Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

Thứ Sáu 30/10/2020 | 10:00 GMT+7

VHO-Những năm qua, Thanh Hóa luôn chú trọng triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất và đời sống nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Nhờ ứng dụng hiệu quả những tiến bộ KH-CN, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, giai đoạn 2016-2020 là gia đoạn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực KHCN của tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Các tổ chức khoa học công nghệ công lập được tổ chức, sắp xếp lại, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Trong đó, có nhiều đề tài, dự án được phê duyệt, chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều đề tài, dự án tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện 8 chương trình về KH&CN, bao gồm 6 chương trình KH&CN trọng điểm: Chương trình phát triển KH&CN của tỉnh; chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ cao; chương trình đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; chương trình khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa và Chương trình bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh.

Các cơ quan báo chí tham quan mô hình trồng cam công nghệ cao tại Thạch Thành, tinh Thanh Hóa. Đây là một mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt GlobalGap, đủ điều kiện xuất khẩu

Qua triển khai các chương trình này, có 299 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (gồm 100 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2016; 199 nhiệm vụ triển khai trong giai đoạn mới 2016-2020). Đến cuối tháng 5.2020 đã nghiệm thu 173 nhiệm vụ, dừng thực hiện 3 nhiệm vụ.

Trong nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được xây dựng, nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ đã được chuyển giao vào địa bàn.  Trong lĩnh vực trồng trọt, việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng; chuyển đổi được 45.101ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; các vùng cây nguyên liệu được duy trì, phát triển, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cụ thể như, tiếp tục chọn tạo, tuyển chọn, phục tráng, nhân giống cây trồng chủ lực, cây trồng lợi thế cạnh tranh của tỉnh, như: lúa, ngô, mía, cam, đậu tương, bưởi. Đã chọn tạo được 6 giống lúa thuần, 2 giống ngô, trong đó có 2 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống chính thức (Thuần Việt 2 - Bắc Thịnh; HQT6 - Lam Sơn 8) và đang là các giống sản xuất chủ lực của tỉnh trong những năm gần đây; 1 giống lúa (Thuần Việt 7 - Bắc Xuyên) và 1 giống ngô (QT55) được công nhận sản xuất thử; phục tráng thành công 2 giống lúa (nếp cẩm, nếp cái hạt cau), 1 giống mía (mía tím Kim Tân); tuyển chọn được nhiều giống lúa, ngô, đậu tương, giống lạc, khoai tây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tỉnh Thanh Hóa. Đối tượng cây ăn quả cũng được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là cây có múi (cam, bưởi)...

 Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng dưa taki Nhật Bản trong nhà màng, nhà lưới của Công ty CP xây dựng thương mại Phong Cách Mới; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ tại Công ty TNHH Thiên Trường 36; mô hình quản lý nước và dinh dưỡng của Israel trong sản xuất các loại rau quả (ớt, khoai tây, ngô ngọt) tại Hoằng Hóa; mô hình trồng cam công nghệ cao tại Thạch Thành. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng đang được triển khai thực hiện như mô hình liên kết gắn với tiêu thụ cây chanh leo theo chuỗi giá trị tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh; mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn thực phẩm theo chuỗi tiêu thụ gắn với du lịch cộng đồng trên đất canh tác kém hiệu quả ở huyện Bá Thước; mô hình sản xuất gừng trâu theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Thọ Xuân hướng tới xuất khẩu...

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đã thực hiện nghiên cứu thử nghiệm nuôi trồng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi thương phẩm cá tầm Nga tại huyện Thường Xuân, Lang Chánh…Từ việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ một số công nghệ sản xuất giống để phục vụ nuôi thương phẩm như hàu Thái Bình Dương, cua xanh, ngao Bến Tre... để cung cấp con giống không chỉ trong tỉnh mà còn ở các địa phương lân cận.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể, đã nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi tự nhiên phục vụ xây dựng; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ phù hợp phục vụ tưới tiêu và nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi như: Sản xuất bơm thủy năng HDBT hay còn gọi là bơm thủy năng cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho những vùng gặp khó khăn về nguồn nước ở miền núi. Ngoài ra, các lĩnh vực như ứng dụng công nghệ thông tin; lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; y - dược; khoa học xã hội và nhân văn cũng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, ngành KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về phát triển KH&CN; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo; nâng cao chất lượng các hội đồng thẩm định, nghiệm thu các đề tài đề án; tăng cường phương thức đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực KH&CN; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Thanh Hóa.

MẠNH DŨNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top