Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thông tin không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng là thiếu chính xác

Thứ Tư 07/10/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Hiện nay dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TP.HCM có xu hướng tăng nhanh trở lại, trong khi đó lại xuất hiện thông tin không có thuốc điều trị bệnh này ở trẻ em khiến cho nhiều phụ huynh hiểu nhầm và lo lắng. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin này là thiếu chính xác.

Thông tin không có thuốc điều trị TCM ở trẻ em là không chính xác

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay dịch bệnh TCM trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy toàn thành phố đã có 6.358 ca mắc bệnh, chỉ tính riêng trong tuần 39 đã có 640 ca mắc bệnh, đây là tuần có số ca mắc TCM cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng hơn 50% so với những tuần trước đó. Hiện dịch bệnh TCM đã xuất hiện và tăng trở lại ở 19/24 quận, huyện của thành phố, đặc biệt trong đó có 4 quận, huyện có số ca mắc ở mức độ cảnh báo là quận 9, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Đề cập về việc số ca mắc TCM gia tăng trong những tuần gần đây, bác sĩ Thảo Tâm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, số ca mắc TCM gia tăng nhanh trong những tuần gần đây là do thời điểm này trẻ em bắt đầu quay trở lại năm học mới cùng với việc đây cũng là thời điểm dịch TCM bùng phát nên số ca mắc gia tăng nhanh. Do đó để ngăn ngừa và phòng bệnh hiệu quả là thực hiện 3 sạch gồm: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh phụ huynh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn. Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà trẻ thường xuyên tiếp xúc như sàn nhà, đồ chơi… Đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám đối với những trẻ đi học thì cho trẻ nghỉ học để hạn chế lây lan.

Trong khi bệnh TCM có chiều hướng gia tăng thì lại xuất hiện thông tin không có thuốc điều trị bệnh TCM cho trẻ em khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng và gây hoang mang trong dư luận. Trước vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM cho biết: Thông tin không có thuốc điều trị bệnh TCM ở trẻ em là thiếu chính xác, bởi theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, các bệnh viện có thể sử dụng thuốc kháng co giật khác để thay thế cho Phenobarbital trong tình hình chưa có thuốc như hiện nay.

Thuốc Phenobarbital 100mg/1ml là thuốc được các bệnh viện sử dụng trong điều trị các trường hợp mắc TCM. Thuốc này thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt có tác dụng chống co giật, dùng điều trị cho những trường hợp trẻ sơ sinh mắc TCM nặng. Hiện trên thị trường chỉ có 1 loại thuốc tiêm Phenobarbital đang lưu hành là Danotan 100mg/1ml (của Hàn Quốc) do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC 1 nhập khẩu và phân phối. Theo Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 6.2020, Sở đã nhận được công văn của Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố về việc thiếu thuốc tiêm Phenobarbital 100 mg/1ml của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC 1, do công ty này ngưng nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung thuốc Phenonbarbital cho các bệnh viện. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cho biết phía Hàn Quốc đã ngưng sử dụng loại thuốc nói trên nên đang xúc tiến tìm nguồn cung khác.

Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, thuốc Phenobarbital không phải là loại thuốc duy nhất chống co giật trong phác đồ điều trị bệnh TCM mà Bộ Y tế ban hành. Nên trong tình hình không có thuốc Phenobarbital như hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo phác đồ điều trị bệnh TCM trong thời gian chờ tìm nguồn cung ứng thuốc Phenobarbital từ các nước khác. 

  Đắk Lắk gia tăng số ca mắc bệnh TCM

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 666 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 48% so với cùng kỳ 2019. Các ca bệnh xuất hiện nhiều tại các huyện như: CưM’Gar (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2019), Buôn Đôn, Krông Pắk (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019). Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc bệnh TCM tăng mạnh trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm học sinh đi học trở lại nên bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo, nếu không đảm bảo công tác vệ sinh thì khả năng lây nhiễm bệnh là khó tránh khỏi. NGỌC HÒA

 NGUYỄN HIẾU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top