Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đưa Hoàng thành Thăng Long thành Công viên di sản

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:33 GMT+7

VHO- Tại buổi làm việc mới đây giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các Sở, ngành liên quan về tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện, nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, lịch sử đã trao đổi, thảo luận làm rõ và đề xuất những phương án, giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn hai di sản quan trọng do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện.

 Bậc thềm rồng Điện Kính Thiên

Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện những giải pháp tầm nhìn đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành Công viên di sản.

Phát huy giá trị những di sản quý của Hà Nội

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO công nhận Di sản thế giới vào tháng 8.2010, với tổng diện tích 18,35 ha. Khu di tích Cổ Loa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 với diện tích 860,4 ha.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ khi được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đến nay thành phố đã thực hiện 7/8 cam kết với UNESCO; còn một nội dung là nhất thể hóa quản lý đang tiếp tục thực hiện. Từ trước năm 2020, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu theo quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt. Trung tâm đã và đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 dự án. Trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây; Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (hoàn thành năm 2017); Dự án bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (dự án tổng thể); Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2015-2020 có 14 dự án liên quan đến hai di tích trên, nhưng mới hoàn thành được hai dự án. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa du lịch. Theo Bí thư Vương Đình Huệ, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là những di sản quý của Hà Nội, cần phát huy giá trị kép của các khu di sản, vừa bảo tồn gắn với phát triển du lịch; đặc biệt là thực hiện tầm nhìn để Hoàng thành Thăng Long trở thành Công viên di sản. Ông nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội mong muốn 5 năm tới phải tạo bước chuyển căn bản, hoàn tất các cam kết với UNESCO và thực hiện các dự án gắn với tầm nhìn đó. Như vậy, 5 năm tới làm gì để đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành Công viên di sản xứng đáng với giá trị toàn cầu nổi trội?

Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa, lịch sử đã trao đổi, thảo luận làm rõ và đề xuất những phương án, giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn hai di sản quan trọng trên. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trên thế giới hiếm có một công trình di sản nào có chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục qua 13 thế kỷ như Hoàng thành Thăng Long. Có nhiều di tích, di chỉ đã được phát hiện trong quá trình khai quật, phải dựa vào đó để bảo vệ, phát huy giá trị. Liên quan đến các dự án tại Hoàng Thành còn triển khai chậm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng cần có cơ chế để Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện những công việc quan trọng. Bên cạnh đó, Khu 18 Hoàng diệu cần sớm tiến hành việc bàn giao các di vật, đánh giá và phân loại, xây dựng dự án trưng bày tại chỗ.

“Việc phục dựng Điện Kính Thiên, Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã có cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Hà Nội, đánh giá đây là việc làm cần thiết, là công trình kiến trúc quan trọng, tuy nhiên cần chia ra dự án nghiên cứu khôi phục rồi đến dự án phục dựng…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.

 Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại cuộc họp

Tập trung vào những dự án ưu tiên

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đối với Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, trước đây đã có 25 phương án thiết kế, trong đó có 2 phương án được trao giải Nhì. Hà Nội nên chọn một phương án và bổ sung thêm một số chi tiết để xây dựng “bảo tàng ngoài trời” tại 18 Hoàng Diệu, xứng tầm với các công trình kiến trúc xung quanh và thu hút khách du lịch.

Về dự án phục dựng Điện Kính Thiên, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên, nhưng trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. Thành phố nên vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành”. PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Các dự án như phục dựng điện Kính Thiên rất khó khăn, nhưng phải hành động ngay từ bây giờ”. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, hoàn toàn có cơ sở phục dựng lại điện Kính Thiên. Trên thế giới có những di tích còn không có cơ sở như chúng ta nhưng đã phục dựng thành công.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, các dự án phục dựng khu vực Hoàng thành Thăng Long thời gian qua còn tản mạn và chậm tiến độ. Ông đề nghị Thường trực Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào hai dự án quan trọng nhất là Nhà trưng bày, bảo quản hiện vật 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên. Nhiều ý kiến khẳng định việc thống nhất quản lý Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là yêu cầu cao nhất của UNESCO. Vì thế, vấn đề quan trọng hiện nay là phải thực hiện bàn giao đất đai của các đơn vị, cá nhân liên quan. Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhìn nhận, Hà Nội là nơi thực hiện rất nghiêm túc các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy các di sản thế giới. UNESCO sẵn sàng huy động các nguồn lực quốc tế để giúp Hà Nội bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Ông cũng đề nghị Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như Điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị toàn cầu của di sản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác nhất thể hóa quản lý và bàn giao Khu Hoàng thành Thăng Long cần được đẩy nhanh tiến độ. Về mặt bằng khu di sản đã cơ bản xong, hiện còn khu vực trạm kinh doanh xăng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương và Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND TP, các Sở, ngành phối hợp cùng Bộ Quốc phòng đẩy nhanh thực hiện dự án mới. Với việc bàn giao các hiện vật cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sớm bàn giao để Trung tâm được tiếp cận, nghiên cứu sớm.

Về việc thực hiện các dự án tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương, trình Thường trực Thành ủy phê duyệt; nghiên cứu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản; ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng và thực hiện hiệu quả hơn công trình giáo dục di sản; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa quy mô quốc gia, khu vực, các sự kiện có sự phối hợp quốc tế để tăng giá trị kinh tế tại các khu di sản.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Hoàng thành Thăng Long do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đứng đầu; tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội; tăng cường quan hệ quốc tế để bảo tồn, phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long…

 MINH PHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top