Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10: Nước mắt Mẹ không còn

Thứ Hai 19/10/2020 | 10:20 GMT+7

VHO- Những câu chuyện về Mẹ đẹp nhất đã được khắc họa qua 90 bức ảnh biết nói ở triển lãm Mẹ và trái tim người lính, sự kiện đặc biệt nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 và 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam.

 Hãy đến với triển lãm "Mẹ và trái tim người lính" để cảm nhận các tác phẩm về những người Mẹ Việt Nam Ảnh: THU TRANG

Chuỗi sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính” tổ chức.

Nước mắt của Mẹ

Triển lãm Mẹ của đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng là điểm nhấn thu hút công chúng tham dự chuỗi sự kiện Mẹ và trái tim người lính. Đại tá Trần Hồng từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Trong “gia tài” nghề nghiệp của mình, đại tá Trần Hồng có rất nhiều bức ảnh về đề tài này.

“Mẹ” trong những tác phẩm ông chụp hiện lên với nhiều sắc diện, góc độ khác nhau. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính. Khai mạc triển lãm, đại tá Trần Hồng xúc động nhắc đến nỗi đau của những người Mẹ, người vợ, thân nhân của 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng. “Chúng ta đau xót và xin chia sẻ với nỗi đau của những người Mẹ đang khóc ở các miền quê!”, đại tá Trần Hồng nói.

Mạch nguồn cảm xúc, trái tim luôn yêu thương ấy đã thôi thúc ông nhiều năm qua miệt mài đến khắp mọi vùng miền để chụp về Mẹ. 90 bức ảnh tại triển lãm vẽ nên hình ảnh vĩ đại của Mẹ ở ba góc độ: Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ, Mẹ - khoảnh khắc đời thường Tự hào những người Mẹ Việt Nam. Đầy đủ những cung bậc cảm xúc của tác giả về Mẹ Việt Nam với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm. “Tiêu đề của Triển lãm - “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tôi lột tả những mảnh ghép đa sắc về các Mẹ, tạo nên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương. Chân dung của các Mẹ tại triển lãm này đã nói lên tất cả những điều đó. Chúng ta hãy đến với những tác phẩm như đến với những giọt sữa, lời ru, đến với chiếc nôi và cánh võng của Mẹ”, đại tá Trần Hồng xúc động.

90 bức ảnh về các bà mẹ anh hùng trong thời chiến và cả thời bình, nhưng điều níu bước chân người xem chính là hình ảnh của những người mẹ liệt sĩ trên khắp cả nước mà đại tá, nhà báo Trần Hồng đã lặn lội, chắt chiu ghi lại. Đây cũng là lời tri ân sâu sắc gửi đến những phụ nữ Việt Nam, đặc biệt những bà mẹ đã hiến dâng những người con của mình cho Tổ quốc. Rất nhiều câu chuyện bằng hình ảnh về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được đại tá Trần Hồng kể lại. Đó là câu chuyện về Mẹ Nguyễn Thị Diệp ở Huế, dồn dập sáu lần nhận giấy báo tử. Mỗi lần như vậy Mẹ lại ốm liệt giường. Nỗi đau lần lượt mất đi sáu người con làm Mẹ cạn khô cả dòng nước mắt. Mẹ Trần Thị Mít, 95 tuổi ở Quảng Trị, có sáu con là liệt sĩ, hai con là thương binh nặng. Đằng đẵng bao năm Mẹ nén chịu đau thương, mất mát. Nỗi đau riêng vẫn mãi âm thầm dai dẳng. Sau đêm nhận giấy báo tử đứa con thứ sáu tóc Mẹ trắng phau, không còn sót lại tóc đen dù chỉ một sợi. Nỗi đau vì chiến tranh mất đi những đứa con len lỏi đến với biết bao người Mẹ khác ở mọi vùng miền. Một tấm ảnh của đại tá Trần Hồng kể về người Mẹ Hà Nhì Lý Nhù Xó, ở Mường Tè, Lai Châu. Đường vào nhà Mẹ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất 5 ngày đường mới tới nơi. Mẹ có một con trai độc nhất là liệt sĩ.

Không muốn làm Mẹ Việt Nam anh hùng! Dòng tâm sự đau đớn của Mẹ Nguyễn Thị Út (Hải Dương) khiến người xem nghẹn ngào. “Tôi cũng như hàng ngàn bà mẹ khác, chỉ có một con là liệt sĩ nên không được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng tôi không thắc mắc điều gì cả. Vì, chả người Mẹ nào lại muốn có nhiều con hy sinh để trở thành anh hùng. Chỉ một nỗi là thương nhớ con quá!”.

 Mẹ Thứ với mâm cơm cúng có 9 đôi bát đũa dành cho 9 người con liệt sĩ

Mẹ bảo: “Tôi vẫn đợi nó về!”

Gây xúc động mạnh là hình ảnh mẹ Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam với mâm cơm cúng có 9 đôi bát đũa dành cho 9 người con liệt sĩ. Nỗi đau của Mẹ đã được Tổ quốc tạc thành tượng đài. Mẹ có chồng, chín người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Hình ảnh đại tá Trần Hồng chụp Mẹ ngồi lặng lẽ, khuôn mặt kiên định và vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. Mẹ bảo: “Tôi vẫn đợi nó về, chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”.

Cất giữ những nỗi đau, mẹ Hoàng Thị Mộc, xã Cao Đức, Gia Lương, Bắc Ninh có ba người con là liệt sĩ, nhưng Mẹ chỉ treo duy nhất một Bằng Tổ quốc ghi công. “Khi tôi gặp, Mẹ không nói gì về mình cả, được hỏi Mẹ mới nói còn hai người con trai nằm trong hũ nút ấy và với tay kéo ra hai chiếc giấy báo tử. Nhìn lên bàn thờ, Mẹ bảo: “Nỗi đau nói nhiều mà làm gì hả con!”, những dòng ghi chép của Trần Hồng viết lại. Mỗi bức ảnh đều được ông Trần Hồng ghi chép lại hoàn cảnh ra đời, câu chuyện đi kèm và không ít trong số đó khiến người xem rơi lệ. Mẹ Trần Thị Dậu sinh năm 1915 ở phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội với nỗi đau quá lớn khi chồng và người con trai duy nhất của mẹ đều là liệt sĩ. Ông Hồng kể: “Tôi có thói quen thường trực, gặp ai cũng nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện. Tôi thu nhận tín hiệu đau thương của Mẹ về sự mất con và may mắn kịp ghi lại bức ảnh này trước khi tôi khóc, Mẹ khóc”.

Ẩn giấu sâu tận tâm can của những người mẹ vĩ đại đã hiến dâng những đứa con máu thịt của mình cho Tổ quốc còn là sự kiên cường, chấp nhận hy sinh của Mẹ. Bức ảnh Trần Hồng chụp Mẹ Trần Thị Nuôi ở Gia Lâm, Hà Nội đã nói lên điều đó. “Năm 1995, khi tôi chụp Mẹ lúc đó đã 105 tuổi. Mỗi khi ai hỏi Mẹ có cách gì để vượt qua đau thương, mất mát, để mạnh khỏe sống lâu, Mẹ bình thản nói rằng Mẹ phải sống thay cho con Mẹ”.

Góc máy Trần Hồng còn đưa người xem đến với nhiều khung hình đẹp và xúc động khác của biết bao người Mẹ trong những khoảnh khắc đời thường, trong niềm tự hào vô bến bờ của dân tộc về những người Mẹ Việt Nam kiên cường, giỏi giang, dũng cảm. Đó là Nữ tướng Nguyễn Thị Định trên chuyến tàu nối liền hai miền Bắc - Nam, ngày 31.12.1976. Ông Trần Hồng viết: Tôi chụp bức ảnh này mà tai mình vẫn nghe rất rõ âm điệu giọng Bến Tre của chị Ba đọc thơ: “Ôi Tổ quốc mà ta yêu ta quý. Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!”.

Đó là chân dung người vợ tận tụy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chân dung của mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm; mẹ của AHLLVT, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc - phi công MiG21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ... Bên cạnh những hình ảnh xúc động ở triển lãm Mẹ, tại sự kiện còn diễn ra lễ trao tặng hiện vật của những người lính năm xưa và Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và CLB Trái tim người lính. Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, những kỷ vật Bảo tàng được tin tưởng, trao tặng cùng những hiện vật mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm từ nhiều năm qua sẽ kể cho nhiều thế hệ mai sau nghe những câu chuyện, ký ức về một thời hoa lửa, để ta thêm trân trọng hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ đã từng đi qua chiến tranh. 

  Tiêu đề của Triển lãm - “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tôi lột tả những mảnh ghép đa sắc về các Mẹ, tạo nên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương. Chân dung của các Mẹ tại triển lãm này đã nói lên tất cả những điều đó. Chúng ta hãy đến với những tác phẩm như đến với những giọt sữa, lời ru, đến với chiếc nôi và cánh võng của Mẹ.

(Đại tá TRẦN HỒNG)

 

  Hai cá nhân, tập thể thuộc Bộ VHTTDL nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020

Bà Vũ Dương Thúy Ngà nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020

Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020 diễn ra ngày 18.10 tại Hà Nội. Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay được trao cho 7 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá, y học, công tác xã hội, phát triển cộng đồng. Trong đó, giải cá nhân có bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) và tập thể nữ công chức và viên chức Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) nhận giải tập thể.

Trong những năm qua, bà Vũ Dương Thúy Ngà có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển thư viện về mặt chính sách cũng như trên thực tế; thành lập 3 thư viện ở khu vực miền núi và vận động tài trợ, xây dựng nhiều tủ sách cho các thư viện miền núi. Đối với người khiếm thị, bà đãtriển khai nhiều hoạt động vận động vàtặng hơn 100 máy nghe sách nói và thẻ nhớ cho người khiếm thị cho Hội Người mùViệt Nam... Để khích lệ, truyền cảm hứng góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, bà đã thiết lập Kênh “Cùng bạn đọc sách” gồm 6 chuyên đề thu hút hàng nghìn lượt người đọc hàng triệu trang sách…

Tập thể nữ công chức và viên chức Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có đóng góp tích cực trong các hoạt động chuyên môn, chỉ đạo và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động chuyên ngành, triển khai các hoạt động nổi bật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, các chị em của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm còn luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trên địa bàn, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Q.HOA

 ANH THU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top