Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Gameshow trẻ em:Tìm kiếm tài năng hay ăn theo?

Thứ Hai 04/01/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Thời gian qua, Rap Kids Vietnam vấp phải nhiều tranh cãi khi dư luận cho rằng cuộc thi không phù hợp với con trẻ. Điều này không phải là vô cớ, khi những gameshow dành cho trẻ em trước đây vốn đã bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên, bất chấp mọi ý kiến trái chiều, vừa qua, chương trình đã ra mắt tập đầu tiên.

 Các thí sinh của Rap Kids Vietnam đã gây tranh cãi ngay từ vòng casting

 Ngay sau khi phát sóng, công chúng tiếp tục chỉ trích, thậm chí kêu gọi tẩy chay cuộc thi, bởi lẽ từ giám khảo, sự đầu tư sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến chất lượng các tiết mục đều không nhận được sự đồng tình của đông đảo người xem, điều đó thể hiện ở con số 13.000 dislike (không thích), cao áp đảo so với số like (thích) là 1.500.

Liệu rap có dành cho trẻ?

Hầu hết khán giả cho rằng các thí sinh trong tập 1 kỹ năng rap kém, không tiết tấu, không nhịp, thậm chí còn như đang đọc thuộc lòng. Tuy nhiên, 2 giám khảo của chương trình là Cee Jay và Gemma lại hết lời khen ngợi mà không đưa ra những ý kiến đóng góp về chuyên môn rap cho thí sinh, khiến khán giả càng thất vọng hơn nữa. Thí sinh đầu tiên, Đỗ Diễm Sương đã biểu diễn tiết mục Kiều kết hợp chơi đàn tranh, mặc dù có ý tưởng sáng tạo nhưng cô bé nhiều lần mắc lỗi, off beat, biểu cảm lo lắng, thiếu tự tin. Thế nhưng giám khảo Cee Jay liên tục khen ngợi đây là phần thi “rất tuyệt vời”, “rất nhớ lời”, “con tỏa sáng hơn cả thầy”... Ngay sau đó, Gemma cũng đưa ra nhận xét tương tự.

Đặc biệt, sau tập đầu tiên, phần thi Nói dối như Cuội của thí sinh Tuấn Phong gây tranh cãi trên mạng xã hội. Công chúng nhận xét ca từ của phần thi không phù hợp với một thí sinh 5 tuổi. Cụ thể, trong bài có câu: “Không cha, không mẹ, không làm, ham chơi. Lừa ông quan huyện ra trước cửa, thế là có tiền để vui thôi”, “Về đến nhà lừa chú thím, đi ra đường lừa anh em”, “Nhưng mà gian dối thì có chừa được đâu, thế là Cuội nghĩ thêm trò để troll”… BTC cũng gây khó hiểu khi MC của chương trình là người nước ngoài, nói tiếng Việt bập bẹ, luôn phải đọc theo kịch bản và thường xuyên chen lẫn những câu tiếng Anh. Chưa kể, hiệu ứng ánh sáng và âm thanh trong chương trình cũng bị đánh giá rất tệ. Đến đây, nhiều người cho rằng cuộc thi thực sự không phải là “tìm kiếm tài năng rap” trong thế hệ thiếu nhi Việt Nam, mà là “ăn theo” sự nổi tiếng của các chương trình rap dành cho người lớn để thu lợi nhuận.

Thực tế, các chương trình rap đang nổi đình nổi đám hiện nay có không ít khán giả là thiếu nhi, thiếu niên. Cũng không thể phủ nhận tài năng của nhiều rapper khi có sự nhạy bén trong tư duy âm nhạc, sự phong phú về ngôn ngữ và khả năng ứng biến, tính sáng tạo cao. Nhưng bên cạnh đó, rapper Việt vẫn còn tồn tại những mảng tối, đó là những xu hướng tục, bậy trong ngôn ngữ rap, là sự “phóng túng” trong lối sống... Chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh cũng lo ngại việc trẻ em phải sớm tiếp xúc với những mặt trái của rap, tuy nhiên, cũng có một số rapper thì cho rằng nên để các em thử sức để phát hiện tài năng, khuyến khích tư duy âm nhạc....

Cố ép chín để gặt non

Một hiện tượng khá phổ biến là khi một chương trình dành cho người lớn tạo dấu ấn, phía nhà sản xuất sẽ bắt tay thực hiện những format tương tự dành cho trẻ em. Nếu trước đây, các chương trình Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí... thay nhau chiếm sóng giờ vàng thì gần đây, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi dần mở rộng phạm vi khai thác: Từ tập trung vào các chương trình thi ca hát, thời trang, người mẫu, trí tuệ đến talkshow chia sẻ, gameshow trải nghiệm thực tế… Bên cạnh việc phát hiện ra nhiều tài năng, nhân tố mới thì những bất cập vẫn luôn hiện hữu khi nhiều nhà sản xuất bất chấp tất cả để đặt lợi ích lên hàng đầu.

Chính vì thế, ngay khi nhạc rap “lên ngôi” nhờ sự xuất hiện của 2 chương trình đình đám là Rap Việt King of Rap thì phiên bản nhí ngay lập tức ra đời. Thế nhưng, vốn dĩ rap xuất thân từ đường phố, nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội; lời rap thường là đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính tác giả, điều mà trẻ em còn thiếu; người chơi rap phải tự sáng tác bài nhạc của mình, ít nhất là lời và flow (nhịp), nên điều này có lẽ đã quá tầm so với trẻ em.

Nhanh như chớp nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Vua đầu bếp nhí, Thách thức danh hài... các em được người lớn dẫn dắt để thể hiện tài năng của mình về ca nhạc, đấu trí,… điều này đã giúp khai phá được tài năng của các em ngay từ sớm. Thế nhưng nhiều chương trình đã đặt nặng chuyện thắng, thua, phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý non nớt của trẻ, vô hình trung tạo áp lực cho các em; hay nhiều khán giả tỏ ra không bằng lòng khi thấy các em ca những tình khúc bolero mùi mẫn chuyện yêu đương, thất tình hay thể hiện những bước nhảy điêu luyện với trang phục quá hở hang, gợi cảm, thậm chí là cách nói chuyện có phần “trả treo” với người lớn... làm mất đi sự hồn nhiên vốn có của con trẻ. Đó là chưa kể hầu hết chỉ dừng ở khuôn khổ cuộc thi, điều này dẫn đến hiện tượng nhiều em có tiềm năng, triển vọng nhưng không đủ điều kiện phát triển đã phải dừng lại hoặc đi sai con đường của mình. Mặt khác, hiện tượng “ép lúa chín non” như hiện nay sẽ khiến các tài năng nhí rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”, sao nhãng việc học tập để chạy theo “show diễn” và nhiều hơn nữa những hệ lụy đáng buồn khác.

Sân chơi cho trẻ em là cần thiết, để các em được thỏa sức khám phá và phơi bày những khả năng tiềm tàng của bản thân. Thế nhưng, làm sao cho đúng, sao cho phù hợp thì vẫn là điều mà nhiều nhà sản xuất bỏ ngỏ, khi mà họ chỉ mải mê “chạy” theo số “view”, “like” để thu lợi nhuận trước mắt.

 HỒNG HẠNH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top