Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Về nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1: Sao không viết cho dễ hiểu ?

Thứ Hai 12/10/2020 | 11:23 GMT+7

VHO- Những bức xúc về chương trình lớp 1 quá nặng, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh chưa đi đến hồi kết thì những ngày qua, nội dung các bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 lại tiếp tục khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người cho rằng trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 của nhóm biên soạn “Cánh diều” có nhiều nội dung, câu chữ, hình ảnh hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam và không phù hợp để giảng dạy cho trẻ.

 Sách “Học vần” năm 1968

 Thậm chí, dư luận còn cho rằng, nhiều bài học trong bộ SGK này còn phản giáo dục, khi dạy trẻ con sự trí trá, gian dối để đạt mục đích...

Lạm dụng ngụ ngôn nước ngoài

Những người biên soạn bộ sách “Cánh diều” đưa vào bài học cho các em những con vật, đồ dùng, sự việc mà ngay cả người lớn cũng chẳng mấy khi gặp trong cuộc sống. Ví dụ như con chồn, con le le, cây lồ ô, con la, gà gô, con kì đà… Một phụ huynh ở nông thôn cho biết, cái bễ kéo tay thì bây giờ kể cả ở quê cũng tìm “đỏ con mắt” không ra, nếu trẻ học từ này thì thầy cô, cha mẹ khó có thể giải thích cặn kẽ cho trẻ biết vì nhiều người còn chưa bao giờ nhìn thấy nó. Tương tự, chắc chắn có rất ít người nhìn thấy con chồn hay con la, vậy phải giảng sao cho trẻ hiểu? Hay minh họa cho vần “ia” là hình ảnh bia đá trên lưng rùa, giải thích cho người lớn về nghĩa từ “bia đá” cũng đã khá khó, giải thích cho trẻ lớp 1 lại càng khó gấp bội khi ngôn ngữ đọc hiểu của các em còn khá đơn sơ, hạn chế. Hay như câu: “Gà có ngô, nghé có cỏ có mía” đọc lên rất tối nghĩa, sao không diễn đạt một cách đơn giản hơn là “gà ăn ngô, nghé ăn cỏ ăn mía”? Hoặc từ “gà nhép” rất ít dùng trong văn viết và cả trong cuộc sống thường ngày, sao không dùng luôn từ “gà con” cho dễ hiểu?

Trong sách sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn nước ngoài có các ngữ cảnh không phù hợp với lứa tuổi mới lên 5 lên 6. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng một số ngữ cảnh còn chứa đựng yếu tố bạo lực, ghê rợn. Chẳng hạn, trong bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá”: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà. Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá. Cá hết, cò tìm cua, cua nửa tin nửa ngờ, cò dỗ: Hồ kia to lắm cua sẽ mê tít. Cua để cò đưa đi. Cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò. Cò van xin. Cua bắt cò đưa nó về hồ cũ”. Nhiều giáo viên chia sẻ, viết SGK không những đòi hỏi kiến thức chuẩn, phù hợp tâm lý lứa tuổi mà còn phải đủ sự tinh tế và chứa đựng giá trị nhân văn tốt đẹp. SGK mà đưa những kiến thức cổ vũ tính bạo lực, lươn lẹo để dạy cho học sinh như bài tập đọc này thì có lẽ đã mang đến... tác dụng ngược.

Một ví dụ khác về bài “Chuột út”, được ghi tên tác giả là “Lép Tôn-Xtôi” nhưng được nhiều người xếp vào thể loại truyện “kinh dị” dành cho đối tượng học sinh lớp 1: “Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa về nhà, nó ôm mẹ, kể: Mẹ ạ trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nó nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá. Chuột mẹ đáp: Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con”. Bài học diễn đạt lủng củng, nội dung khó hiểu khi gọi con gà trống là... thú dữ, sử dụng nhiều từ láy khó như “lũn cũn, “thô lố”... thực sự người lớn đọc xong cũng không hiểu nổi bài học này nói lên điều gì, mang ý nghĩa giáo dục gì (?!) Tại sao “những hạn sạn” to đùng như vậy lại có thể lọt lưới kiểm duyệt và được chính thức đưa vào giảng dạy?

 ... và sách “ Tiếng Việt lớp 1 tập 1” năm 2020

Nếu không thể sửa chữa thì phải đưa ra khỏi hệ thống SGK

Một cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, suốt những năm 1950 đến 1970, sách tập đánh vần và tập đọc cho học sinh lớp “Vỡ lòng” (tương đương lớp 1 bây giờ) về cơ bản không thay đổi gì nhiều. Điều đáng nói l à nội dung những bài học đó rất trong sáng, đơn giản, dễ hiểu; những tình huống, từ ngữ, hình minh họa rất nhân văn. Theo vị cán bộ này, cần dạy trẻ hướng thiện thay vì định hướng cho các cháu “cảnh giác với con người xung quanh”, nếu thấy cái xấu thì giúp cho tốt lên, chứ không chỉ nhìn thấy sự trừng phạt. Thêm nữa, việc sử dụng quá nhiều phương ngữ và từ ngữ mang tính “văn nói” làm rối loạn việc học tiếng Việt phổ thông chính thống. Và không phải cứ truyện gì nổi tiếng là đưa vào dạy, đơn giản vì nó không phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Bên cạnh đó, việc “đẽo gọt” nhân vật cũng dễ làm thay đổi ý nghĩa giáo dục của câu chuyện. Về ý kiến cho rằng, giáo viên có nhiệm vụ giải thích những từ ngữ, tình huống khó hiểu cho học sinh, một vị phụ huynh phản biện, tại sao không viết sách cho dễ hiểu mà cứ viết cho thật phức tạp rồi bảo “giảng cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên”?

Trao đổi với PV Văn Hóa chiều 11.10, một cán bộ quản lý cao cấp của Bộ GD&ĐT chia sẻ, bất kỳ bộ SGK nào có vấn đề, sau thời gian 1 năm học cần được xem xét, cân nhắc để sửa chữa, hoàn thiện trước khi tái bản. Nếu không thể sửa chữa được thì phải đưa ra khỏi hệ thống SGK hiện hành. Ngoài ra, hiện có nhiều bộ SGK lớp 1 khác nhau nên các trường có thể tùy chọn chọn bộ SGK hoặc từng cuốn SGK thích hợp để đưa vào giảng dạy. 

 Bộ GD&ĐT đề nghị HĐ quốc gia thẩm định SGK rà soát SGK lớp 1

Trước phản ánh của dư luận và báo chí về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn Tiếng Việt lớp 1. Văn bản cho biết, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, SGK mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, SGK lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập. Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17.10.2020. Q.H

 

 QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top