Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật dân tộc đang bị... bỏ rơi?

Thứ Hai 26/10/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Đi vào lối mòn, lai căng, dường như bị bỏ rơi và đang dần mai một… là thực trạng chung của các loại hình nghệ thuật dân gian-dân tộc đã được nêu ra tại tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của các loại hình nghệ thuật dân gian-dân tộc ở TP.HCM” do Sở VHTT TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua.

 Các đại biểu trăn trở tìm giải pháp để phát huy nghệ thuật dân gian -dân tộc

Theo các đại biểu, để phát huy hiệu quả hoạt động của các loại hình nghệ thuật truyền thống, cần cái bắt tay giữa cơ quan quản lý và những người làm công tác khoa học trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa, bao gồm đào tạo khán giả, lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ quản lý văn hóa…

Thiếu vắng đội ngũ kế thừa

TS Mai Mỹ Duyên, Trường ĐH Trà Vinh cho biết, trong các thể loại của nghệ thuật trình diễn dân gian ở TP.HCM thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) có số lượng người tham gia hoạt động đông đảo nhất. Theo khảo sát năm 2010, TP có 117 CLB với hơn 1.000 nghệ nhân-tài tử đang sinh hoạt trong độ tuổi từ 12 đến trên 80. Từ khi ĐCTT được công nhận cho đến nay, con số này trên thực tế đã có nhiều biến đổi. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là sự hao hụt không thể bù đắp từ việc các nghệ nhân lần lượt ra đi trong khi lớp người trẻ thiếu sự say mê và tinh thần vượt khó để tôi luyện thành tài. “Một số em nhỏ sớm bộc lộ năng khiếu, được các nghệ nhân dìu dắt ngay từ những bước đi ban đầu và được địa phương quan tâm đầu tư, song khi trưởng thành lại không nối tiếp sự nghiệp ca cầm. Bên cạnh đó, rất nhiều nghệ nhân-tài tử đang dần “chuyên nghiệp hóa”, sử dụng tài năng chủ yếu vào việc mưu sinh, dẫn đến việc sinh hoạt cầm chừng, hoạt động truyền dạy và tập luyện không được duy trì. Đây là bài toán chưa tìm được đáp số trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa”, TS Mai Mỹ Duyên tâm tư.

Đồng tình quan điểm này, ThS Phạm Thái Bình, Phòng Nghệ thuật dân gian Trung tâm Văn hóa TP.HCM cho hay, ở TP.HCM không thiếu người đam mê ĐCTT, nhưng thực tế thế hệ trẻ say mê, gắn bó với di sản văn hóa này không còn nhiều. Độ tuổi trung bình của các thí sinh đến với những cuộc thi âm nhạc truyền thống ngày càng bị “già hóa”. Ngoài ra, tại các khóa tuyển sinh nhạc công khoa Kịch hát dân tộc của Trường ĐH SKĐA TP.HCM và khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện TP, số lượng thí sinh đăng ký rất khiêm tốn. Dù nhà nước có chính sách miễn giảm học phí, có chế độ cấp học bổng và hỗ trợ đầu ra, nhưng rất ít bạn trẻ mặn mà với con đường trở thành một nghệ sĩ âm nhạc dân tộc tương lai.

Cũng như ĐCTT, nghệ thuật Hát bội cũng đang rơi vào khủng hoảng vì thiếu nhân lực. Theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc quản lý điều hành Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, hiện nay, tại TP không có trường đào tạo cho loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, để có lực lượng kế thừa, trong nhiều năm trước đây, Nhà hát thực hiện phương thức truyền nghề trực tiếp. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, hình thức đào tạo này không còn được duy trì vì vướng các quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định đối tượng được đào tạo là công chức, viên chức, trong khi các lớp truyền nghề phần lớn là con em nghệ sĩ, hoặc những em có năng khiếu đam mê Hát bội, họ chưa đủ điều kiện thi tuyển vào viên chức.

Chưa tận dụng được hệ thống thiết chế văn hóa

Là người luôn đau đáu với bộ môn nghệ thuật Hát bội, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng, “Để Tuồng - Hát bội đến được với công chúng, quả không dễ. Không nên chỉ dừng lại ở động thái diễn giải, bởi Hát bội đã không còn dễ dàng được công chúng tiếp nhận do nội dung kịch thấm đượm luân lý, nhưng không gần gũi với đời sống đương đại nên không còn được bao nhiêu khán giả. “Để giới thiệu Hát bội ra công chúng, chúng ta đã làm nhiều cách. Giới ca sĩ tân nhạc trẻ cũng muốn sử dụng những yếu tố hóa trang, phục trang… để “gợi nhớ” đến Hát bội bằng “MV” nhưng do không hiểu biết, họ pha trộn, nhập nhằng nhiều yếu tố vừa của Kinh kịch Trung Quốc, vừa của kịch Kabuki, kịch Noh Nhật Bản; họ làm giới trẻ nhầm lẫn, phân vân, không biết đâu là nét đẹp, đâu là nghệ thuật thuần túy Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho biết và nói rằng, giá trị của Hát bội là không cần bàn cãi, nhưng chúng ta vẫn không bảo tồn được, có lẽ là do chưa làm hết trách nhiệm?

Giám đốc Sân khấu Kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, TP.HCM cũng như Việt Nam có nhiều thuận lợi về các thiết chế văn hóa, vì thế cần phải tận dụng để phát triển nghệ thuật dân gian. “Không có đất nước nào có được nhiều nhà văn hóa như chúng ta, đó là một thuận lợi, nếu không bám được cái thuận lợi này thì rất phí. Cần xác định trong số các loại hình nghệ thuật dân gian hiện nay, cái nào là để phục vụ cộng đồng, cái nào là đặc sản thương mại?”, ông Tuấn thẳng thắn. NSƯT-Nhạc sĩ Huỳnh Khải cũng đồng tình cho rằng: “TP.HCM rất may mắn vì đang có đến 24 trung tâm văn hóa và nhiều nhà văn hóa, đây là thiết chế cực kỳ quan trọng, vậy tại sao chúng ta không tận dụng để phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian-dân tộc?”.

Theo PGS.TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận, “Cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nghiên cứu cần định ra tỉ lệ dân gian-dân tộc ở TP.HCM - một đô thị lớn như thế nào? Vì so với khu vực nông thôn, không gian để duy trì yếu tố dân gian tại TP.HCM là rất khó. Theo tôi, TP.HCM phải duy trì, ít nhất là các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể”. Bàn về giải pháp đào tạo làm nghệ thuật, PGS.TS Phan Quốc Anh nói rằng, “Hiện nay việc quy định bằng cấp trong giới nghệ thuật, tôi cho là vô lý lắm. Ngay cả đào tạo, chúng ta chỉ cần bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm cho NSƯT, NSND đi dạy về nghệ thuật, hay hơn nhiều so với tiến sĩ, giáo sư không biết gì về nghệ thuật mà lại đi dạy nghệ thuật. Để tháo gỡ bất cập này, TP.HCM có thể đi trước thực hiện mô hình này, tạo điều kiện cho các tài năng nghệ thuật phát triển trong hoạt động biểu diễn, truyền nghề”.

TS Mai Mỹ Duyên nhận định, thực tế hiện nay các CLB ĐCTT hoạt động theo lối mòn, có hình thức nhưng không có nội dung, thiếu nhạc công, đặc biệt là các tỉnh. “Khi tham gia chấm thi các liên hoan ĐCTT, tôi thấy hiện tượng nhạc công chạy sô rất nhiều, nhạc công TP.HCM phải xuống hỗ trợ thì các đội mới có thể dự thi được. Do vậy theo tôi cần nhanh chóng củng cố lại các CLB ĐCTT trong đời sống cộng đồng”, TS Duyên đề nghị.

NSƯT Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung củng cố, thực hiện các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc mà các đơn vị đã đặt ra. Trước mắt, TP.HCM cần có chính sách đối với các loại hình dân gian-dân tộc; cần thiết phải xây dựng các mô hình, tạo không gian văn hóa phù hợp cho nghệ thuật dân gian-dân tộc, nhận diện loại hình cốt lõi để biến đổi thích ứng với hoàn cảnh, bối cảnh mới nhưng không làm mất đi bản sắc. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top