Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Ân tình của những người mẹ thứ hai của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ Năm 29/10/2020 | 17:26 GMT+7

VHO-Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (Sở LĐ,TB&XH Hà Nội) vào đầu giờ chiều một ngày thu nắng hanh hao. Giữa không gian tĩnh lặng của Trung tâm, tiếng trẻ em í ới rủ nhau đi học. Trong một căn phòng nhỏ, chị Phùng Phương Liên đang giục cậu bé Phạm Văn Nam chuẩn bị cặp sách, trang phục đi học.

Cậu bé hạnh phúc
Gương mặt đen nhẻm nhưng toát lên ánh nhìn vui vẻ, thông minh từ đôi mắt tròn to của Nam. Vẫn còn sớm, ngồi cạnh mẹ Liên, Nam nói chuyện với chúng tôi một cách ngoan ngoãn và tự nhiên. Cậu cũng không tỏ ý giấu hoàn cảnh của mình. Nam cho biết, cậu sống với bà từ nhỏ ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), sau đó, bà mất đi thì chuyển đến sống với bác, và bắt đầu những tháng ngày lang thang bán bông tăm, vất vưởng ở Hà Nội. Mỗi ngày cậu phải dậy từ sáng sớm, đi bộ khắp các phố phường đến tối mịt mới trở về nhà. “Con không biết mỗi ngày bán được bao nhiêu tiền, nhưng được nhiều người cho, có ngày được hơn 1 triệu, con đều đưa hết cho bác”, Nam kể.

Mẹ Phùng Phương Liên và cậu bé Nam 

Rồi một lần, bác của Nam uống rượu say, đánh đập cháu mình và đuổi ra khỏi nhà. Nam lại đi lang thang, vạ vật suốt đêm, không biết đi đâu, cậu lên 1 cây cầu đi bộ để ngủ. Sáng hôm sau, gặp chú CSGT, các chú cho đi đu quay rồi đưa về đồn công an, sau đó cậu ngủ thiếp đi, tỉnh dậy đã thấy mình ở Trung tâm bảo trợ xã hội và sống với mẹ Liên đến bây giờ. Kể đến đây thì Nam chào chúng tôi rồi xin phép đi hoc.

Khi Nam cùng các bạn cùng trong Trung tâm ra khỏi cổng, chị Liên quay trở lại tiếp chúng tôi, giải thích, các con học cấp 2 thì tự đi bộ đến trường THCS Tây Đằng, còn với các bé tiểu học thì phải có mẹ dẫn đi và đón về. Về Phạm Văn Nam, chị Liên cho biết, cậu đã ở đây được 7 năm, hiện cậu đang học lớp 7. Lúc vào Trung tâm, Nam không biết chữ, không biết tuổi của mình, không có giấy khai sinh. Vì thế các mẹ của Trung tâm đã làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con được đi học. “Mẹ của Nam phải đi trại cải tạo nên con phải sống với bà. Lúc mới vào Trung tâm, mẹ đẻ cậu còn thỉnh thoảng đến thăm, nhưng đã lâu lắm rồi không thấy người phụ nữ ấy xuất hiện. Có một vài lần tôi hỏi con có muốn theo mẹ không thì cậu đều lắc đầu, và nói chỉ muốn ở với các mẹ và các anh chị em giống con. Nam học khá tốt, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến”, chị Liên khoe.

Những đứa trẻ luôn coi các mẹ ở Trung tâm chính là mẹ ruột của mình

Phạm Văn Nam là 1 trong số 42 trẻ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 04 dưới bàn tay chăm sóc của 11 mẹ. Ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Trung tâm cho biết, hoàn cảnh các cháu tại đây là trẻ mồ côi bất hạnh, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ lang thang đường phố có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em không rõ nguồn gốc. Chính vì thế, các bé đến đây đã coi Trung tâm như nhà của mình, coi các mẹ chăm sóc như mẹ ruột. Còn các mẹ cũng coi các con như người thân, dành tình cảm hết mực cho các con. “Nhiều mẹ vào làm việc tại đây không chỉ là nhiệm vụ mà đã tự nhận trách nhiệm, gắn bó tình cảm với các bé, nên đôi khi cấp trên muốn chuyển vị trí làm việc cho đỡ vất vả nhưng lại xin ở lại cùng các mẹ chăm sóc trẻ”, Giám đốc Nguyễn Văn Bằng chia sẻ.
Gắn bó với nghề vì thương các con

Chị Phùng Phương Liên (sinh năm 1973) là một trong những mẹ làm việc lâu nhất của Trung tâm với hơn 20 năm sống và gắn bó với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Chị cũng là Trưởng phòng Giáo dục của Trung tâm. Chia sẻ về những ngày đầu đến làm việc tại, chị Liên cho biết, lúc đó  không nghĩ cuộc đời của mình gắn bó với nghề lâu đến vậy.m

Tình yêu thương với các con đã níu kéo các mẹ gắn bó với công việc 

"Những ngày đầu vào làm việc, hôm nào tôi cũng khóc vì thương các con. Hơn 20 năm trước, các con đến Trung tâm còn ngơ ngác, tội nghiệp lắm. Lúc đó tôi cũng có con nhỏ, nên không hiểu tại sao các bà mẹ có thể bỏ rơi con mình như thế. Hết 1 tuần thì tôi nói với mẹ là không làm nữa vì thấy rất đau lòng, đi làm mà mắt lúc nào cũng sưng húp híp, nhưng mẹ an ủi, động viên, các bé thiếu tình mẹ nên con thương mới chăm các bé tốt được. Vậy là tôi ở lại làm cho đến bây giờ", Trưởng phòng Giáo dục Trung tâm Bảo trợ xã hội 04 nhớ lại.

Với tình thương bao la của người mẹ đầy lòng trắc ẩn, đến nay chị Liên cũng không nhớ đã chăm sóc bao nhiêu đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt lớn lên và trưởng thành. Những đứa trẻ mà ngày đêm chị gần gũi, dạy bảo nên người, vào ca trực tối lại kèm các con học văn hóa, hay ở bên cạnh mỗi khi ốm đau. Chị cho biết, không chỉ mình chị mà các mẹ khác đều như thế, chỉ có tình thương với các con mới níu chân các mẹ. Còn trẻ cũng quấn quýt với các mẹ, mỗi lần mẹ nghỉ làm đột xuất hoặc thứ 7- chủ nhật khi trở lại Trung tâm các con lại ùa ra vây quanh, hỏi han, thắc mắc mẹ đi đâu lâu về...

Cứ như thế, từng lớp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã lớn lên, "đủ lông đủ cánh" lại bay đi, có những em đi học Đại học, cao đẳng, các mẹ lại đưa đến tận trường, ổn định lớp học, nhà trọ mới yên tâm trở về. Khi các con lập gia đình các mẹ lại trong vai bố mẹ cô dâu, chú rể làm lễ thành hôn cho các con. Với tình cảm gắn bó như gia đình nên dù có làm ăn xa, mỗi lần có dịp về Hà Nội các con lại tìm đến thăm các mẹ và tặng quà cho các em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. "Cứ có khoản tiền mừng tuổi, phần thưởng của Trung tâm hay quà từ thiện cho các con, các mẹ lại gom vào rồi gửi tiết kiệm, con nào cũng có 1 sổ để khi ra khỏi Trung tâm, ai cũng có 1 khoản tiền để xoay sở, lập nghiệp. Như năm ngoái, có 2 con đỗ Đại học Luật và Sân khấu điện ảnh, mỗi con đều có khoảng 10 triệu đồng", chị Liên .

Mẹ Liên luôn được trẻ yêu quý 

Khi hỏi về những khó khăn của nghề, chị tỏ ra hài lòng với tiền lương 5 triệu/tháng cùng các khoản phụ cấp khác vì cuộc sống ở quê tuy không khá giả nhưng cũng chẳng thiếu thốn. Điều chị luôn trăn trở là làm sao các con cứng cáp, đủ hành trang khi đủ 18 tuổi, không còn sống ở Trung tâm. Có một niềm canh cánh suốt năm qua là 1 con đỗ học Đại học nhưng đến nay vẫn chưa làm được chứng minh thư vì không có giấy khai sinh ngoài tờ chứng sinh tại quận Hoàn Kiếm, cũng không có bố mẹ. Từ trường Đại học, con gọi điện về cầu cứu các mẹ, các mẹ đã chạy các nơi nhưng cũng không làm được. "Năm ngoái con đi thi đại học được đặc cách giấy tờ, 1 năm qua con không làm được Chứng minh thư thì tôi không yên tâm được. Mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các con có hoàn cảnh khó khăn được làm giấy chứng minh thư để  đảm bảo tương lai sau này cho các con", chị Liên nói.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Bằng ghi nhận những tâm huyết, tình thương mà các mẹ dành cho các con như ruột thịt. "Có mẹ có con nhỏ thì đôi khi cũng phải hy sinh, vì gửi con mình để đi trực đêm, chăm con người khác. Gia đình các mẹ cũng phải hỗ trợ và thông cảm nhiều. Không những vậy các mẹ còn chia tổ để kèm cặp các con sau giờ con ở trường nên thời gian bên các con còn nhiều hơn bên gia đình ", ông Bằng chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 04, các mẹ hay nhân viên của Trung tâm đa phần làm việc khá lâu, nhưng hiện nay việc tuyển nhân viên công tác xã hội vào làm việc là khá khó khăn. Bởi dù tốt nghiệp cử nhân, cao đẳng, hay trung cấp khi được tuyển vào đều có hệ số lương theo ngành 1,65. Chính vì thế cần có những nhìn nhận đúng đắn cũng như chính sách thay đổi về nghề công tác xã hội trong một xã hội phát triển.

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top