Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tham vấn lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài: Cần quan tâm những vấn đề gì?

Thứ Tư 16/12/2020 | 10:42 GMT+7

VHO-  Áo dài xứng đáng được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng thuận. Sự tán thưởng này có được qua việc TƯ Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài”.

 

 Lễ hội áo dài “Hương sắc Tràng An” Ảnh: NGUYÊN CÚC

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa, di sản, các nghệ nhân, Sở VHTTDL, Hội LHPN các tỉnh, thành.

Định vị áo dài trên bản đồ di sản

Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ, những ngày cuối năm 2020 tiếp tục chứng kiến hàng loạt sự kiện tôn vinh áo dài truyền thống như cuộc thi thiết kế Tự hào Áo dài Việt “về đích”, lễ hội Áo dài Hương sắc Tràng An... Trong suốt năm 2020, nhiều hoạt động tôn vinh, định vị giá trị của Áo dài trên bản đồ di sản văn hóa Việt Nam cũng đã được tổ chức sôi nổi, nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.

Áo dài xứng đáng được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng thuận tại hội thảo “Tham vấn ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài”. Hội thảo cho biết, nhiều địa phương đang tích cực triển khai xây dựng hồ sơ vinh danh áo dài là di sản, đặc biệt là Huế. Bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, hội thảo nhằm đưa ra đề xuất để tiếp tục hành trình tôn vinh Áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý. “Hội thảo nhằm trả lời những câu hỏi: Lựa chọn những giá trị nào của áo dài để lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể? Những thủ tục, yêu cầu cùng các vấn đề đặt ra khi lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với trang phục áo dài? Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế áo dài trong đời sống xã hội. Do đó, áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể”, bà Hòa khẳng định.

 Bộ sưu tập áo dài lấy ý tưởng từ kiến trúc cung đình Huế

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, áo dài hiện diện khắp mọi nơi, dành cho mọi người, mọi lứa tuổi và trong các thời kỳ. Sự tồn tại của áo dài Việt cực kỳ đa dạng, đa sắc thái. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả. “Cần thiết phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và vai trò của cộng đồng như là “động lực chính của đa dạng văn hóa và là một sự đảm bảo cho phát triển bền vững. Chưa thấy một di sản nào tạo thành chuỗi sản phẩm như áo dài, từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải đến thiết kế, may mặc...”, PGS Đặng Văn Bài đánh giá. Ông kêu gọi Thừa Thiên Huế là địa phương tiên phong xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với áo dài: “Huế hội tụ đầy đủ những yếu tố để xây dựng thành công hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài. Các địa phương khác sau đó cũng sẽ thuận lợi hơn...”.

Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải khẳng định, áo dài là di sản vô giá của dân tộc, nếu không gìn giữ và có giải pháp quyết liệt để định vị di sản thì sẽ dễ bị mất thương hiệu, bởi đã có nhiều nhà thiết kế nước ngoài đang rất quan tâm đến vẻ đẹp của trang phục. Theo ông Hải, câu chuyện áo dài ở Thừa Thiên Huế đã được khởi xướng từ lâu và trở thành câu chuyện văn hóa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ông Phan Thanh Hải cũng nhận định, áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như áo dài phụ nữ lâu nay đã được nhận diện là trang phục truyền thống thì áo dài nam khá “thiệt thòi” khi bị đẩy vào một địa hạt chật chội. “Ở Huế đàn ông mặc áo dài rất nhiều. Bản thân tôi trong hành trang mỗi chuyến công tác nước ngoài đều luôn mang theo áo dài. Không có trang phục này mà chỉ “diện” đồ Âu, đối với tôi là một sự lạc lõng khi mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống với bạn bè quốc tế...”, ông Hải nói.

Để đưa áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo nhiều ý kiến cần tổ chức các hoạt động cụ thể, tham mưu chủ trương hưởng ứng các hoạt động liên quan đến áo dài như: thứ Hai đầu tuần mặc áo dài; sáng tác, hát ca khúc về áo dài; Hội LHPN các tỉnh, thành hưởng ứng, huy động lực lượng để tiếp tục có những hoạt động khẳng định áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể... Việc các giá trị của áo dài được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn là chính trị và kinh tế. Theo ông Hải, trước Covid-19, lượng khách đến Huế khoảng 5 triệu lượt mỗi năm, nếu ước tính chỉ 10% số du khách này mỗi người mua một bộ áo dài thì Huế đã có thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Con số này đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương.

 Đưa hình ảnh Áo dài VN ra thế giới của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận được nhiều khen ngợi

Các địa phương cần lưu ý những gì?

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, trong thời gian tới, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục vận động, đề xuất, tổ chức các hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh áo dài Việt, như: tổ chức thường xuyên Tuần lễ Áo dài dịp 8.3; trình diễn, đồng diễn áo dài tại một số tỉnh, thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị, vẻ đẹp của áo dài; vận động các tỉnh, thành hoàn thành Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến áo dài…

“Hội LHPN Việt Nam mong muốn được góp phần công sức để các giá trị của áo dài sẽ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là di sản văn hóa thế giới...”, bà Hòa nhấn mạnh. Hưởng ứng lời kêu gọi trở thành địa phương tiên phong, ông Phan Thanh Hải cho biết, Huế đang xúc tiến lập hồ sơ. “Hi vọng năm 2021 Huế sẽ trình hồ sơ lên Bộ VHTTDL và trở thành địa phương đầu tiên xây dựng thành công hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với áo dài.

 Một cuộc trình diễn áo dài - Ảnh: JUNI VŨ

Nhiều ý kiến khuyến nghị cần xác định rõ tên gọi và nhận diện giá trị di sản: chất liệu, kỹ thuật, chế tác, trang trí, tập quán sử dụng…; trong quá trình làm các thủ tục cũng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: trình diễn, hội thảo, cuộc thi liên quan đến áo dài. Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng Hoàng Thu Hương cho biết, từ chủ trương và mong muốn cần triển khai thành những hoạt động cụ thể. Tại Đà Nẵng, Hội LHPN tham mưu lãnh đạo thành phố về chủ trương này, thứ Hai đầu tuần và trong nhiều hoạt động quan trọng chị em đều mặc áo dài. Bên cạnh đó là những hoạt động như sáng tác, tập luyện các bài hát về áo dài... Bà Hương mong muốn, Bộ VHTTDL và TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp, có văn bản gửi các tỉnh, thành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai những hoạt động cụ thể trên hành trình tôn vinh áo dài.

Nội dung những thủ tục, yêu cầu cùng các vấn đề đặt ra khi lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với trang phục áo dài thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương. TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL) lưu ý, theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể, Áo dài không phải là di sản văn hóa phi vật thể. Nó là sản phẩm, đồ tạo tác liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới Áo dài là kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết, giá trị của nghề dệt vải, nghề cắt may,… để tạo ra chiếc áo. Đó còn là tập quán sử dụng áo dài. “Bởi vậy, việc xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần hướng tới nội dung này. Đó có thể là nghề cắt may Trạch Xá, nghề dệt Vạn Phúc (Hà Nội), nghề may áo dài ở Huế,… và ở nhiều nơi khác nữa. Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta mới nhận diện được nhiều thành tố tạo ra chiếc áo dài. Sẽ có nhiều di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới áo dài của nhiều cộng đồng, tỉnh, thành phố để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...”, TS Phạm Cao Quý nhấn mạnh. 

 Theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể, Áo dài không phải là di sản văn hóa phi vật thể. Nó là sản phẩm, đồ tạo tác liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới Áo dài là kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết, giá trị của nghề dệt vải, nghề cắt may,… để tạo ra chiếc áo. Đó còn là tập quán sử dụng áo dài. Bởi vậy, việc xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần hướng tới nội dung này…

(TS PHẠM CAO QUÝ, Cục Di sản văn hóa)

NGÂN ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top