Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tết Trung thu nơi đầu sóng

Thứ Tư 30/09/2020 | 11:00 GMT+7

VHO- Những ngày này, trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng gió lao xao trên tán cây bàng vuông cổ thụ, còn vang vọng tiếng hát líu lo của lũ trẻ nhỏ về chiếc đèn ông sao, về chị Hằng và chú Cuội… Cùng với mọi người, những công dân nhí ấy cũng đang tất bật chuẩn bị cho Tết Trung thu, háo hức chờ đợi giây phút được rước đèn, phá cỗ trong đêm hội trăng rằm.

Các bạn nhỏ đang tập thổi sáo

 Là một trong hai thầy giáo trẻ đã gắn bó với trường Tiểu học Song Tử Tây từ nhiều năm nay, thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) quê ở Khánh Sơn, Khánh Hòa hồ hởi kể, suốt mấy hôm rồi, cứ tan học là lại thấy các cô cậu trò nhỏ hò nhau cùng chơi trò xếp đá bên bờ kè chắn sóng. “Những bàn tay bé xinh chỉ vào hòn đá này bảo giống hình mặt trăng, hòn đá kia giống hệt chú Cuội mà mình cũng bật cười. Năm nào cũng vậy đấy, người lớn chả cần xem lịch để tính ngày tới Tết mà chỉ cần nhìn đám trẻ con cùng nhau cười đùa, múa hát là biết Trung thu đã gần lắm rồi!”, thầy Ngọc kể.

Sau nhiều năm xung phong ra đảo dạy học, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1982) quê ở Vạn Giã, Khánh Hòa tâm sự: “Nhờ có các bạn nhỏ mà không khí Trung thu trên đảo cũng rộn ràng chẳng thua kém gì đất liền”. Cách đây ít ngày, hai thầy giáo trẻ đã bắt tay làm những chiếc đèn ông sao nho nhỏ cho hơn chục em học sinh của mình.

“Chẳng phải bọn mình tự tay làm cả đâu, phần lớn những chiếc đèn trang trí vào đêm tổ chức liên hoan văn nghệ đều do các em tự làm đấy! Mỗi lần có dịp được về đất liền, mình và Ngọc đều bảo nhau dành một góc ba lô để mang theo nào giấy bóng kính, nào nan tre, nào dây nhũ… Lỉnh kỉnh hệt như cô giáo mầm non chuẩn bị đồ chơi trước giờ lên lớp, vui lắm!”, nói rồi thầy Phú bật cười. Dù cách xa đất liền thế nhưng Trung thu trên đảo luôn đủ đầy, từ bánh trung thu, mâm ngũ quả, mặt nạ, đèn ông sao, đầu sư tử và không thể thiếu các tiết mục văn nghệ do thầy và trò trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây thể hiện.

Thầy trò háo hức làm đèn ông sao

Mấy hôm trước trời nhiều mây, thầy và trò dắt nhau ra phía ngoài khu vực bãi cỏ để tập luyện. Ngoài ấy nào gà, lợn, bò, chó… có tới hàng đàn nhẩn nha đi lại, chốc chốc lại “cà khịa” lũ chim chầu chực sà xuống bắt ruồi. Thấy các bạn nhỏ tập thổi sáo, chúng bảo nhau xúm đến, xun xoe, ngoe nguẩy cái đuôi, nghênh nghếch cái đầu và ra sức hít hà như để hỏi thăm vậy. Được góp sức mình chuẩn bị cho Tết Trung thu, các em học sinh háo hức và chăm chỉ lắm! Chỉ tập thổi sáo thôi mà cũng phùng má, cũng nín thở để lấy hơi như người lớn, thế nhưng thi thoảng lại có một cô cậu nào đó, tinh nghịch thổi toáng lên khiến lũ chim ngơ ngác giật mình bay tán loạn. Niềm vui của con trẻ cũng khiến người lớn vui lây.

Lần đầu tiên được đón Tết Trung thu cùng các cháu thiếu nhi trên đảo Song Tử Tây, chiến sĩ trẻ Huỳnh Khánh An không giấu được xúc động. Anh tâm sự: “Ai cũng có một thời niên thiếu và được vui Trung thu, nhưng đón Trung thu ở đảo Trường Sa thì không phải ai cũng có được. Phá cỗ Trung thu giữa biển trời, cảm thấy Tổ quốc mình thiêng liêng lạ thường. Được canh trời, giữ đảo, em tự hào lắm!”. Ở Trường Sa giữa bạt ngàn sóng trắng, cứ mỗi dịp Trung thu thời tiết lại hay thất thường. Hiếm khi đêm Trung thu các em nhỏ được ngắm trọn vẹn một vầng trăng tròn trên bầu trời trong và nhiều sao như khi ở đất liền. Thế nhưng năm nay, có lẽ đêm Trung thu sẽ diễn ra trong thời tiết thuận lợi hơn vì biển êm lắm!

Trong số các em nhỏ hiện đang học tập trên đảo Song Tử Tây, có em khi phát âm còn ngọng thế nhưng khi lặng nghe ca khúc Chiếc đèn ông sao của lũ trẻ ngân vang, trầm bổng ai cũng thấy hay và xúc động vô cùng! Tiếng hát ấy lan xa đuổi theo từng cánh chim hải âu đang bay lượn trên mặt nước biếc, réo rắt theo tiếng gió thổi phần phật trên lá cờ đỏ sao vàng của những con tàu. Và trong lòng của quân dân trên đảo, đó còn là thanh âm của niềm tự hào dân tộc được cất lên bởi những thế hệ tương lai của Song Tử Tây giữa biển khơi muôn trùng sóng gió. 

 VŨ MỪNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top