Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tâm bão số 9 có gì?

Thứ Năm 29/10/2020 | 20:11 GMT+7

VHO-Thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 có tên gọi quốc tế là Molave ập vào. Ở đây có thể nghe đủ thứ âm thanh, có cả tiếng gió rít kéo dài rồi biến thành tiếng giống người rên rỉ đầy ma quái. Văn hóa cộng đồng đã giúp làng chài này chống chọi và đứng vững trước cuồng phong của “yêu quái” Molave.

Gió “hợp ca”

Ngôi nhà của anh Dương Quang Phúc nằm cách mép biển chì hơn 100 mét. Tôi quan sát kỹ ngôi nhà trước khi trú chân và xem nơi đây như một boong ke để tiến đi các hướng để quay phim, chụp ảnh. Đồn biên phòng Bình Hài nằm ở đầu xóm có thể không thuận lợi cho việc di chuyển vào thời điểm bão đổ bộ, nhất là trong trường hợp cây cối ngã đổ và mái  tôn bay vèo vèo như máy chém trong gió mưa mù mịt thì việc đi lại sẽ càng khó khăn hơn.

Bão số 9 gây sóng lớn ập vào làng chài An Cường

           ảm nhận đầu tiên của tôi khi bước vào căn nhà này vào lúc 21 giờ tối 27.10, đó là không khí cộng đồng, chia sẻ. Trong ngôi nhà rộng rãi đã có tới 40 người dân tá túc nhờ. Nhà dưới dành cho phụ nữ và trẻ em, nhà trên dành cho đàn ông và thanh niên. Từ căn gác 2 được xây dựng kiểu gác lỡ, tôi có thể ra ban công để nhìn về phía biển vào buổi sáng ngày 28.10, tận mắt xom con yêu quái Molave với cấp độ gió giật 12-13 tiến vào bờ, sau đó xới tung nhà cửa, biến không gian thành máu xám xịt đầy mảnh tôn bay như thế nào.

Trong đêm bão tiến vào bờ, có thể lắng nghe đủ mọi âm thanh hù dọa của con quỷ Molave từ phía biển. Bão thì chưa vào, nhưng gió đã biến không gian ở làng chài này giống như nơi diễn tấu những bản nhạc kỳ lạ của thiên nhiên. Từng tiếng gió rít lên theo luồng, giống tiếng gió đi qua khe núi mà tôi từng nghe trong lần trèo Fansipan ở Lào Cai cách đây hơn 6 năm về trước. Tiếp đó là tiếng ùng ùng, có sự pha trộn giữa tiếng gió với tiếng lồng của mái tôn. Âm thanh này tôi từng nghe ở vùng tâm bão số 5 tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi nhiều mái tôn bị hất văng và treo lủng lẳng trên trụ điện.

Mỗi khi có tiếng gió hú, trong ngôi nhà đông người lại im bặt và mọi người lắng nghe với ánh mắt lo lắng. Ông Dương Tấn Long, 70 tuổi, một người dân  địa phương đã có nhiều knih nghiệm về biển cả cho biết, mỗi khi gió dừng lại và im lặng là bão đang hút trong không gian và nó mạnh dần lên, khi hút đủ nguồn lực thì bão sẽ tăng tốc và và báo hiệu băng bằng tiếng hú, giật mạnh, thổi một phát là bay nhà, nhà cấp 4 là bay hết.

           Yên lặng chết người

Lúc 1 giờ sáng, tôi bật dậy khi vừa mới ngủ được hơn 1 giờ và đặt câu hỏi “giờ này sao có tiếng la, kêu cứu? bão chưa vào nhưng tại sao lại có nhà sập?”. Nhìn xuống gian nhà trên, chỉ còn vài người già ngồi lặng lẽ bên ngọn đèn và không hề mảy may cảm xúc trước tiếng kêu. Tôi định thần lại và lắng nghe kỹ, thì ra âm thanh của gió vào lúc mờ sáng nghe khá kỳ lạ. Có lẽ cả đêm “chơi” giàn “nhạc cụ” để phát ra âm thanh hú, rít, hít, gào…thì tới giờ này, tất cả âm thanh đó cùng hòa một lúc và tạo ra thứ âm thanh giống như tiếng người. Nếu những người ở vùng thành phố, người chưa từng trải qua những giây phút trong tâm bão thì sẽ nổi da gà trước sự đùa cợt của thiên nhiên.

Giữa lúc bão đổ, người dân vẫn hò la đi giúp nhau, cứu thành công hàng trăm thúng và lưới sắp trôi ra biển

Vì sao người dân ở miền biển này vẫn vững vàng chống chọi lại cơn bão với âm thanh rên rỉ, hùng hổ Molave? Đó là tính cộng đồng, đoàn kết, chung một hành động. Nếu một người nằm trong ngôi nhà ở sát mé biển, đêm lạnh nghe tiếng gió hú thì sẽ kinh sợ. Còn ở thôn An Cường, nơi có 560 hộ, 2.300 khẩu, người dân đã chia ra làm nhiều khu vực để tránh bão tập thể. Chiều ngày 27.10, người già, trẻ em được đưa lên Đồn biên phòng Bình Hải. Đơn vị này được xây dựng khá kiên cố. Tuy nhiên, mọi thứ đều không có vẻ chắc chắn. Bằng chừng là trong bữa trưa khi bão số 9 vừa ngớt đợt gió đầu tiên, mâm cơm của đơn vị nấu cho người dân vừa dọn ra thì mái nhà bếp sập xuống, lật úp toàn bộ thức ăn xuống đất và mọi người được phát lương khô để ăn.

Vì không tập trung tránh bão 1 chỗ, vì vậy 2.300 người dân tản ra tại nhiều ngôi nhà trong làng. Cứ nhà nào được xây dựng kiên cố thì nhà đó nghiễm nhiên trở thành nhà tránh trú bão cộng đồng. Đây là cách thức chống bão cần được nhân rộng, vì tính hiệu quả cao, thực tiễn, Nhà nước cũng không cần phải bỏ ra nhiều tiền để xây dựng các công trình mà đôi khi 1 năm chỉ sử đụng 1-2 lần. Ngôi nhà của anh Dương Quang Phúc cho phóng viên tránh trú bão cũng là điểm tránh bão cho 40 người dân.

Tác giả thức trắng cùng người dân trong đêm chờ tin bão

Tiếng gió rú rít vào lúc mờ sáng đã đánh bật tôi dậy. Người chủ nhà và một ngư dân đưa phóng viên ra khu vực đê biển để xem tình hình. Theo kinh nghiệm của người dân, thông tin trên báo đài cần kết hợp với việc quan sát ngọn sóng. Khi nào sóng tràn qua bờ kè, chiều cao của ngọn sóng là bao nhiêu? Phương pháp quan sát sóng sẽ giúp người ở tâm bão đoán định được tình hình, hô hào cả làng cùng chung lưng để đối phó với bão Molave.

Trong đêm đen, cả làng An Cường vắng bóng người, thỉnh thoảng thấp thoáng ánh đèn pin của một số người trụ lại để tự quản xóm làng, sẵn sàng lao đi ứng cứu những ngôi nhà bị sóng phủ kín và sắp lôi tuột ra biển. Từ lúc 4 giờ đến 6 giờ sáng là khoảng thời gian khá yên bình ở vùng tâm bão. Nhưng đó chỉ là sự yên bình giả tạo. Trước khi bão vào thì đó là lúc ngọn cây đứng im, nhưng sau đó sẽ là những giây phút quăng quật.

           Bùng nổ sóng, gió

Lúc 9 giờ sáng, vài người đàn ông chạy vụt vào nhà, hoặc khi đi trong xóm thì không rời mắt khỏi những cây to đang nghiêng ngả. Mũ bảo hiểm trùm đầu là thứ không thể thiếu lúc trời bão. Vì những mái tôn đang kêu gào “xập xòe, xào xào” kia là thứ máy chém khi bị bứt tung ra khói giàn sắt. Tuy nhiên, ở làng chài nơi rốn bão, kinh nghiệm bề dày đã giúp người dân phòng bị khá tốt. Nhiều mái tôn được neo xuống đất bằng nhiều sợi dây để tôn không có cơ hội để “tung cánh” khi yêu quái Molave ập đến. Một số mái tôn sau này bị đổ sập thì cũng nằm tại chỗ như một xác chết chứ không bay vắt vẻo trên trụ điện như ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong cơn bão số 5.

Bão số 9 quần thảo tơi bời từ lúc 9 giờ sáng đến 13 giờ 15 phút thì lặng gió. Trong lúc bão đổ bộ, âm thanh đọng lại sâu nhất trong tôi không phải tiếng gió, mà là tiếng hò la của hàng trăm người lao đi vác đồ đạc ra khỏi 3 ngôi nhà nằm sát mép biển sắp bị bão đánh sập; tại khu vực ghánh đá là nơi neo đậu thúng, lưới, nhiều ngư dân hò la vang dậy. Tiếng hô hét át cả tiếng sóng biển gầm gừ đe dọa. Nhờ tinh thần đoàn kết nên ngư dân đã tập trung cứu được rất nhiều thúng và lưới đang bị sóng ập vào rất sâu và lôi ra ngoài biển.

Tình người, văn hóa cộng đồng đã giúp người dân ở tâm bão số 9 không quá run sợ, thậm chí xông pha khắp nơi giữa lúc yêu quái Molave ầm ầm đổ vào làng chài, sau đó quần thảo phá nát nhiều nhà cửa ở trung tâm TP Quảng Ngãi.

Những ngư dân có kinh nghiệm đi biển từ thời thuyền buồm, ghe chèo cho biết, nếu ở ngoài biển, trước khi bão vào thì thậm chí có cảm giác nóng nực, ngọn đèn dầu không lay, tiếng nói của mọi người tự nhiên vang to hơn bình thường, nếu đứng ở mũi thuyề nói thật nhỏ thì người ngồi ở đuôi thuyền cũng nghe thấy rõ.

                                                                    LÊ VĂN CHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top