Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo”:  Văn hóa luôn cần sự đầu tư tương xứng

Thứ Tư 30/09/2020 | 11:30 GMT+7

VHO- Nhiều ý kiến, đề xuất về chính sách, giải pháp trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội vừa được các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội”.

 Trên phố đi bộ bờ Hồ Hoàn Kiếm

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực văn hóa trong sự phát triển của Hà Nội, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ băn khoăn trước thực tế đầu tư chưa tương xứng với vai trò của văn hóa trong đời sống.

Lợi thế và thách thức

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, Hà Nội cũng đang gặp không ít thách thức trong việc phát huy nguồn lực văn hóa, do sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; tình trạng vi phạm bản quyền ; các không gian sáng tạo hoạt động nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại…

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh, có không ít thách thức, khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. “Nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, công tác quản lý nhà nước còn bất cập; nguồn lực đầu tư cho văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa còn hạn chế; chế độ ưu đãi cho người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cơ sở còn thấp… Việc mở rộng địa giới hành chính và quá trình đô thị hóa nhanh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô”, ông Động nêu rõ.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhận định, khi quan sát Hà Nội, chúng ta thấy rõ tính hợp lý khi đầu tư vào phương thức phát triển theo định hướng văn hóa. Hà Nội vốn có những di sản để tạo điều kiện cho sự phát triển theo phương thức này, bề dày truyền thống các di sản văn hóa của Hà Nội lại là kết quả trực tiếp của một quá trình sáng tạo và đổi mới mà cũng không kém phần phong phú, độc đáo. Với một thể chế vững chắc của thành phố Hà Nội, một hình ảnh của thành phố mang tầm quốc tế, có kết cấu hạ tầng giáo dục toàn diện và đông đảo tài năng trẻ, Hà Nội đang có thời cơ để trở thành người đi tiên phong. Nhưng làm thế nào để chuyển biến từ chiến lược thành hành động, để xác định các hướng đi cụ thể xuất phát từ lý thuyết? Làm sao để việc ghi danh Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có thể giúp thay đổi thực tế hiện nay?

Ông Michael Croft cho rằng, việc gia nhập Mạng lưới mới chỉ là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo. Cách tiếp cận “Thành phố sáng tạo định hướng Thủ đô sáng tạo” giúp cho Hà Nội thực hiện những sáng kiến phát triển dựa trên một thái độ chủ động, cởi mở chia sẻ về những lựa chọn ưu tiên đầu tư của thành phố với các đối tác.

Đầu tư tương xứng cho “tài nguyên hiếm”

GS.TS Đinh Xuân Dũng xem nguồn lực văn hóa là “tài nguyên hiếm” cho sự phát triển của Thủ đô. Nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển thủ đô Hà Nội là cách đặt vấn đề thể hiện một tầm nhìn mới về vị trí, vai trò của văn hóa trong chiến lược tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội trong những năm tới, phù hợp với truyền thống, đặc điểm riêng và tính ưu việt, sự nổi trội của Hà Nội.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng chỉ rõ, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy tuy có phát triển, song thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với các lĩnh vực khác, chưa đủ tầm mức tác động có hiệu quả đối với sự phát triển của đất nước, trong khi đó, nhiều vấn đề tiêu cực, đáng lo ngại đang gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Có 3 vấn đề, 3 yêu cầu ở mức độ, cấp độ khác nhau cần trao đổi và lý giải. Một là, ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống. Hai là, tập trung xây dựng, phát triển văn hóa tương xứng với các lĩnh vực khác. Ba là, làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Ba yêu cầu đó đặt ra đối với cả nước và đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Giải quyết ba yêu cầu đó chính là xử lý thành công quan hệ “nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội”.

“Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng, và đó chính là tài nguyên tinh thần cho sự phát triển Hà Nội. Đó là tài nguyên hiếm, rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có như ở Hà Nội. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai...”, GS.TS Đinh Xuân Dũng lưu ý. Ông cho rằng, ở nhiều nơi và ở Hà Nội đều có kế hoạch khai thác các giá trị của di sản văn hóa cho du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo nên sự tăng trưởng của kinh tế. Điều đó đúng và cần thiết. Song, mặt khác cũng cần nghĩ rộng hơn. Khai thác, khai thông nguồn lực văn hóa ở Hà Nội, trước hết và quan trọng nhất là để xây dựng con người Hà Nội cho hôm nay và cho cả mai sau. Có nghĩa là, khai thông nguồn lực văn hóa có nhiệm vụ kép, không thể tách rời nhau là xây dựng, nuôi dưỡng các giá trị trong nhân cách con người Hà Nội và góp phần cho phát triển kinh tế du lịch Hà Nội.

PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng đề cập đến hai lĩnh vực là văn hoá sống của con người và văn hoá cảnh quan của Thủ đô. Về văn hoá sống của con người, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, người Hà Nội cần phát huy truyền thống thanh lịch; xây dựng chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc. Còn về văn hóa cảnh quan, Hà Nội cần lưu ý đến việc điều chỉnh quy hoạch cũng như xây dựng các công trình văn hóa như tượng đài, công trình điêu khắc; các công trình kiến trúc dân dụng cần phải có bóng dáng đặc trưng dân tộc. Ngoài ra, Hà Nội cần chú trọng đến việc cải tạo đường phố, các khu vực công cộng, ý thức bảo tồn những dấu tích lịch sử. PGS.TS Đào Duy Quát nhắc lại quan điểm quan trọng hàng đầu: Văn hóa không đứng ngoài, đứng bên cạnh phát triển mà nằm bên trong, là nhân tố nội sinh của phát triển. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Đặt ngang hàng và phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có nghĩa vừa phải thực sự coi trọng phát triển văn hóa, con người vừa phải xây dựng và thực hiện hệ thống các chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế - xã hội.

Theo ông Quát, đặt ra vấn đề nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo là đề cập đến cả 2 nguồn lực, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người. Nếu Hà Nội thực sự coi trọng phát triển nguồn lực văn hóa và con người, thì phải bắt tay thực hiện cho được Nghị quyết 33 cho đúng tầm. Lâu nay, việc đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong đời sống.

Hiến kế các giải pháp cho công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách để nâng cao nhận thức và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sáng tạo của Thủ đô. Sau khi đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo, đây chính là cơ hội để Hà Nội khẳng định tên tuổi trong khu vực và trên trường quốc tế. Đáng chú ý, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hà Nội cần thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô. Đã gần một năm kể từ khi được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội chưa làm được gì nhiều để thực hiện chương trình hành động đã cam kết với UNESCO. 

 HÀ PHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top