Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Cháy” hết mình giữ hồn xưa, dấu cũ

Thứ Hai 01/03/2021 | 09:30 GMT+7

VHO-  “Âm nhạc dân tộc giống như một đống rơm đang âm ỉ, chỉ cần một hơi thở nhẹ cũng sẽ bùng cháy lên và ngược lại nếu bỏ mặc thì rồi cũng sẽ lụi tàn”, thấu hiểu được điều đó, NSƯT Tuyết Mai đã âm thầm trong hành trình quyết giữ “lửa” cho âm nhạc truyền thống theo cách của riêng mình.

Khách nước ngoài thích thú với nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật nên niềm đam mê âm nhạc dân tộc đã hình thành trong nghệ sĩ Tuyết Mai từ rất sớm. Sau 45 năm bền bỉ với đam mê cháy bỏng của mình, NSƯT Tuyết Mai đã trọn vẹn với tình yêu âm nhạc, với những việc làm góp phần khơi dậy và truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là giới trẻ.

Nửa cuộc đời gắn bó với âm nhạc truyền thống

Năm 1988, kết thúc 13 năm học ở trường, nghệ sĩ Tuyết Mai được nhận vào công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Chị kết hôn với nghệ sĩ Đinh Linh, đồng nghiệp và cũng là đồng môn ở Nhạc viện. Năm 1992, hai vợ chồng Tuyết Mai - Đinh Linh chuyển vào TP.HCM công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen. Thế nhưng trong lòng chị vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, khi mà những buổi diễn ngày một thưa thớt khán giả, thậm chí nghệ sĩ còn nhiều hơn người xem, âm nhạc dân tộc rồi sẽ đi về đâu? Càng đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người thì chị càng nhận ra rằng, người Việt không phải không quan tâm âm nhạc truyền thống, chỉ là họ có quá ít cơ hội để tiếp xúc và tìm hiểu, thế thì làm sao mà thích, mà yêu, mà gắn bó được. Thế rồi, “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai” ra đời và mang theo niềm hy vọng của người phụ nữ dành trọn cuộc đời cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Thay vì “đi nhanh” để đến đích, chị chọn cái cách “chậm” mà “chắc”. Chị biết, nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chưa biết tên gọi và lịch sử của các loại nhạc cụ dân tộc, không phân biệt được những làn điệu dân ca của các vùng miền. Vì vậy, năm 2009, chị đã mở khóa học đầu tiên với cái đích chính là xây dựng nên một thế hệ khán giả có nền tảng kiến thức về nhạc dân tộc. Chị nghĩ, chỉ khi khán giả biết một cách rõ ràng về những gì mình nghe thì họ mới yêu nó lâu dài được. “Lớp học của tôi giống chuyện mai mối vậy. Nếu thích, họ sẽ đi chặng đường dài với nó, còn không chỉ dừng lại ở biết thôi, như thế cũng đủ để tôi đạt được mục đích của mình là giúp công chúng biết gọi tên chính xác, hiểu nguồn gốc xuất xứ của những nhạc cụ cơ bản”, nghệ sĩ Tuyết Mai bày tỏ.

Con số 13 chính là khoảng thời gian mà lớp học về nhạc cụ dân tộc của NSƯT Tuyết Mai tồn tại và đến nay số học viên cứ tăng dần qua mỗi khóa, cho thấy một tín hiệu tích cực từ hướng đi của chị. Tiếng lành bay xa, học viên tìm đến lớp học miễn phí của chị ngày một đông hơn, đó là những em nhỏ chỉ mới bước chân vào lớp 1, những cô cậu sinh viên tuổi đôi mươi, thậm chí có cả các cụ già đã chạm ngõ 80… Năm vừa rồi, khóa học đã có đến hơn 200 học viên, một con số khiến nữ nghệ sĩ vỡ òa vì hạnh phúc.

 Học viên dường như bị hút hồn khi đến với “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai”

Khơi dậy những “ngọn lửa” đam mê

Hành trình quảng bá âm nhạc dân tộc đã mang lại cho nữ nghệ sĩ nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Nhất là ở những buổi bế giảng, nhìn ánh mắt các học viên khi chơi được loại nhạc cụ yêu thích, chị thấy thật ấm lòng. Vui hơn là nhiều người bày tỏ ý muốn trở lại để được học thêm bộ môn khác vào khóa học sau. Mỗi lần học viên phấn khởi “cô ơi con hiểu rồi”, “cô ơi con làm được rồi”, “con cảm ơn cô nhiều”… là chị như được tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc chị phải đi tiếp “con đường” này. Số lượng học viên là con số biết nói để Tuyết Mai nhận thấy mọi người không hề quay lưng với âm nhạc dân tộc. Nữ nghệ sĩ như nghẹn lại kể về một kỷ niệm đáng nhớ: “Có một hôm, mình trễ tầm 10 phút và cứ nghĩ chắc học viên cũng không đợi mình đâu. Nhưng về đến nhà, các em đứng xếp hàng đợi mình giữa trưa nắng với những ánh mắt mong chờ. Mình rất xúc động vì tình cảm mà các em dành cho lớp học và từ đó về sau, mình không bao giờ để cho các em phải đợi nữa.”

Có những học viên khiến nữ nghệ sĩ phải nhớ mãi khi nhắc về họ. Đó là năm 2010, chị bắt đầu khóa thứ 2, một bác thương binh đã tìm đến lớp học, có những hôm chị thấy bác cứ nhìn chị chăm chăm và dường như không hiểu, khi hỏi thì mới vỡ lẽ vì những biến chứng thời chiến tranh mà tai của bác không nghe được rõ. Thế rồi chị và bác đã có một “giao kèo”, “nếu bác không hiểu thì giơ 2 ngón tay con sẽ nói lại” và bác chăm chỉ đến lớp, không bỏ một buổi nào dù cho trời mưa gió. Điều này đủ để thấy sức hấp dẫn của lớp học về âm nhạc truyền thống của Tuyết Mai. Lại có cụ bà 75 tuổi ở tận Nhà Bè, đến lớp phải đi 2 chuyến xe buýt và 1 chuyến xe ôm, thế nhưng bà cũng chẳng vắng một buổi nào. Có một hôm bà tâm sự: “Tôi yêu cây đàn tranh lắm, nhờ cô mà tôi mới được thỏa lòng, giờ có chết tôi cũng mãn nguyện”. Rồi có những bạn đến lớp chỉ với con số 0, nhưng qua 8 buổi học đã có thể chơi nhiều bản nhạc trên nhiều loại nhạc cụ khác nhau một cách thuần thục. Khi sau khóa học của chị, một số bạn đã có động lực để thi vào Nhạc viện TP.HCM và giờ đã trở thành một nghệ sĩ thực thụ. “Đó sẽ là những người kế thừa, tiếp tục nhiệm vụ gìn giữ âm nhạc truyền thống sau mình”, Tuyết Mai chia sẻ.

Không chỉ đào tạo, giảng dạy, “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai” thường xuyên đón những đoàn khách du lịch nước ngoài, với điểm mạnh là duy trì được ba thế hệ biểu diễn sáo trúc, không sân khấu, không có phương tiện hỗ trợ âm thanh, những gì thật nhất, gần gũi nhất sẽ chạm đến từng người xem. Ý tưởng này xuất phát từ những người bạn nước Nhật khi đến Việt Nam, họ không tìm ra những điểm biểu diễn âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp, thế là họ tìm gặp Tuyết Mai. Lúc đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản là nhà mình có gì thì làm nấy và chiêu đãi mọi người bằng những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Thế rồi, những người bạn Nhật thốt lên: “Cần gì phải đi đâu nữa, tìm kiếm đâu nữa khi đây chính là một điểm đến tuyệt vời để thưởng thức âm nhạc Việt Nam” và từ đó đến nay, “Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai” đã đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan.

Theo NSƯT Tuyết Mai, âm nhạc dân tộc là một kho tàng đồ sộ, mỗi làn điệu, mỗi nhạc cụ lại mang một thông điệp, một tâm tư, đó là khát vọng, là tình cảm cổ vũ tinh thần mọi người trong lao động, giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông ta từ xưa, hơn nữa còn là những sáng tạo tuyệt vời mà không phải đất nước nào cũng có được. Việc mang cái hay, cái đẹp đến với bạn bè quốc tế là một cách để quảng bá văn hóa Việt, cách để khẳng định chủ quyền, khẳng định sức mạnh của đất nước hình chữ S xinh đẹp. Được sống và “cháy” hết mình với đam mê và càng đặc biệt hơn nữa, khi NSƯT Tuyết Mai đã góp phần giữ “lửa”, khơi dậy và truyền cảm hứng - tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ hôm nay. Hành trình 13 năm, không quá dài cũng không quá ngắn, nhưng đủ để chị xây dựng nên một thế hệ khán giả có nền tảng kiến thức về nhạc dân tộc và con số ấy sẽ không dừng lại mà tiếp tục tăng lên. 

 HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top