Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xem Đêm trắng, nghĩ về niềm tin của nhân dân với Đảng và Bác Hồ

Thứ Bảy 16/01/2021 | 08:28 GMT+7

VHO-Tối 15.1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở kịch Đêm trắng, công trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đến dự và cổ vũ các nghệ sĩ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Đêm trắng từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng nhiều năm về trước và đã đạt được thành công vang dội. Đến nay, tân Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc đã dựng lại với một góc nhìn và một cách làm mới cũng đã mang lại những cảm xúc vô cùng đẹp, xúc động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho các nghệ sĩ trước giờ biểu diễn

Đêm trắng vẫn nguyên vẹn tính thời sự

Đây là vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Hà. Nhà soạn kịch Lưu Quang Hà đã viết Ðêm trắng dựa trên một câu chuyện có thật trong những năm toàn dân và toàn quân ta dồn hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp vào những năm 1950. Sau bao nhiêu năm, Đêm trắng lại được hồi sinh và khi xem, khán giả vẫn cảm nhận được sức nóng, thời sự từ một vụ án mà đích thân Bác Hồ, Chủ tịch nước xem xét xử án tử hình một vị đại tá – cán bộ có chức vụ cao trong quân đội. Trong lúc từ Chủ tịch nước đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo bỏ vào hũ gạo tiết kiệm cho kháng chiến, thì đại tá Hoàng Trọng Vinh lại tham nhũng để ăn chơi sa đọa. với rượu vang, hoa, âm nhạc… lấy máu của chiến sĩ để phục vụ những lạc thú của mình. Ông ta là một quân nhân đã đón ca sĩ trong nội thành ra vùng kháng chiến “chơi bời”, bắt chiến sĩ về tận làng hoa Ngọc Hà lấy hoa lên làm tiệc cưới, mua cốc pha lê Tiệp về đập phá… Hoàng Trọng Vinh còn luôn tìm cách nịnh, đút lót các cấp trên có chức, có quyền để bao che, ô dù cho y thực hiện những mục đích cá nhân… Không chỉ các chiến sĩ phải hy sinh xương máu mà ngay cả Trung đội trưởng Hoàng Trọng Dũng - em ruột Vinh, là người chiến sĩ dũng cảm trung thực cũng phải hy sinh vì vụ án Hoàng Trọng Vinh - anh trai mình.

Sự thoái hoá biến chất đạo đức của một bộ phận cán bộ được miêu tả đậm nét trong Đêm trắng

Hành động của Hoàng Trọng Vinh như một thách thức công lý, với sinh hoạt của người dân ở thời kỳ đó. Một đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu có hành động tham ô, bợ đỡ cấp trên, chèn ép cấp dưới, lợi dụng chức quyền sống đế vương như Hoàng Trọng Vinh làm mất lòng tin của chiến sĩ, nhân dân… Bác Hồ đã rất đau lòng về sự suy thoái biến chất đạo đức và lối sống của một số cán bộ đảng viên. Bác Hồ đã có nhiều đêm trắng để xử vụ đại án tham nhũng này, án tử hình đã được đưa ra cương quyết và đầy đau đớn đối với kẻ phản bội cuộc cách mạng của nhân dân.

Dựng về Bác với tất cả tấm lòng…
“Tôi dựng hình tượng Bác Hồ theo cách hiểu cũng như tình cảm yêu quý của tôi về Bác. Những câu chuyện ứng xử của Bác với người dân, với chiến sĩ luôn toát lên sự chân thành, dung dị và ấm áp. Và tôi đi sâu vào khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thật giản dị nhất”, đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ. Quả thực, trong vở kịch có nhiều tình tiết về Bác Hồ được đạo diễn xử lý rất xúc động như cảnh Bác nhường lại chiếc áo cho người chiến sĩ bị sốt rét nhưng khi Bác về người chiến sĩ ấy lại canh cánh lo lắng khi chưa kịp trả áo, Bác đi đường xa bị lạnh. Hay như cảnh Bác chia sẻ những nặng nhọc, những trăn trở của cô cấp dưỡng không đủ chất để nuôi quân tốt. Hoặc như cái cách Bác tát yêu Trung đội trưởng Dũng để nhắc nhở sự nóng tính của anh đối với chiến sĩ của mình. Có những cảnh diễn đậm đặc tính chính kịch nổi trội như cảnh Bác đối thoại với đại tá Hoàng Trọng Vinh, người mà chính tay bác ký đề bạt và rồi Bác lại phải ký án tử hình. Một người chiến sĩ, một đảng viên lâu năm, một cán bộ cấp cao kể cả khi mắc tội lỗi thì cũng đừng quỳ gối… Chỉ một câu nói của Bác: “Đừng quỳ gối làm Bác đau lòng” cũng đã thấy nỗi đau của người lãnh đạo trước sai phạm của cấp dưới. Đặc biệt ở cảnh cuối hình ảnh Bác Hồ đứng giữa các cán bộ, chiến sĩ hiện lên vô cùng xúc động, có thể thấy được tình yêu, niềm tin son sắt với Đảng, với Bác Hồ trong những ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nô nức thi đua lao động sản xuất, học tập, rèn luyện và công tác lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hình tượng Bác Hồ được thể hiện vô cùng xúc động trên sân khấu

Đã từng dàn dựng Đêm trắng, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, cố vấn vở diễn cho biết ông rất ủng hộ cái cách làm của đạo diễn, NSƯT xuân Bắc. Ông cho rằng Xuân Bắc đã có cách làm mới về Đêm trắng theo cách nhìn của người trẻ hôm nay, chính vì vậy vẫn là chuyện cũ nhưng được đạo diễn đẩy nhanh hơn về tiết tấu. Kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ là một thời lượng dài so với một vở kịch thông thường nhưng vở diễn vẫn giữ chân được khán giả bên cạnh tính chính kịch nổi trội thì đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc với ưu thế của một diễn viên hài đã  đưa một loạt những tình tiết hài hước đan cài suốt vở kịch, bên cạnh những câu chuyện ác liệt của thời chiến gian khổ. Nhờ thế, khán giả liên tục được cười ồ khi xem một vở kịch về kháng chiến, cách mạng mà thông thường là nghiêm túc, nặng nề. Dùng cái cười đậm đặc trong một vở kịch lịch sử về một phiên tòa nhiều giằng xé có thể là một lựa chọn thông minh của đạo diễn. Vở kịch thành công trong sự hài hoà giữa bi và hài, giữa ác liệt và lãng mạn, giữa cái cười sảng khoái và những phút lặng người xúc động.

Vở diễn được sự đón nhận nồng nàn từ các đại biểu và khán giả

Chia sẻ với Văn Hoá, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Bí thư Đảng uỷ Bộ VHTTDL cho biết, vở kịch rất dễ hiểu và qua vở diễn, mỗi người xem đều có thể cảm nhận rất rõ về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc hiện lên như một tấm gương sáng trong sự liêm khiết, công minh, công bằng. Những xử lý của Bác Hồ rất tình cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc, thấu tình đạt lý. Thông qua câu chuyện đều thấy rằng tham nhũng và những việc đi ngược lại tinh thần cách mạng không thể tồn tại. “Trong vở kịch Đêm trắng có thể thấy rõ sự sa ngã của một cán bộ cấp cao. Sự sa ngã liên tiếp bị leo thang cho đến khi buộc phải dừng lại vì có sự can thiệp kịp thời. Trên thực tế trong mảng sáng của cách mạng thì ở đâu đó vẫn có những mảng tối mà chúng ta nếu không đấu tranh và loại trừ thì mảng tối đó sẽ làm mất đi lòng tin, niềm tin của người dân đối với cách mạng. Tôi đánh giá cao Đêm trắng khi vở diễn ra đời đúng vào thời điểm cả nước hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII”.

THUÝ HIỀN; ảnh : ĐỨC ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top