Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nghề làm Youtuber: Hãy làm người sáng tạo có trách nhiệm với cộng đồng

Thứ Hai 26/10/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Những người làm Youtube hay có câu cửa miệng “đồng tiền đi liền lượt view”, vì thế, để “hút” người xem, không ít Youtuber sẵn sàng bằng mọi cách, kể cả bất chấp liêm sỉ, đăng tải lên kênh của mình những video gây sốc, những sản phẩm “bẩn” hết sức phản cảm để hưởng lợi.

 Video troll câu view bị cộng đồng người xem phản ứng vì những trò đùa quá lố theo kiểu chịu đấm ăn xôi

 

 Thực tế, những video dạng này đã bị chính cộng đồng mạng và cả những người theo dõi kênh của họ tẩy chay, lên án.

Chiêu trò câu view kiểu… chịu đấm ăn xôi

Điển hình nhất là mới đây, kênh Hưng Vlog với những video “troll” quá đáng đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc; hay một số video của kênh làm về ẩm thực Tây Bắc khiến không ít người xem phải rùng mình ghê sợ khi quay cảnh “Gỏi cá nhảy Tây Bắc” kinh dị như thời tiền sử. Trước đó, kênh Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi cũng đăng video nấu cháo bồ câu nguyên lông cho một nhóm người Phi, rồi giải thích là nấu theo kiểu Việt Nam, dù mục đích là giải trí, tuy nhiên sẽ khiến không ít người nhầm tưởng và ác cảm về ẩm thực Việt Nam.

Chị Nguyễn Phan Lương, chủ kênh Rice TV cho biết, sở dĩ nhiều người chọn hướng làm video troll theo kiểu “nhảm” là bởi sản xuất những sản phẩm dạng này rất đơn giản, chi phí thấp, góc quay, cảnh quay cũng không cần quá đẹp. Điểm hút người xem chính là yếu tố gây sốc, gây cười, những yếu tố khác bị mờ đi, chấp nhận hứng gạch đá, chỉ trích…chỉ vì lợi nhuận.

Đề cập vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Quy định, chế tài xử phạt đối với hành vi đăng tải những nội dung không lành mạnh hiện đã có, cụ thể, người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, những quy định này chưa thực sự đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe, bởi số tiền phạt là quá ít, trong khi đó, lợi nhuận thu được từ những video này lại rất lớn. Chính vì vậy, một số Youtuber sẵn sàng chấp nhận chịu phạt theo kiểu... chịu đấm ăn xôi.

“Làm Youtube rất dễ nhưng để thành công thì không đơn giản. Đừng nghĩ cứ đăng là có người xem, bởi có nhiều người làm video rất hay, rất đẹp nhưng chỉ lèo tèo vài chục lượt truy cập”, anh Nguyễn Quang Cường, kênh Nét phù sa cho biết. Đặc biệt, sau khi Google thay đổi chính sách mới, các kênh Youtube buộc phải đạt 1.000 người đăng ký (sub) và 4.000 giờ xem (view) mới được bật kiếm tiền, trở thành đối tác của Youtube. Điều này đã khiến cho nhiều Youtuber nản chí, bỏ cuộc giữa chừng hoặc tìm cách lách luật bằng cách: sub chéo, view chéo… Nghĩa là thông qua các diễn đàn, mạng xã hội người này sub chéo, xem video cho người kia và ngược lại. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao bởi Youtube sử dụng thuật toán để quét nên những dạng sub chéo kiểu này sẽ bị mất khoảng 30%- 40%.

Ngoài ra, còn một cách tăng sub, tăng giờ xem được nhiều người áp dụng là thông qua “dịch vụ” được chào mời công khai nhan nhản trên các diễn đàn. Để tìm hiểu, PV đã tham gia vào một nhóm có tên “Nhóm tăng sub chéo kênh” với 92 ngàn thành viên. Khi biết có ý định làm kênh Youtube, rất nhiều tài khoản trong nhóm đã nhảy vào chào mời các kiểu dịch vụ, trung bình 1.000 sub và 4.000 giờ xem sẽ có giá dao động khoảng 3 triệu đồng. Đặc biệt, còn có dịch vụ mua bán các kênh đã bật kiếm tiền. Nghĩa là, những người làm Youtube thay vì bắt đầu từ con số 0, họ có thể chi ra một khoản tiền để mua các kênh đã đủ điều kiện trở thành đối tác của Youtube với mức giá tùy thuộc vào số lượng người đăng ký, lượt xem, có thể vài trăm ngàn cho đến vài chục triệu, thậm chí lên cả trăm triệu một kênh. Tuy nhiên, gói mua bán này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, dễ bị dính lừa đảo, mất tiền, bị hack tài khoản sau khi đã mua, thậm chí có trường hợp không được giao tài khoản adsense… nên kênh không còn giá trị.

Anh Kendy Duy, kênh Ẩm thực Hà Anh Vlog ngán ngẩm cho biết: Nếu chi phí khoảng 3 triệu mà có một kênh Youtube bật kiếm tiền có thu nhập thì “dễ xơi” quá. Thực ra, tiêu chuẩn 4.000 giờ xem và 1.000 người đăng ký là điều kiện đầu tiên của Youtube, mặc dù bạn có thể vượt qua được điều kiện đầu tiên, nhưng khi đã bật kiếm tiền mà không có khán giả thì cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập.

 Phụ huynh nên kiểm soát chặt các kênh mà con trẻ xem

Những nạn nhân có thật của sản phẩm “ảo” nhảm nhí

Mặc dù bị cộng đồng lên án, tẩy chay, cơ quan quản lý nhà nước xử phạt, thế nhưng video nhảm nhí vẫn tràn lan và thu hút hàng triệu lượt xem, ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của giới trẻ. Vụ việc đau lòng xảy ra gần đây nhất vào ngày 12.10, nạn nhân là một bé gái 5 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM đã dùng khăn voan treo cổ trong phòng ngủ do bắt chước theo trò chơi trên Youtube. Mặc dù đã được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng bé đã không qua khỏi. Trước đó, vào ngày 29.11.2019, một bé 8 tuổi ngụ tại Nhà Bè, TP.HCM cũng đã dùng khăn treo cổ do xem video trên Youtube, nhưng may mắn bé được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cứu sống. Ngoài ra, còn nhiều vụ tai nạn thương tâm dẫn đến tàn tật vĩnh viễn như học làm pháo trên Youtube, chơi trò bắt cóc nạn nhân đi giấu khiến cho một bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An tử vong.

Anh Nguyễn Văn Đạt, phụ huynh của hai con nhỏ, ngụ tại phường 15, quận Tân Bình bức xúc cho biết: “Sở dĩ xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc nói trên, một phần do các kênh Youtube nhảm nhí mọc lên quá nhiều. Thêm vào đó, một số phụ huynh không quản lý được con đang xem cái gì, cứ để mặc cho con với điện thoại thông minh, máy tính bảng để con không nghịch ngợm, làm phiền, điều này đã vô tình hại con em mình”.

Trước thực trạng báo động trên, để ngăn chặn các video nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội như, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Công an, phối hợp với các bộ, ngành sớm vào cuộc và có phương án xử lý ngăn chặn. Trước đó, thực hiện yêu cầu của Bộ TT&TT, từ năm 2017 đến tháng 8.2019, Facebook buộc phải gỡ bỏ khoảng 70% thông tin xấu độc; Google gỡ và ngăn chặn 7.478 video vi phạm trên Youtube... Ngoài ra, chỉ riêng trong quý II năm 2020 đã có tới 220.00 video đã bị gỡ bỏ.

“Youtube khẳng định, người sáng tạo là một bộ phận quan trọng của Youtube. Khi là người sáng tạo, bạn cũng là một thành viên của cộng đồng toàn cầu lớn mạnh và có sức ảnh hưởng. Nên một khi đã dấn thân vào làm Youtube thì nên là người sáng tạo có trách nhiệm với cộng đồng, đừng vì mục đích hưởng lợi cá nhân mà không nghĩ đến tác động tiêu cực đối với người xem”, Youtuber Nguyễn Quang Cường, kênh Nét phù sa chia sẻ.

“Muốn kênh có sức sống trong lòng người xem thì không thể làm theo kiểu ăn xổi được. Cá nhân tôi cho rằng những người làm Youtube thành công và nổi tiếng đều chăm chút các sản phẩm rất kỹ về mặt nội dung, hình ảnh và đặc biệt là có dấu ấn riêng cũng như thông điệp rõ ràng. Do đó, các bạn trẻ, nhất là những ai mới bắt đầu làm Youtuber cần tôn trọng người xem bằng việc cho ra đời những sản phẩm văn hóa có giá trị đích thực, làm được điều đó thì lo gì không có người xem”. Youtuber Kendy Duy, chủ kênh Ẩm thực Hà Anh Vlog khẳng định. 

 Mặc dù bị cộng đồng lên án, tẩy chay, cơ quan quản lý nhà nước xử phạt…, thế nhưng video nhảm nhí, câu view, gây sốc vẫn tràn lan và thu hút hàng triệu lượt xem, ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý nghiêm những sản phẩm văn hóa “bẩn” này.

 NGUYỄN HIẾU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top