Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thiên thời, địa lợi và nhân hòa

Thứ Hai 01/03/2021 | 10:53 GMT+7

VHO- Trong những ngày qua, người hâm mộ banh nỉ Việt Nam liên tục đón nhận những tin vui khi 2 tay vợt Việt kiều đẳng cấp là Thái Sơn Kwiatkiowski (hạng 219 thế giới) và Chanelle Vân Nguyễn (hạng 643 thế giới) nhập tịch thành công và đủ điều kiện khoác áo đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 31 cuối năm nay.

 

Có Thái Sơn Kwiatkowski, sức mạnh tuyển nam quần vợt Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể tại SEA Games 31 Ảnh: T. THÚY

 Quần vợt xưa nay không phải là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam tại đấu trường khu vực, thế nhưng sau tấm HCV lịch sử của Lý Hoàng Nam trên đất Philippines 2 năm trước và đặc biệt sẽ có sự phục vụ của Thái Sơn Kwiatkiowski và Chanelle Vân Nguyễn, quần vợt Việt Nam hứa hẹn sẽ có một kỳ SEA Games bùng nổ trên sân nhà.

“Tiếp lửa” cho mục tiêu

Thái Sơn Kwiatkowski sinh năm 1995, có mẹ người Việt và bố người Ba Lan, anh mang quốc tịch Mỹ nhưng vừa nhập quốc tịch Việt Nam để cống hiến cho thể thao quê hương mẹ. Tay vợt 26 tuổi trưởng thành từ thể thao học đường Mỹ và từng vô địch quần vợt của giải NCAA năm 2017, đó cũng là bước đệm để anh bước vào con đường quần vợt chuyên nghiệp. Thái Sơn Kwiatkowski được biết đến khi từng góp mặt ở 3 Grand Slam: Vòng loại Australia mở rộng (năm 2020, 2021), vòng chính Mỹ mở rộng (năm 2017, 2020) và vòng loại Pháp mở rộng (năm 2020). Thứ hạng tốt nhất của tay vợt cao 1m88 này là vị trí 181 thế giới vào tháng 2.2020, anh từng giành được 1 danh hiệu vô địch đơn nam cấp ATP Challenger Tour danh giá tại Mỹ có tổng tiền thưởng lên đến 162.000 USD (3,8 tỉ đồng) và 4 chức vô địch ITF Futures Tour. Năm 2019, Thái Sơn Kwiatkowski đầu quân cho CLB Hưng Thịnh - TP.HCM, cũng trong năm này anh trở về quê mẹ thi đấu giải VĐQG và dễ dàng đoạt cú đúp vô địch đơn nam, đôi nam. Với việc nhập tịch thành công, Thái Sơn Kwiatkiowski trở thành tay vợt có đẳng cấp cao nhất từ trước đến nay chơi cho quần vợt Việt Nam.

Còn trước khi nhập tịch Việt Nam, Chanelle Vân Nguyễn là tay vợt 27 tuổi người Mỹ gốc Việt, có cha là người Việt Nam và mẹ là người Philippines. Năm 2018, cô từng nằm trong tốp 400 thế giới và dễ dàng lên ngôi vô địch đơn nữ, đôi nữ giải quần vợt VTF Pro Tour 3 tại Việt Nam. Chanelle Vân Nguyễn hiện đang đứng hạng 643 nữ thế giới và cũng là tay vợt nữ Việt Nam có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng quốc tế.

Dù không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tình yêu với đất nước hình chữ S luôn hiện hữu trong tim của Thái Sơn Kwiatkowski lẫn Chanelle Vân Nguyễn. Năm 2019, trong lần anh trở về quê mẹ thi đấu, Thái Sơn Kwiatkowski đã bày tỏ nguyện vọng sớm được nhập tịch để có cơ hội cống hiến cho quần vợt Việt Nam. Với Chanelle Vân Nguyễn, lần trở về Việt Nam thi đấu 3 năm trước đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Khi đó, tay vợt sinh năm 1994 tiết lộ rằng bản thân rất yêu quê cha và mong muốn một ngày nào đó thi đấu cho tuyển quần vợt Việt Nam tại SEA Games. Và đến thời điểm hiện tại, ước nguyện của Chanelle Vân Nguyễn và Thái Sơn Kwiatkowski đã trở thành sự thật, cả hai đang có cơ hội cống hiến cho quần vợt Việt Nam. Có Thái Sơn Kwiatkowski, tuyển quần vợt nam Việt Nam như “hổ mọc thêm cánh”. Không những có đẳng cấp tốt nhất Việt Nam mà Thái Sơn Kwiatkowski còn là tay vợt nam có thứ hạng cao nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh các tay vợt hàng đầu như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Nguyễn Văn Phương hay Lê Quốc Khánh, quần vợt Việt Nam đang hướng đến thành tích cao nhất tại SEA Games 31 ở các nội dung: Đơn nam, đôi nam, đồng đội nam. Với các nội dung của nữ, dù các tay vợt Việt Nam xưa nay không được đánh giá cao nhưng với sự hiện diện của Chanelle Vân Nguyễn, tuyển nữ Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đạt thành tích cao hơn.

Tạo dựng vị thế mới

Với mục tiêu hướng đến các giải quốc tế như Davis Cup (đồng đội nam thế giới) và Fed Cup (đồng đội nữ thế giới), đặc biệt là đấu trường SEA Games, quần vợt Việt Nam trong những năm qua luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các tay vợt Việt kiều có mong muốn cống hiến cho quê nhà. Năm 2019, quần vợt Việt Nam đã nhập tịch thành công cho tay vợt người Mỹ Daniel Nguyễn (từng xếp hạng 189 thế giới). Cũng trong năm này, Daniel Nguyễn trở về Việt Nam thi đấu và giành được nhiều danh hiệu (trước đó anh cũng từng tham dự giải quần vợt quốc tế Vietnam Open). Sự xuất hiện của tay vợt sinh năm 1990 đã mang lại hiệu ứng mạnh mẽ cho các sân chơi trong nước. Ở mỗi giải đấu Daniel Nguyễn tham dự đều nhận được sự quan tâm của giới truyền thông và sự cổ vũ đông đảo từ người hâm mộ. Đến cuối năm 2019, Daniel Nguyễn khoác áo đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 30 tại Philippines, sau đó anh cùng Lý Hoàng Nam tạo nên trận chung kết đơn nam nội bộ của quần vợt Việt Nam. Dù Daniel Nguyễn chỉ giành HCB khi thua ở chung kết nhưng sau đó Lý Hoàng Nam thừa nhận rằng, chính sự góp mặt của người đàn anh tại giải đã giúp anh có nhiều động lực và tự tin thi đấu hơn.

Quần vợt Việt Nam trong những năm qua không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tích đáng kể trên đấu trường quốc tế. Sau 58 năm ròng rã, quần vợt Việt Nam mới có lại được tấm HCV SEA Games khi Lý Hoàng Nam đăng quang trên đất Philippines vào 2 năm trước. Thành quả này có được ngoài nỗ lực của cá nhân Hoàng Nam thì phải kể đến hướng đi đúng đắn của quần vợt Việt Nam trong việc tổ chức các giải đấu và công tác đào tạo trẻ tại các địa phương. Bên cạnh 2 giải chính là giải VĐQG và các cây vợt xuất sắc toàn quốc, hệ thống thi đấu quần vợt chuyên nhiệp Việt Nam trong những năm gần đây tiếp tục nâng tầm thêm với 4 giải VTF Mester 500 được tổ chức hằng năm giúp các tay vợt có thêm sân chơi, thi đấu cọ sát nâng cao trình độ. Cùng với đó là các giải trẻ được tổ chức thường xuyên, các “lò” như Hưng Thịnh - TP.HCM, B.Bình Dương, Hải Đăng - Tây Ninh hay Quân đội không ngừng cho “ra đời” những tay vợt triển vọng, cung cấp cho các đội tuyển trẻ quốc gia. Những yếu tố trên, cùng việc tạo điều kiện cho các tay vợt Việt kiều về nước thi đấu, Việt Nam đang có hướng đi đúng đắn trong việc phát triển quần vợt phong trào lẫn thành tích cao. Đó cũng là cơ sở vững chắc để tin về một tương lai tươi sáng của quần vợt nước nhà. 

VĨNH HY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top