Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Biến đổi về cấu trúc và chức năng các gia đình Việt ngày càng sâu sắc

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:28 GMT+7

VHO- Đó là một trong các nhận định của PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM khi nghiên cứu về xu hướng phát triển của các gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định, nhưng sự đùm bọc, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cửu

Theo bà Đỗ Ngọc Anh, xu hướng phát triển của các gia đình Việt Nam hiện nay chính là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức sẽ diễn ra ngày càng sâu sắc theo hướng bảo vệ quyền con người, hòa nhập vào môi trường quốc tế thông qua giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa.

“Mô hình gia đình hạt nhân là xu hướng chính của thực trạng phát triển gia đình Việt Nam, mô hình này phát triển vượt trội so với các mô hình gia đình khác. Cơ chế vận hành của mô hình gia đình hạt nhân linh hoạt, gọn nhẹ do sự ràng buộc giữa các mối quan hệ huyết thống trong gia đình khá đơn giản. Các thành viên trong gia đình hạt nhân có nhiều “không gian riêng” hơn để thể hiện, phát huy những cá tính, sở thích cá nhân”, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh cho hay và cũng nói rằng, mô hình gia đình hạt nhân đồng thời cũng tồn tại một số mặt tiêu cực, đó là tình cảm, mức độ tương tác giữa các thành viên trong gia đình không cao, khả năng hỗ trợ, giúp đỡ giữa các thế hệ trong cùng gia đình hạn chế và việc trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở VHTT TP.HCM, hiện nay gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống đã giảm dần theo thời gian… Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP.HCM), tâm tư “Dù xã hội có phát triển không ngừng, thì các chức năng cơ bản của gia đình từ xưa đến nay vẫn là chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm và chức năng giáo dục. Trải qua thời gian, các chức năng cơ bản này có sự thay đổi và thích ứng với từng thời kỳ của xã hội. Các chức năng cơ bản của gia đình hiện đại cũng mang màu sắc mới, có yếu tố mờ đi, có yếu tố trội lên”. Đối với gia đình truyền thống, chức năng sinh sản là chức năng đầu tiên và quan trọng nhất, tuy nhiên, hiện nay tại TP.HCM, chức năng này không phải quan trọng nhất, thực tế cho thấy ở địa phương này, mức sinh giảm nghiêm trọng ở các cặp vợ chồng. Nguyên nhân của vấn đề này do áp lực của cuộc sống công nghiệp, công việc, kinh tế gia đình… làm xuất hiện xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. Chính vì vậy có thể nói, chức năng kinh tế đang đóng vai trò quan trọng trong các gia đình hiện đại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín. Để có được nguồn thu nhập nuôi sống gia đình, do hoàn cảnh nên nhiều người phải rời tổ ấm của mình để tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp… Họ không những không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con nhỏ mà bản thân cũng gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro khi sống xa gia đình. Trong điều kiện đó, cùng với sự phai nhạt tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên thất thường, lỏng lẻo thì các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình, trong đó đối tượng là trẻ em rất dễ bị tổn thương. Đây là sự chuyển đổi tất yếu vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em giai đoạn chuyển đổi hiện nay. Từ đó, có thể nhận thấy và dự báo trước những hậu quả không mong đợi và sẽ để lại nhiều khiếm khuyết trong nhân cách của thế hệ tương lai.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh cho rằng, tính liên tục và biến đổi của văn hóa gia đình và sự phát triển các đặc điểm nhân cách của người Việt Nam, đòi hỏi sự phát triển của hệ thống giá trị văn hóa gia đình phải tích hợp các giá trị văn hóa, truyền thống và hiện đại để hình thành những chuẩn mực phù hợp với lối sống của gia đình hiện đại.

Nêu ý kiến về xây dựng gia đình hạnh phúc, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nói rằng, dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định, nhưng sự đùm bọc, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cửu, vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp có sức sống lâu bền. Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa, cộng đồng từ gia đình… vẫn là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam, phải được gìn giữ và phát huy.

 KIỀU GIANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top