Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Sân khấu nhỏ,​​​​​​​ đam mê lớn

Thứ Tư 21/10/2020 | 11:10 GMT+7

VHO- Ban đào tạo - Ban biểu diễn của Hội Sân khấu TP.HCM vừa ra mắt sân khấu Sen Việt tại tầng 1 của Nhà hát Sân khấu Kịch (5B Võ Văn Tần, quận 3). Một sân khấu rất nhỏ nhưng được kỳ vọng sẽ tiếp thêm ngọn lửa đam mê Cải lương và là ngôi nhà chung của giới nghệ sĩ cũng như công chúng mộ điệu bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

 Với Sen Việt, khoảng cách giữa diễn viên và khán giả sẽ rất gần, đây cũng chính là một thử nghiệm thú vị của mô hình sân khấu này

Sân khấu... vỏn vẹn 25m2

“Trong điều kiện TP.HCM cực kỳ thiếu sân khấu như hiện nay, chúng tôi đã gom góp từng chút để cho ra đời Sen Việt, như một rạp hát gia đình với mong muốn tạo thêm không gian dành cho các hội viên TP.HCM về công tác đào tạo các lớp văn hóa - nghệ thuật cũng như các chương trình biểu diễn quy mô nhỏ và mang tính thể nghiệm, đồng thời giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mang hơi thở đời sống”, NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Chủ nhiệm sân khấu Sen Việt đã bày tỏ tại đêm diễn mở màn sân khấu vào tối 17.10 vừa qua. Anh cũng chính là người đã “bỏ tiền túi” đầu tư 2 tỉ đồng để xây dựng ngôi nhà chung làm chốn đi về cho anh chị em nghệ sĩ, mà theo anh tâm sự, là ước mơ cả một đời làm nghệ thuật đến bây giờ mới có được.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ thêm: “Hơn 20 năm làm nghề, tôi “đi lang thang” như một người không nhà, thuê rạp hát thì đắt đỏ, thành ra cố gắng làm lấy một cái, dù nhỏ nhưng coi như có được nơi để đào tạo và biểu diễn. Số tiền đầu tư ban đầu giờ đã cạn, với tư cách là Chủ tịch công đoàn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tôi cũng vừa tự ký giấy cho mình vay 200 triệu đồng để có thể trụ được từ nay tới tết, dựng thêm 10 vở nữa để biểu diễn tại Sen Việt… Tôi tự nguyện đóng góp, xã hội hóa với Nhà nước, với Hội để tạo điều kiện cho đạo diễn, diễn viên trẻ có thêm cơ hội làm nghề”.

NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết, dù không gian sân khấu nhỏ nhưng Ban đào tạo - Ban biểu diễn cố gắng vun vén, thiết kế đầy đủ công năng. Ngoài khán phòng chính thiết kế tối đa được 100 ghế, sân khấu biểu diễn thì chỉ rộng đúng 25m2, còn có khán phòng 50 ghế kế bên để tổ chức đào tạo, phòng kỹ thuật, phòng hóa trang, phục trang và tận dụng tầng trệt để mở các lớp học.

Được biết, trước mắt Sen Việt sẽ diễn định kỳ vào tối thứ 7 hằng tuần các vở Cải lương hoặc các mini show của các nghệ sĩ Cải lương. “Để có kinh phí hoạt động, từ ngày 25.10 chúng tôi sẽ đi lưu diễn 6 suất ở các tỉnh miền Tây và dùng nguồn kinh phí đó để lấy ngắn nuôi dài. Dù rất chật vật nhưng sắp tới đây sân khấu Sen Việt sẽ không nhận bất cứ một hình thức tài trợ nào liên quan đến việc để quảng bá hình ảnh đơn vị. Còn nếu như tài trợ phi lợi nhuận thì chúng tôi nhận, rồi chúng tôi hỗ trợ lại là vé đi xem, chứ không có bất cứ logo, hình ảnh quảng cáo nào xuất hiện trên màn hình, sân khấu hay quần áo diễn viên. Tôi không biến không gian này làm nơi tiếp thị cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đồng hành cùng doanh nghiệp, đó là hướng mà chúng tôi đi tiếp theo”, NSƯT Lê Nguyên Đạt bày tỏ và cho rằng chỉ cần có đủ kinh phí trang trải cho hoạt động và tái đầu tư là đã rất vui, không dám mơ đến việc lấy lại vốn bỏ ra ban đầu.

“Truyền  tch Cổ Loa xưa” được chọn để diễn khai trương sân khấu Sen Việt

Đâu phải lúc nào cũng cần hoành tráng

Việc cho ra đời sân khấu Sen Việt không chỉ là niềm vui của “ông bầu” Lê Nguyên Đạt, mà giới nghệ sĩ cũng vô cùng phấn khởi, cho biết đã sẵn sàng “xắn tay áo” góp sức vào cơ ngơi này. Nghệ sĩ trẻ Điền Trung chia sẻ rất xúc động và ủng hộ thầy Đạt trong điều kiện sân khấu khó khăn đã làm được ngôi nhà chung này. “Trung là người luôn đặt chữ nghề lên hàng đầu, vì thế, Trung sẽ về gắn bó với Sen Việt để cùng nhau làm những điều tốt đẹp nhất cho Cải lương. Thật sự khi bước lên sân khấu này Trung thấy rất “đã”, tuy không hoành tráng, không có nhiều không gian phát huy khả năng về vũ đạo, nhưng ở nơi đây Trung thấy được mình sẽ có những góc mới để biểu diễn và chuyển tải để cho khán giả thêm yêu mến Cải lương, đó mới là điều quan trọng. Hy vọng rằng Sen Việt sẽ được khán giả đón nhận và yêu thích”, Điền Trung bày tỏ.

Cùng chung suy nghĩ này, nghệ sĩ Bảo Trí tâm sự, sân khấu Sen Việt đã giúp cho anh em nghệ sĩ, trong đó có Bảo Trí, được trở về ngôi nhà mà mình mơ ước từ lâu. “Bảo Trí được khán giả biết đến với vai trò là diễn viên hài, nhưng thật sự Bảo Trí là “dân” cải lương chính hiệu. Bảo Trí có thể thấy sự nhiệt huyết, đam mê của anh Lê Nguyên Đạt dành cho Cải lương, điều đó làm mình rất ngưỡng mộ, nên thấy cần phải quay trở về với cái gốc của mình. Cho đến hôm nay, Trí hãnh diện nhận mình là một nghệ sĩ cải lương và muốn đóng góp cho sân khấu này”, nghệ sĩ Bảo Trí cho hay.

Trước lo lắng của nhiều người liệu rằng sân khấu nhỏ quá có phù hợp để thể hiện tác phẩm không, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho rằng: “Cải lương đang trong giai đoạn biến động, thậm chí có nhiều người còn cho là đang trong phòng “hồi sức cấp cứu”. Vì thế mà những người như anh Lê Nguyên Đạt cố gắng tìm tòi, bứt phá để làm sao cho Cải lương tồn tại được rất là quý. Quay trở lại với không gian này, trước nay chúng ta mặc định, sân khấu, cảnh trí cho cải lương là phải hoành tráng, quy mô, tuy nhiên, với xu hướng hiện đại ngày nay thì người ta tiết giản tới mức tối đa. Khi tôi đi dự những liên hoan sân khấu ở nước ngoài, thấy nhiều sân khấu của họ còn nhỏ chỉ bằng nửa sân khấu Sen Việt nhưng người ta vẫn làm được những vở diễn mang tính triết lý, tư tưởng và hơi thở đời sống cực kỳ hấp dẫn… Do đó, vấn đề ở đây không phải là không gian lớn hay nhỏ, mà là đạo diễn có tìm được chìa khóa để nói lên ngôn ngữ của vở diễn hay không? Điều đó sẽ nằm ở tay nghề của những người thực hiện tác phẩm”.

Hoàn toàn ủng hộ việc hình thành sân khấu Sen Việt, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: “Trong quan niệm của tôi, hiện chúng ta không có những người trẻ tài năng để đáp ứng nhu cầu phát triển của Cải lương, không phải vì chúng ta không có đội ngũ mà chính là chúng ta không có điều kiện để các bạn trẻ làm nghề, rèn luyện tay nghề, chứng minh với công chúng… Mở sân khấu này, chúng tôi không có tham vọng lớn, chỉ mong có nơi thường xuyên cho các em được cọ xát, có nơi để đào tạo, biểu diễn, làm cầu nối với công chúng yêu Cải lương. Tôi cũng mong muốn Lê Nguyên Đạt liên kết với các bạn đạo diễn trẻ ngồi lại với nhau tìm những điểm mới đột phá, bằng thực tế của sân khấu cải lương”. 

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top