Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nhiều hướng đi cho ngành du lịch

Thứ Hai 22/02/2021 | 10:45 GMT+7

VHO- 2020 là năm hoạt động du lịch và đi lại trên toàn cầu bị đình trệ bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

 Các nước kỳ vọng, hoạt động du lịch sẽ dần trở nên thuận lợi hơn trong năm 2021 Ảnh: AP

Do đó, để vực dậy ngành du lịch trong năm 2021, cùng với việc các loại vắcxin Covid-19 đang được triển khai tiêm tại nhiều nước là những sáng kiến sáng tạo mới và hy vọng hoạt động du lịch sẽ dần trở nên thuận lợi hơn trong năm 2021.

Dần khôi phục bong bóng du lịch

Đi lại không cần kiểm dịch hay còn gọi là “bong bóng du lịch” giữa Australia và New Zealand đã bắt đầu được nối lại, sau gần một tháng ngưng trệ. Tuy nhiên, theo quyết định mới nhất của Australia, không phải tất cả mọi người dân đến từ New Zealand đều được tự do nhập cảnh nước này. Theo đó, những người đến từ Auckland, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất tại New Zealand, hoặc từng đi qua thành phố này trong 2 tuần trước khi sang Australia sẽ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cho biết, du khách đến từ New Zealand hiện ít có nguy cơ mang Covid-19 vào Australia. Giáo sư Kelly nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại New Zealand và sẽ hành động nhanh chóng khi hoàn cảnh thay đổi để bảo vệ người dân Australia. Đồng thời, tại thời điểm hiện tại, “bong bóng du lịch” chỉ áp dụng đối với người New Zealand nhập cảnh Australia và không áp dụng cho chuyến đi theo chiều ngược lại. Quyết định mới của Australia được đưa ra vào đúng ngày New Zealand khởi động chiến dịch tiêm vắcxin ngừa bệnh Covid-19 cho toàn dân. Trong khi đó, Australia cũng bắt đầu chương trình tiêm chủng vắcxin ngăn chặn đại dịch toàn cầu bắt đầu từ ngày 22.2.

Sau khi số liệu các ca nhiễm mới ở Hồng Kông (Trung Quốc) có phần giảm xuống, chính quyền Hồng Kông đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, hầu hết các địa điểm công cộng tại Hồng Kông được phép mở lại nhưng bị giới hạn một nửa công suất, đồng thời phải thực hiện kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khách đeo khẩu trang bắt buộc. Theo quy định mới của chính quyền Hồng Kông, khách tới các công viên giải trí theo chủ đề, nhà hàng và hầu hết các điểm công cộng được yêu cầu để lại thông tin y tế để có thể truy vết nếu dịch bệnh bùng phát. Nhân viên làm việc tại các khu vực này phải làm xét nghiệm Covid-19 hai tuần một lần. Cụ thể, công viên giải trí theo chủ đề Disneyland tại Đặc khu hành chính Hồng Kông đã mở cửa trở lại sau khi chính quyền Đặc khu hành chính này dỡ bỏ một phần các biện pháp giãn cách xã hội. Theo kênh truyền thông địa phương Cable TV đưa tin trong ngày mở cửa đầu tiên, có khoảng 100 người xếp hàng đợi để được vào khu giải trí. Bởi trong lần mở cửa này, công viên chỉ bán vé cho những du khách đặt chỗ trước và trong tuần công viên nghỉ hoạt động ngày thứ ba và thứ năm.

Chính quyền Hồng Kông cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vắcxin Covid-19 là CoronaVac của công ty sinh phẩm Sinovac và vắcxin của Pfizer-BioNTech và sẽ sớm tiêm cho toàn dân trên diện rộng.

Muôn kiểu phục hồi

Phục hồi ngành du lịch sau đại dịch đang là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phục hồi toàn bộ nền kinh tế của Thái Lan. Vì thế, Cơ quan Quản lý du lịch Thái Lan (TAT) muốn tiên phong trong chào đón khách du lịch sử dụng tiền ảo, trong đó du khách Nhật Bản là mục tiêu trong giai đoạn thứ nhất. Theo đó, cơ quan quản lý du lịch của Thái Lan đã lên kế hoạch nhắm đến các khách hàng tiềm năng có khả năng chi tiêu lớn. Theo Dalia Research, trong năm 2018, 11% du khách Nhật Bản sử dụng tiền ảo, cao hơn mức trung bình 7% của thế giới, tiếp đó là Đức và Mỹ với 9% du khách sử dụng các đồng tiền mã hoá.

Trong khi đó, Ấn Độ sẽ bắt đầu cấp visa chữa bệnh và visa du lịch điện tử trong thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bước đầu được kiềm chế tại nước này. Bước đi này nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch y tế tại Ấn Độ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Theo Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, nước này có lợi thế là cơ sở hạ tầng y tế và đội ngũ y bác sỹ có kinh nghiệm, tay nghề. Ngoài ra, Ấn Độ còn được coi là nơi sản xuất thuốc lớn nhất thế giới, với khả năng cung cấp các loại vắcxin cho thế giới. Do đó, nước này đang nổi lên là điểm đến cho phân khúc du lịch kết hợp chữa bệnh. Chính phủ Ấn Độ tự tin việc triển khai thị thực (visa) chữa bệnh, cũng như khởi động lại visa du lịch điện tử và nối lại các đường bay quốc tế sẽ giúp thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển.

Trong vòng 1 thập kỷ qua, du lịch kết hợp chữa bệnh ngày càng phát triển tại Ấn Độ. Nước này đứng vị trí thứ 5 trong số 41 điểm đến trên thế giới xét trên khía cạnh này. Du lịch chữa bệnh tại Ấn Độ tăng trưởng 22 - 25% và được dự báo đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nếu chiến dịch tiêm chủng vắcxin Covid-19 đạt được tiến độ đề ra, Ấn Độ có thể sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này và mở cửa trở lại ngành du lịch. 

 THỊNH QUANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top