Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

First News khởi kiện Lazada: Tòa quận chuyển đơn lên tòa thành phố

Thứ Tư 07/10/2020 | 11:28 GMT+7

VHO- Liên quan đến vụ việc First News khởi kiện Lazada vì tiếp tay tiêu thụ sách giả vừa qua, thông tin với Văn Hóa vào hôm qua 6.10, ông Nguyễn Văn Phước, CEO Công ty TNHH Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt (First News) cho biết, TAND quận 1 vừa thông báo cho biết cơ quan này đã chuyển đơn kiện của First News lên TAND TP.HCM vì vụ việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền của TAND quận. Nhân vụ việc trên cho thấy, vấn nạn sách giả, sách lậu ngày càng ngang nhiên lộng hành, đã đến lúc cần có tiếng nói mạnh mẽ từ phía các đơn vị làm sách chân chính và cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, để tiêu diệt vấn nạn nhức nhối này.

Sách giả bày bán trên thị trường mà First News thu thập được

 

 Lazada vẫn ngang nhiên thách thức

Theo ông Nguyễn Văn Phước, hiện First News có hơn 1.000 đầu sách nhưng đã có tới 650 đầu sách bị làm giả, vi phạm bản quyền bằng nhiều hình thức. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số lượng sách bị làm giả là hơn 400 đầu sách. “Cá biệt, những cuốn sách như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông,... khoảng 18-19 nơi làm giả cùng 1 cuốn sách và bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Điều này có nghĩa, cứ 1 cuốn sách của First News bán ra thì có 18-19 cuốn bị làm giả”, ông Phước thông tin và chia sẻ thêm, “Trong khi khoảng 6 tháng đến 1 năm chúng tôi mới xuất bản được 1 đầu sách thì họ chỉ cần trong vòng 1 tuần đã in lậu ngay”.

Theo điều tra của First News, sau khi in lậu ở Hà Nội thì các cơ sở này tỏa đi các tỉnh, thành, tiếp theo là tỏa lên hàng trăm trang mạng xã hội, cũng như chuyển lên Lazada và các sàn TMĐT khác để bán. Trong khi đó, phần lớn những người mua sách giả khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả bởi vì họ không có hai quyển sách để so sánh nhau. “Đây là hành vi lừa dối khách hàng, và không chỉ có sách, theo tôi biết thì trên Lazada còn bán cả các sản phẩm khác vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, bên Lazada không cho mình biết cửa hàng nào đã bán sách lậu và họ đang lộng hành bán số lượng rất lớn”, ông Phước nói.

Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, sau buổi gặp mặt báo chí công bố First News khởi kiện Lazada, hàng trăm ngàn bạn đọc Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, phẫn nộ, bức xúc với vấn nạn sản xuất và tiêu thụ sách giả. Sau một tuần tạm rút các cửa hàng bán sách giả, thì đến ngày 18.9.2020, các cửa hàng trên Lazada vẫn tiếp tục tiêu thụ sách giả công khai như chưa hề có việc gì xảy ra. First News đã cùng bạn đọc và luật sư, văn phòng Thừa phát lại đặt nhiều đơn hàng sách giả trên Lazada và đã lập vi bằng vi phạm để có thêm chứng cứ. “Sau khi First News khởi kiện, tới nay họ không hề liên hệ chúng tôi mà chỉ gửi thông tin cho báo chí thôi, đó là hiện tượng “đánh lận”, không chịu trách nhiệm dù First News đã gửi công văn nhưng họ không có phản hồi để thể hiện thái độ hợp tác”, ông Phước bức xúc. Về mức độ thiệt hại, CEO First News cho biết trong nhiều năm đã lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Theo đại diện First News, trên Lazada có rất nhiều gian hàng bán sách giả với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng khi bạn đọc đặt hàng mua sách thì số điện thoại giao sách trùng với số điện thoại giao hàng của các trang Fanpage bán sách giả. Được biết, các Fanpage này thường có gọi thường rất “kêu”, đạo, nhái cả tên các NXB, công ty sách uy tín, như “Kho sách NXB Trẻ”, “NXB Nhã Nam”, hoặc lấy tên “câu view” như “Bách khoa tri thức”, “Tủ sách kỹ năng”, “Tủsách thành công 4.0”, “Tinh hoa mọt sách”,… chạy quảng cáo ngày đêm để bán sách giả. Các chủ cửa hàng, trang Fanpage này có mối quan hệ khắng khít với các trùm sản xuất sách giả hiện đang phân phối sỉ sách giả tại các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Đường Láng, Nguyễn Xí... tại Hà Nội. Các trùm sách giả này thường xuyên vận chuyển tiêu thụ sách giả đến hàng trăm cửa hàng sách trải khắp các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung, và vào đến cả TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Đây là một đường dây vòi bạch tuộc khép kín, có bảo kê từ khâu sản xuất sách giả số lượng lớn đến tiêu thụ phân phối tại Hà Nội, khắp các tỉnh thành và các sàn TMĐT, Lazada cùng hàng trăm Fanpage khác… Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, First News cũng đã công bố danh mục 54 trang chuyên bán sách giảnổi bật với lượng truy cập lớn - trong hàng trăm trang bán sách giả đang hoạt động ngày đêm, là các trang do bạn đọc cung cấp gửi đến First News - TríViệt, cập nhật đến sáng ngày 21.9.2020.

“Sách tặc” ngày càng lộng hành

Có nhu cầu mua sách đọc giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, chị Hoàng Hạnh Dung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, dù đã tìm hiểu rất kỹ qua báo chí về cách phân biệt sách giả nhưng chị vẫn mua phải sách kém chất lượng qua Shopee. “Dạo một vòng trang TMĐT này, tôi tìm được cuốn Đắc nhân tâm. Ở phần mô tả sản phẩm, người bán đăng ảnh sách thật của cuốn này lên. Thêm vào đó, cuốn sách có giá bán chỉ bằng một nửa so với giá chung nên tôi quyết định chọn mua. Nhưng khi giao, tôi thấy chất giấy ở sách rất xấu, màu in nhòe nhoẹt. Biết mình mua phải sách giả nhưng tôi cũng đành vì việc đổi trả rất mất thời gian. Thư giãn với sách thì chưa thấy, chỉ thấy mua tức vào người vì mất tiền mà mua phải hàng giả”, chị Dung bức xúc.

Có cả trăm cuốn sách trong gia đình, anh Nguyễn Minh Khôi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, do nắm bắt được tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nhiều bên làm sách giả tung ra những cuốn sách có mức chiết khấu vô cùng sốc lên tới 60% trên các sàn TMĐT (sách thật thường chỉ chiết khấu 10- 30% - P.V). Điều này khiến người tiêu dùng rất dễ rút ví để mua sách giả. Cũng theo anh Khôi, một mánh khóe khác được những kẻ làm sách giả áp dụng để moi tiền của người tiêu dùng là làm giả luôn... tem chống hàng giả: “Thực tế, các NXB thường áp dụng nhiều công nghệ chống hàng giả như mã QR, tem chống hàng giả... Tuy nhiên, những công nghệ này không hề làm khó được đối tượng. Phải rất tinh ý, người mua mới phát hiện ra được thủ đoạn này. Nếu không, rất dễ sập bẫy và trở thành nạn nhân của hàng giả. Không chỉ các nhà xuất bản làm ăn chân chính mà người mua như chúng tôi cũng là nạn nhân. Tôi thấy cuộc chiến chống sách giả, sách lậu đang bế tắc, chưa có lối thoát, khác nào “ném đá ao bèo””.

Là người công tác lâu năm trong ngành xuất bản, ThS Thái Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Xuất bản, Phát hành Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nói rằng, trong nhiều năm qua, sách giả sách lậu vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối của ngành Xuất bản Việt Nam. Những loại sách này không chỉ được bày bán công khai tại các nhà sách truyền thống mà còn tràn lan trên các sàn TMĐT, mạng xã hội,… Việc sử dụng, in ấn và tiêu thụ sách giả không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne, Luật Xuất bản mà còn vi phạm Luật Hình sự. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối mà ngành Xuất bản đang phải đối đầu, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay. “Để giải quyết vấn nạn này, theo tôi vai trò của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ và phân cấp rõ ràng trong quản lý công tác xuất bản”, bà Hoài nói. 

Lãi hàng trăm tỉ, phạt chục triệu (?!)

Theo First News, đơn vị này đã là nạn nhân của nạn “sách tặc” trong suốt 20 năm qua. Cộng với đó, kể từ khi các sàn TMĐT có chính sách dễ dãi trong việc mở các gian hàng sách nói riêng, tính đến nay, First News đã thiệt hại đến hàng trăm tỉ đồng do vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh từ sách giả, khó thu hồi vốn. Để đấu tranh với nạn sách giả, ông Nguyễn Văn Phước cho hay bản thân ông cùng cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân để dẹp sách lậu ở các kho bãi: “Thế nhưng, mỗi lần xử phạt chỉ khoảng chục triệu đồng. Trong khi, uớc tính, sách lậu thu lợi bất chính từ việc trốn thuế hàng trăm tỉ đồng. Chỉ là “muối bỏ bể” nên sách giả vẫn được đà tung hoành trên các trang thương mại. Ngoài ra, các quy định về chống hàng giả chưa được áp dụng triệt để trong chống sách giả nên sách thật đang chịu rất nhiều thiệt thòi”, ông Phước nói.

 

 Cơ quan chức năng nói gì?

Triển khai đồng bộ các giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài  

 

Hiện nay vấn đề in lậu là hết sức phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2002 trở lại đây, vấn đề phân cấp quản lý xuất bản cho các địa phương, trong đó có quản lý in cũng gây ra những bất cập trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm. Cụ thể, đến nay có đến 93,5% các cơ sở in là do các sở địa phương cấp giấy phép và trực tiếp quản lý. Do đó, vai trò của các địa phương đi đầu trong vấn đề quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, trong đó có quản lý in lậu là rất quan trọng. Nhưng thực tế, do hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực nên không ít các địa phương rất khó kiểm soát những sai phạm trong việc in lậu.

Trước tình trạng in lậu có thể nói khá phức tạp với nhiều biến tướng, nhất là các hành vi làm, phát hành sách giả, sách lậu trên mạng, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, để ngăn chặn, xử lý với sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Đặc biệt, Cục đã phối hợp các cơ quan an ninh mạng, triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chào bán sách lậu, sách giả trên mạng. Đầu tiên Cục sẽ cùng các NXB đấu tranh với các trang mạng xuyên quốc gia. Bởi hiện nay, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại. Vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu cần được coi như nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Vì thế, Cục chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an… để rà soát, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền, gỡ bỏ các trang này, không để bày bán sách lậu, sách giả.

Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã hướng dẫn các NXB có những bước đi để tự bảo vệ mình, trong đó có việc giúp các cơ quan chức năng phân biệt sách giả, sách lậu bằng tem chống giả. Hiện nay độc giả và người xử lý rất khó phân biệt được đâu là sách giả, đâu là sách thật. Do đó việc làm tem chống giả là vô cùng cần thiết. Để giúp các NXB, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất tem chống giả, khuyến khích các đơn vị này cung ứng ra thị trường sản phẩm tem bảo vệ bản quyền với yêu cầu: Chất lượng, giá rẻ, thuận lợi sử dụng, từ đó giới thiệu đến các NXB, đơn vị làm sách, tạo điều kiện cho các NXB, đơn vị làm sách tự lựa chọn phương tiện bảo vệ sách mình.

Nghị định 159 của Chính phủ ban hành năm 2013, qua nhiều năm thực hiện đã không còn phù hợp, chế tài chưa đủ mạnh, cần sửa đổi, bổ sung. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn thành và đang trình Chính phủ, dự kiến gồm 5 chương, 42 điều. Trong đó, chương 3 về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản có 11 điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm và chế tài cho phù hợp với thực tế. Hy vọng sau khi Nghị định được thông qua thì việc xử lý những sai phạm sẽ mạnh tay hơn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu.

(Ông NGUYỄN NGUYÊN, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông)

Ngay cả những người làm việc với sách hằng ngày cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt sách thật - giả

Ở giai đoạn sàn TMĐT phát triển mạnh như hiện nay, việc người dùng mua phải sách giả là rất phổ biến. Công ty First News - Trí Việt từng đưa cho tôi cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh giả họ mua thử về trên sàn TMĐT. Tôi không khỏi ngạc nhiên về độ tinh vi của cuốn sách lậu này. Nếu nhìn bằng mắt thường, rất khó phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Chỉ khi sờ vào bìa sách không thấy tên sách được in nổi, chất liệu giấy kém và thấy không in màu ở trang cuối như sách thật, tôi mới có thể khẳng định đây là sách giả. Ngay cả những người làm việc với sách hằng ngày như chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt thật giả thì người tiêu dùng phải rất tỉnh táo trong chuyện này. Việc làm sách giả hiện đang gây phương hại rất lớn đến quyền lợi, kinh tế của những đơn vị làm sách thật. Bên cạnh đó, chính tác giả cũng chịu nhiều tổn thương về tinh thần khi những “đứa con” của mình không được bảo vệ. Bản thân người mua cũng sẽ chịu ức chế khi nhiều trường hợp phải bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua về những cuốn sách lậu kém chất lượng.

(Bà VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ, Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ VHTTDL)

Tôi ủng hộ First News kiện!

Tôi ủng hộ trong việc First News đã tiên phong đi thu thập chứng cứ, tổ chức đấu tranh, vận động các cơ quan truyền thông lên tiếng để tạo ra dư luận phê phán việc này, đồng thời thực hiện tố tụng, trông cậy vào cơ quan pháp luật để đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Nhưng ở đây tôi muốn nói là không chỉ có First News mà các NXB, công ty sách, những doanh nghiệp làm sách chân chính cũng phải tích cực trong việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta phải đấu tranh trên cơ sở thu thập chứng cứ, vấn đề này thì không thể chỉ cậy vào cơ quan quản lý nhà nước được. Chẳng hạn quản lý thị trường họ không đủ lực lượng để làm, và trong khi đó, sách của đơn vị nào thì đơn vị đó mới biết, cho nên NXB, công ty sách phải lập vi bằng chứ không chỉ trông chờ cơ quan quản lý thị trường, bởi vì bản thân cơ quan quản lý thị trường cũng khó mà biết cách để phân biệt sách giả - thật cho nên phía NXB phải đi làm, thông qua các chuyên gia và kết hợp với lực lượng chức năng, và phải đấu tranh đến nơi đến chốn, như First News đã kiện ra tòa.

(Ông LÊ HOÀNG, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường Sách TP.HCM)

 THÙY TRANG - NGỌC NHIÊN- ĐÌNH TOÁN 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top