Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Cười ra nước mắt chuyện tiệc tùng ở vùng cao

Thứ Tư 28/10/2020 | 10:20 GMT+7

VHO- Vài năm gần đây phong trào tổ chức tiệc, lễ mừng bỗng dưng rầm rộ lan lên vùng cao Quảng Ngãi. Từ thị trấn phố núi đến bản làng nghèo xa xôi, những lễ tiệc “đùng đoàng”, lãng phí ngày càng nhiều hơn. Và sau đó là những cái nghèo và cái nợ cứ chồng chất nối dài...

 Phong trào tổ chức tiệc mừng ngày càng nhiều ở các làng bản huyện miền núi Quảng Ngãi, vì thế tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo cũng nhiều hơn

Dành dụm tiền đền bù đất, vay thêm mươi triệu đồng vợ chồng Đinh Thị T. ở Làng Rê (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) xây được nhà mới. Sau khi hoàn thành nhà, vợ chồng T. quyết định tổ chức lễ khánh thành, mời hơn 200 khách là bà con họ hàng, làng bản đến dự tiệc.

Bán trâu bò trả nợ

Lo không có tiền chi phí nhưng chủ cơ sở dịch vụ tiệc cho nợ và thanh toán sau khi tàn tiệc nên T. mạnh dạn làm tiệc lớn. Để đãi khách mời chu đáo, T. đặt 20 bàn tiệc lớn. Với chi phí mỗi mâm tiệc giá 1,2 triệu đồng, tổng số tiền thuê trại, bàn ghế và thức ăn khánh thành nhà mới của T. gần 30 triệu đồng.

Thế nhưng đến ngày tiệc chỉ lác đác dăm bàn khách khiến vợ chồng T. điêu đứng. Sau “đại tiệc” nhà mới, 15 bàn tiệc dư thừa thức ăn ê hề. Tiền nợ chủ dịch vụ nấu ăn, trang trí trại gần 20 triệu đồng T. không biết làm sao thanh toán. Hai ngày sau, chủ dịch vụ đồng ý nhận đôi trâu bò cấn trừ nợ. Vợ chồng T. tiếp tục làm thuê trả nợ ngân hàng. “Mình mời thì nghĩ họ sẽ đi vì mình đã dự nhiều tiệc sinh nhật, nhà mới của bà con rồi. Ai ngờ họ lại không đi làm mình không có tiền để trả chi phí tổ chức. Đành phải bán bò trâu thôi chứ xây nhà còn nợ mà”, T. buồn bã.

Phạm Thị Sải ở xã Ba Vì (huyện Ba Tơ) cũng đầy lo lắng. Năm 2016, vợ chồng Sải tổ chức sinh nhật cho con gái đón tuổi 16. Sau khi bàn bạc, Sải quyết định mời 300 khách cùng 30 bàn tiệc, với tổng chi phí 32 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền đãi tiệc có thể xây được căn nhà nhỏ tránh trú mưa nắng. Thế nhưng, cũng muốn “phải không” cùng người quen, làng bản sau bao năm đi dự tiệc của người khác, Sải quyết định “chơi lớn”. Mâm cao cỗ đầy cùng trang hoàng nhạc hội hoành tráng nhưng khách đi ít, tiền mừng sinh nhật không đủ trang trải chi phí. Sải mượn người thân để thanh toán nợ hậu đại tiệc. Và bốn năm nay, Sải vẫn tiếp tục dành dụm tiền để đi tiệc mừng của bà con, làng bản. “Hết nợ rồi nhưng những người mà mình mời trước đây thì giờ họ mời lại. Mình phải dành dụm tiền mừng cho họ. Có qua có lại mà. Nhưng xưa họ đi 200.000 đồng thì giờ mình phải 400.000 đồng, 500.000 đồng chứ ít gì. Giờ vẫn phải đi thôi”, Sải giải thích.

Một người dân vẫn lưu giữ hình ảnh tổ chức sinh nhật con trai và sau bốn năm vẫn tiếp tục đi ăn tiệc trả nợ

Biến tướng văn hoá miền cao

Vài ba năm trở lại đây, phong trào “đại tiệc” rộn ràng phố núi Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây... Các “đại tiệc” tổ chức rình rang, hoành tráng. Mừng sinh nhật, nhà mới, đi xa về, xuất khẩu lao động… bất cứ lý do nào người dân làng bản cũng tổ chức tiệc tùng. Những bữa tiệc sinh nhật, nhà mới từ 20 - 40 mâm tiệc lớn hoành tráng, rầm rộ như tiệc cưới, hội làng.

Trung bình mỗi “đại tiệc” miền núi từ 25 - 50 triệu đồng. Các dịch vụ nấu ăn, trang trí trại, trang điểm chụp ảnh ăn theo tăng chi phí tổ chức cho gia chủ. Khách đến dự lúc đông lúc sơ, tiền mừng không đủ bù chi phí sau những ngày vui thì gánh nợ chồng chất. Anh Đinh Văn Ngọc ở xã Sơn Cao (huyện Sơn Hà) cho biết, hai năm qua thường xuyên làm rẫy thuê nên vợ chồng anh quen nhiều anh em làng, xã. Tháng nào vợ chồng anh cũng được mời dự tiệc sinh nhật, nhà mới, trúng mùa. Vì vậy thường dành dụm tiền để trang trải chi phí tiệc tùng cùng người thân, bạn bè. “Năm ngoái có tháng vợ chồng mình dự bốn năm cái sinh nhật. Mỗi lần đi mừng cũng ba trăm, năm trăm. Hôm nào nhiều thì vợ chồng chia nhau đi. Mình đi cho họ thì sau này mình tổ chức họ đi lại thôi mà”, anh Ngọc hồn nhiên.

Lý giải nguyên nhân phong trào tổ chức tiệc mừng trên các vùng cao ngày càng rầm rộ, phô trương là do từ những lễ tiệc từ các vùng đồng bằng, địa phương lân cận. Văn hoá bản làng từ bao đời nay, những gia đình có con cái lớn tổ chức tiệc cưới mời cả làng xã, thôn bản. Và khi những gia đình trẻ, nhà neo người chưa thể tổ chức tiệc mời người thân, làng bản để “họ đi trả lại”. Sự suy tính, cân đo lợi ích từ tiền mừng nối dài và đại tiệc cũng bắt đầu như thế. “Họ có con tổ chức cưới, rồi làm nhà, đi xuất khẩu lao động về ăn mừng… mời mình dự thì mình đi tiền mừng. Nhưng đi miết tốn tiền thì mình cũng phải tổ chức lại để họ đi cho mình chứ. Tui tổ chức sinh nhật cho con và cháu tới giờ chủ dịch vụ nấu ăn, thuê trại vẫn đòi vì chưa trả xong”, ông Phạm Văn T. ở xã Ba Vì phân bua.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Tơ) Lê Hữu Trinh cho biết, toàn xã có hơn 1.200 hộ, 74% đồng bào H’re. Vấn nạn tiệc tùng chạy theo phong trào, hình thức những năm qua khiến bà con khó càng thêm khó. “Tình trạng tổ chức tiệc mừng tràn lan gây lãng phí. Bà con miền núi vốn đã nghèo khó càng thêm nghèo, tái nghèo. Chúng tôi tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu những hệ quả không tốt nếu chạy theo hình thức, lãng phí nợ nần”, Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ. 

 

 Tình trạng tổ chức tiệc mừng tràn lan gây lãng phí. Bà con miền núi vốn đã nghèo khó càng thêm nghèo, tái nghèo. Chúng tôi tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu những hệ quả không tốt nếu chạy theo hình thức, lãng phí nợ nần.

(Ông LÊ HỮU TRINH, Chủ tịch UBND xã Ba Vì)

 

 NAM MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top