Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Di sản Huế đối diện với nguy cơ xuống cấp do mưa lũ

Thứ Tư 21/10/2020 | 11:26 GMT+7

VHO- Trong những đợt lũ vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Dù đã lên phương án bảo vệ chu đáo nhưng nhiều công trình di tích và vùng đệm vẫn bị tác động, trong đó những yếu tố cấu kiện gỗ, vôi vữa bị ngâm lâu trong mưa lũ có nguy cơ hư hại, xuống cấp.

 Nước sông Hương tràn vào khu vực trước cổng Ngọ Môn Huế

 Lượng mưa trong các đợt lũ đầu tháng 10.2020 tại Thừa Thiên Huế rất lớn và kéo dài quá nhiều ngày khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích đã bị nước lũ tràn vào và ngập sâu, như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng cung Huế nước dâng ngập cả 1m. Ngoài ra, nhiều di tích khác dọc sông Hương cũng bị nước lũ tràn gây ngập nặng các đường đi, vùng đệm như lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị…

Thách thức

Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (viết tắt Trung tâm), hiện có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau đang được thực hiện tại các điểm di tích. Trước khi nhận được thông báo về mưa lớn, Trung tâm và các đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích một cách chi tiết nên bị ảnh hưởng không đáng kể.

 Khu di sản Hoàng cung Huế trong đợt lũ ngày 11.10

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, việc ngâm nước lũ lâu sẽ khiến cho tuổi thọ của công trình suy giảm. Riêng các công trình đang trùng tu, việc thời tiết không thuận lợi dẫn đến tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng, trong đó đáng kể là dự án tu bổ, tôn tạo mặt Nam hộ thành hào kinh thành Huế. Trải qua những đợt lũ như vừa qua cũng đã bộc lộ một vấn đề đáng lưu tâm, có ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích. Đó là hệ thống thoát nước của Kinh thành Huế do nhiều nguyên nhân tác động đã bị suy giảm công năng. Cụ thể là các hồ trong Kinh thành Huế, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã bị người dân san lấp, lấn chiếm làm nhà ở. Bên cạnh đó, việc người dân xả rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống các ao hồ, cống rãnh đã khiến cho nhiều đoạn cống bị ách tắc. Từ những nguyên nhân chính đó đã làm giảm khả năng lưu thông của dòng chảy, khiến nước không thể thoát ra được và dẫn đến bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc.

“May mắn là thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã và đang có những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Hy vọng rằng, trong thời gian tới hệ thống thoát nước của Kinh thành Huế sẽ phát huy tốt hơn công năng vốn có của mình, góp phần bảo vệ các di tích”, ông Nhật nói.

Cắt cử lực lượng trực 24/24h

Hệ thống di tích Huế, nhiều công trình có kết cấu chính là gỗ và vôi vữa nên dưới tác động của thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa lũ kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Ngay từ trước mùa mưa lũ hằng năm, Trung tâm đều đánh giá kỹ lưỡng tình hình và xây dựng các phương án phòng chống khoa học, phù hợp. Đồng thời cắt cử các lực lượng túc trực 24/24h để theo dõi tình hình, nhằm thông báo và khắc phục kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Chính vì thế qua nhiều đợt bão, lũ lớn vừa qua, các công trình di tích thuộc Di sản Huế bị ảnh hưởng không đáng kể.

 Ngay sau khi nước rút, lực lượng của TTBTDTCĐ Huế nhanh chóng dọn dẹp khu Di sản Huế

Ngay sau khi nước rút, Trung tâm đã nhanh chóng triển khai lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Các điểm di tích đã được dọn dẹp sạch sẽ và đón du khách tham quan trở lại. Ngay trong phạm vi khoanh vùng của di tích bị ngập lụt, từ thời điểm nước đang rút dần, Trung tâm đã cắt cử lực lượng cùng với các phương tiện hỗ trợ để khắc phục, dọn dẹp vệ sinh với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”. “Đối với các đường dẫn vào các điểm di tích không thuộc quyền quản lý, chúng tôi cũng luôn phối hợp cùng chính quyền địa phương, ban ngành liên quan, cùng các đoàn thể khắc phục, dọn dẹp, vệ sinh ngay sau khi nước lũ rút. Đảm bảo an toàn, đi lại thuận tiện nhất cho du khách tham quan và người dân sống cạnh di tích”, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm thông tin.

Mùa mưa tại Huế, mỗi đợt mưa thường kéo dài với lưu lượng nước lớn nên làm tăng tải trọng mái, dẫn đến tình trạng thấm dột ở hầu hết các di tích, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển trên công trình, cũng như trên các loại hiện vật trưng bày ở nội thất, đồng thời cũng là tác nhân gây mối mọt, tiêu tâm các cột gỗ. “Mỗi mùa mưa lũ hằng năm, chúng tôi đều lên các phương án bảo vệ cấp thiết các công trình di tích bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa. Công tác kiểm tra chống mối mọt cũng được triển khai hằng quý. Đối với các công trình chưa được tu bổ, chúng tôi lập phương án gia cố, chống đỡ. Nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, các di tích vốn được xây dựng bằng đa số cấu kiện gỗ này vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ”, một lãnh đạo Trung tâm nhấn mạnh. 

 Mỗi mùa mưa lũ hằng năm, chúng tôi đều lên các phương án bảo vệ cấp thiết các công trình di tích bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa. Công tác kiểm tra chống mối mọt cũng được triển khai hằng quý. Đối với các công trình chưa được tu bổ, chúng tôi lập phương án gia cố, chống đỡ. Nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, các di tích vốn được xây dựng bằng đa số cấu kiện gỗ này vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

(Một lãnh đạo Trung tâm)

SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top