sửa chữa, làm mới bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Có nhiều di tích cộng đồng hoặc lãnh đạo địa phương không xin phép các cơ quan quản lý có thẩm quyền nhưng tự ý thực hiện; cũng có nhiều nơi đã xin phép nhưng khi thực hiện lại làm không đúng với giấy phép… Nguyên nhân chính ở đây là người dân, cán bộ địa phương thiếu hiểu biết về giá trị di tích, thiếu hiểu biết về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản đang có, đặc biệt là thiếu kiến thức pháp luật. Diễn ra tình trạng di tích bị xâm hại như hiện nay, theo tôi một phần do nguyên nhân là chưa xử lý những vụ việc sai phạm thật nghiêm minh, còn nể nang, né tránh.

Nhiều vụ việc xâm hại di tích mà không thấy ai bị truy tố, thường chỉ là xử phạt hành chính, kiểm điểm hoặc phạt cho tồn tại mà ít thấy khắc phục hậu quả. Ví dụ, đình làng Lương Xá không khắc phục được hiện trạng ban đầu mà hiện nay đang tồn tại kiến trúc sai phạm. Do vậy, hiện tượng nhờn luật, không nghiêm trong xử lý các vụ việc là nguyên nhân không ngừng diễn ra việc di tích bị xâm hại.

 Câu chuyện ở đình Tây Đằng hay gần đây là chùa Bối Khê... không chỉ đơn thuần nằm ở những cái cổng bị dựng lên bất thình lình. Những bất cập ở đây là gì?

- Cổng đình Tây Đằng xuống cấp rất cần sửa chữa hoặc thay thế. Tuy nhiên để triển khai thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục. Điều này sẽ mất nhiều thời gian. Nếu xin ngân sách nhà nước thì thủ tục còn khó khăn rất nhiều. Chính vì lẽ đó, khi người dân hoặc địa phương có tiền thì họ thường làm ngay mà không tuân thủ nguyên tắc (cả về khoa học hay pháp luật). Ví dụ cổng đình Tây Đằng bất ngờ bị hỏng, bị gãy đổ, mất an toàn mà tiến hành thủ tục xin kinh phí và xin phép thì bao lâu mới được triển khai khắc phục. Chính vì lẽ đó cần rà soát các quy định, tìm ra những phương án phù hợp để khắc phục những vấn đề trong quản lý, tu bổ hiện nay.

Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng nhiều nơi người dân vẫn ứng xử chưa đúng trong bảo tồn di tích. Cần phải thay đổi câu chuyện này như thế nào, theo ông?

- Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, vai trò của các cơ quan quản lý di tích là quan trọng nhất, đặc biệt là cán bộ quản lý từ thôn đến huyện. Họ là những người gần dân, gần di tích, cho nên họ phải thường xuyên theo dõi sự thay đổi của di tích, họ cần sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản, từ đó có đề xuất với các cơ quan cấp trên phương án quản lý thích hợp.

Còn đối với cộng đồng, lãnh đạo ở địa phương (cấp xã, phường) phải thường xuyên cập nhật kiến thức lịch sử, văn hóa, tìm hiểu pháp luật trong quản lý di tích, di sản.

 Dư luận cũng cho rằng việc trả lại nguyên trạng cánh cổng cũ ở di tích Tây Đằng chỉ là giải pháp tình thế?

- Để bảo vệ an ninh, sự xâm nhập của con người và vật nuôi, người ta đã xây tường và làm cổng để bảo vệ đình, đây là điều cần làm. Nhưng phải làm như thế nào để đảm bảo an toàn, an ninh, phù hợp với giá trị thẩm mỹ cũng như đúng quy định pháp luật lại là vấn đề đặt ra. Để làm một bộ cổng đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với di tích và quy định chúng tôi thấy không phải là điều khó khăn. Hiện nay Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành uy tín có thể giúp thiết kế, thẩm định các vấn đề tu bổ di tích. Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu tu bổ, sửa chữa di tích có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích để đưa ra quyết định thực hiện phù hợp.

 Mặc dù là sự việc đáng tiếc nhưng có thể thấy Sở VHTT Hà Nội và địa phương đã có phản ứng rất khẩn trương trong sự việc lần này ở di tích đình Tây Đằng. Ông suy nghĩ như thế nào trước diễn biến này?

- Tôi được biết, TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, khi phát hiện thông tin về vụ việc bộ cổng ở đình Tây Đằng trên mạng xã hội đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, xử lý ngay vụ việc. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương còn chỉ đạo gỡ bỏ các thành phần trang trí mới không phù hợp ở đi tích đình Tây Đằng. Chưa đầy 24h, vụ việc đã được xử lý xong. Qua diễn biến của vụ việc nêu trên và cách xử lý sai phạm ở đình Tây Đằng, chúng tôi thấy dư luận xã hội rất đồng tình trong việc xử lý nhanh, dứt điểm của lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan quản lý của Hà Nội, huyện Ba Vì. Tránh tình sai phạm kéo dài, xử lý không dứt điểm, gây sự bức xúc trong xã hội.

Sử dụng cổng đình Tây Đằng cần phù hợp với giá trị của di tích

Liên quan đến sự việc tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội), Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã ký công văn số 133/DSVH-DT gửi Sở VHTT TP Hà Nội. Theo đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL nhận được công văn số 499/SVHTT- QLDT của Sở VHTT TP Hà Nội về việc thay cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng. Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT TP Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình, đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.

Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở VHTT Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; kết hợp tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di sản văn hóa, nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ di tích nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan. HOÀNG VY

THANH PHƯƠNG (thực hiện)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top